Cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, vận động hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới

 5411 lượt xem
 

 (BTĐKT)-Thôn Đá Bàn, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang có 144 hộ, 667 khẩu, 100% nhân dân trong thôn là dân tộc Dao trong đó Chi hội Nông dân có 100 hội viên. Chị Đặng Thị Tâm, dân tộc Dao, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng là người nhiệt tình, năng động, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia xây dựng nông thôn mới.

Với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn, chị đã phối hợp chặt chẽ với Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thôn, tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước các cấp và của địa phương về xây dựng thôn văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.
 
Các hình thức tuyên truyền được chị tính toán, thể hiện đa dạng như: Thông qua sinh hoạt chi hội, sân khấu hoá để hội viên nông dân nhận thức rõ cơ chế chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ, đặc biệt là vai trò chủ thể của hội viên nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Hàng tháng Chi hội đều xây dựng kế hoạch, biện pháp, giải pháp để tổ chức thực hiện.
 
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, chị đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện và được sự đồng tình hưởng ứng tích cực của hội viên nông dân. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, hội viên trong thôn đóng góp 200 triệu đồng để xây dựng Nhà văn hoá (có diện tích 150 chỗ ngồi khang trang, được trang bị đầy đủ thiết bị âm thanh, bàn ghế, tủ sách đáp ứng được điều kiện sinh hoạt của nhân dân). Chi hội vận động hội viên nông dân tham gia tu sửa sân bóng đá trị giá 30 triệu đồng, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... Các công trình vệ sinh, hố xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật và rác thải sinh hoạt gia đình được thực hiện đúng quy trình, xây dựng vườn nhà xanh, sạch, đẹp tạo ra môi trường trong sạch, thông thoáng.
 
Thực hiện Chương trình bê tông hoá đường giao thông nông thôn, chị vận động hội viên đóng góp kinh phí, công lao động, hiến đất mở rộng đường. Nhiều hộ dân tự nguyện hiến từ 100 - 300m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, đồng thời sẵn sàng tham gia công sức làm mặt bằng. Kết quả, hội viên và nhân dân trong thôn đã làm được 4.317m đường bê tông nông thôn, trong đó mỗi hội viên đóng 800.000 đồng và 12 ngày công. Trong 5 năm qua thôn đã tổ chức cho nhân dân làm mới 500m mương nội đồng theo chủ trương Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp tiền mua cát sỏi và công xây dựng. Hằng năm, mỗi hộ gia đình tự nguyện đóng góp công lao động vệ sinh đường thông thoáng, sạch, đẹp.
 
 
 
Thực hiện các phong trào thi đua của Hội, nhất là phong trào thi đua“nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, hội viên nông dân tích cực hưởng ứng. Đến nay,  Chi hội có hơn 40 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Chi hội đã phối hợp mở 03 lớp sơ cấp nghề về trồng trọt và chăn nuôi cho 105 hội viên trong thôn, tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, sử dụng cây, con giống mới, chất lượng vào sản xuất. Nhiều mô hình chăn nuôi lợn, dê từ 20 con/hộ trở lên được nhân rộng. Kinh tế hộ gia đình được người dân tích cực đầu tư, mở rộng, đã tạo nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhiều hộ gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, như mô hình của gia đình hội viên Đặng Văn Quân và Tướng Văn Yên chăn nuôi dê cho thu nhập trừ chi phí 200 triệu đồng/năm. Chi hội đã tín chấp trên 400 triệu đồng qua Ngân hàng chính sách - xã hội huyện cho hội viên vay phát triển kinh tế và xây dựng các công trình nước sạch vệ sinh môi trường. Chi hội xác định cây chè là cây giảm nghèo lâu dài cho hội viên và nhân dân. Vì vậy, Chi hội đã tích cực vận động hội viên và nhân dân trồng mới được trên 20ha chè sản xuất tập trung. Đến nay đã cho thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
 
Từ năm 2011 đến nay, Chi hội luôn đạt vững mạnh và được cấp trên khen thưởng. Chị Đặng Thị Tâm vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2010 - 2015./.
Thanh Hoàng
 
 
Ý kiến của bạn