Yên Lạc: Xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững

 6419 lượt xem
(BTĐKT)-Ngay từ những ngày đầu tiên bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc bằng những cách làm rất riêng, khoa học đã từng bước chuyển mình, phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của Vĩnh Phúc trong năm 2015 

 Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Lạc đã phát động phong trào thi đua tới tất cả các địa phương, chủ động phát huy những nguồn lực sẵn có dựa trên sự đồng lòng, chung sức của cán bộ và nhân dân. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, nhiều giải pháp của Huyện ủy, UBND huyện đã tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí khó tại các địa phương. Các xã, thị trấn đều chọn bước đột phá theo từng lĩnh vực, từng tiêu chí có khả năng hoàn thành để triển khai. Chỉ sau hai năm triển khai, toàn huyện đã huy động hơn 590 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM, trong đó có 29 tỷ đồng vốn của các doanh nghiệp, 308,9 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Ngoài ra, người dân còn tự nguyện hiến 1.170 m2 đất và gần 30 nghìn ngày công lao động. 

 
Nhân dân huyện Yên Lạc tự nguyện hiến 1.170 m2 đất, gần 30.000 ngày công lao động cho xây dựng NTM.
 
Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng giá trị, chỉ sau 5 năm triển khai, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình giống cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất tại vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đó là các mô hình: Lúa lai cao sản, đậu tương ĐT 26, cà chua lai ghép, dưa hấu ở các xã: Hồng Châu, Đại Tự; trồng bí đỏ ở xã Tề Lỗ, Tam Hồng; trồng chuối tiêu hồng ở xã Liên Châu, Hồng Châu; trồng cây ăn quả ở xã Trung Kiên, Liên Châu cho thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/ha. Các mô hình trang trại và phát triển kinh tế hộ như: Mô hình nuôi lợn nái ngoại, nuôi nhím, cá rô-phi đơn tính cũng được nhân rộng ở nhiều địa phương. Đây là một trong những bước đi quan trọng của Yên Lạc trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. 
 
Những con đường bê tông trải dài sạch đẹp của xã Liên Châu được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa.
 
Huyện phát động phong trào “mỗi xã phát huy một thế mạnh” nhằm hoàn thành những tiêu chí đề ra. Dự án Cụm công nghiệp - làng nghề, chợ sắt Tề Lỗ (Yên Lạc) ra đời xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của người dân muốn có mặt bằng để tập kết hàng hóa, phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ và làm nhà ở. Đến nay, Cụm công nghiệp - làng nghề - chợ sắt Tề Lỗ đã có gần 200 hộ xây xen ghép đầu tư nhà xưởng, bước vào kinh doanh, trong đó có gần 20 doanh nghiệp và 30 cơ sở đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc, thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng, thu hút gần 1.000 lao động của địa phương và khu vực lân cận, với mức thu nhập ổn định ba đến năm triệu đồng/tháng.
 
Nếu như Tề Lỗ đi tiên phong trong xây dựng cụm công nghiệp - làng nghề nhằm nâng cao thu nhập của người dân thì xã Bình Định lại đi đầu trong phong trào làm đường bê-tông. Thực tế cho thấy, để hoàn thành tiêu chí làm đường bê-tông trong xây dựng NTM cần một khoản đầu tư rất lớn. Ngoài kinh phí do Trung ương và tỉnh hỗ trợ, các xã cần phát huy nội lực của người dân. Nhờ làm tốt chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao được thu nhập cho người dân mà việc xã hội hóa làm đường nông thôn ở Bình Định đạt được kết quả khả quan. Dạo một vòng quanh xã, dọc hai bên đường là những ngôi nhà lợp ngói khang trang, đi trên những con đường liên thôn, xe máy rẽ vào những xóm ngõ đều được đổ bê-tông sạch sẽ, mới thấy được sự nỗ lực của người dân nơi đây. Còn tại xã Đồng Văn, một xã có hơn 11 nghìn dân, đã từng xếp loại xã nghèo nhất của huyện Vĩnh Lạc cũ, nhưng đến nay đã đổi khác, 100% số đường liên xã, liên thôn cùng đường xóm, ngõ đã được lát gạch, đổ bê-tông, trị giá hàng chục tỷ đồng. 
 
Tại Yên Đồng, do nhận thức đúng thuận lợi và khó khăn của địa phương, xã đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng công nghiệp, thương mại dịch vụ, giảm nông nghiệp. Mặt khác, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh, luân canh, nâng hệ số sử dụng đất lên 2,3 vòng/năm; hỗ trợ một nửa tiền cây giống cho vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ mua phân bón trả chậm, xóa bỏ việc gieo cấy lúa vụ ba, thay vào đó gieo trồng bằng các cây rau màu vụ đông có giá trị kinh tế cao hơn. Nhờ mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm qua của xã đạt 25,3%/năm. Trong đó, nông – lâm – thủy sản tăng bình quân 5,6%/năm, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng tăng bình quân 29,6%/năm, thương mại – dịch vụ tăng 27,7%/năm. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng chiếm 59,3%, thương mại – dịch vụ 32,2%, nông nghiệp 8,4%. Năm 2014, tổng sản lượng lương thực đạt 5.850 tấn, bình quân lương thực đạt hơn 544 kg/người, giá trị bình quân đạt 113,3 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất đạt 62,2 triệu đồng/người, tăng gấp 1,5 lần so năm 2010. Từ năm 2010 đến 2014, toàn xã đã sử dụng nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng trường học, cải tạo đường giao thông liên xã, liên thôn, công trình văn hóa phúc lợi công cộng… Tổng giá trị huy động xây dựng NTM trong ba năm (2011 - 2013) đạt hơn 278 tỷ đồng. Và năm 2013 xã đã được công nhận là xã NTM, tiến tới xây dựng đô thị vào năm 2020.
 
Mặc dù đạt được những thành quả quan trọng trong sản xuất, đời sống người dân huyện Yên Lạc ngày càng được cải thiện, nhưng cơ cấu kinh tế huyện vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Sản xuất nông nghiệp vẫn chưa vững chắc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, theo hướng công nghiệp, công nghệ cao còn hạn chế. Xây dựng vùng trồng trọt sản xuất hàng hóa tập trung, khu chăn nuôi xa khu dân cư kết quả đạt thấp, chưa ổn định; chưa khai thác hết tiềm năng vùng đất bãi sông Hồng. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ của một số hợp tác xã hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu trong thời gian vừa qua là do giá vật tư nông nghiệp tăng cao, thời tiết diễn biến bất thường, hiệu quả sản xuất thấp, dịch bệnh xảy ra ở các địa phương đã ảnh hưởng việc đầu tư vào sản xuất của nông dân.
 
Mặt khác, nguồn thu ngân sách trên địa bàn huyện thấp, chủ yếu dựa vào ngân sách tỉnh, nguồn vốn đầu tư hạn chế, do vậy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Chế độ, chính sách về đất đai, hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi, chưa phù hợp. Chính vì vậy, để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân trong vùng, các cấp chính quyền và người dân huyện Yên Lạc tiếp tục nỗ lực, nhanh nhạy hơn trong tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững trên địa bàn huyện./.
Thanh Phượng
 
 
Ý kiến của bạn