Lâm Thao: Huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Phú Thọ

 7920 lượt xem
(BTDKT)-Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, huyện Lâm Thao đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò làm chủ của người dân, tranh thủ sự giúp đỡ kịp thời của Trung ương, của tỉnh đã tạo sự thay đổi tích cực trên vùng quê giàu truyền thống văn hóa. 

 Lâm Thao - dải đất ven sông Hồng, là một huyện tiếp giáp về phía Tây thành phố Việt Trì của tỉnh Phú Thọ. Nơi đây được biết đến là một vùng đất có bề dày lịch sử, giàu truyền thống văn hóa và truyền thống yêu nước. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, huyện Lâm Thao đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò làm chủ của người dân, tranh thủ sự giúp đỡ kịp thời của Trung ương, của tỉnh đã tạo sự thay đổi tích cực trên vùng quê giàu truyền thống văn hóa. Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay Lâm Thao là huyện đầu tiên của tỉnh đủ điều kiện đạt chuẩn huyện NTM.

 
Có thể nói, so với các địa phương khác trong tỉnh, Lâm Thao thuận lợi hơn rất nhiều khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng NTM với không ít lợi thế. Nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh, ruộng đồng bằng phẳng, đất đai màu mỡ; có mạng lưới giao thông kết nối các tỉnh Tây Bắc với thủ đô Hà Nội; tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định, kinh tế, văn hóa xã hội phát triển; trình độ dân trí đồng đều; có xuất phát điểm tốt với bình quân tiêu chí năm 2010 đạt 10,8/19 tiêu chí/xã, cao hơn hẳn mức bình quân chung toàn tỉnh. Lâm Thao có xã Sơn Dương được chọn là một trong hai xã của tỉnh thực hiện thí điểm xây dựng NTM nên có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền vận động được triển khai tích cực, đồng bộ, hiệu quả đã tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong toàn huyện về thực hiện xây dựng NTM. Tuy nhiên chính sự năng động, sáng tạo trong cách làm của từng địa phương mới là động lực để Lâm Thao “về đích” sau 5 năm triển khai và giúp đưa diện mạo của huyện nông thôn mới đầu tiên trong tỉnh thực sự có nhiều khởi sắc.
 
Với quan điểm không làm thay, tạo sức mạnh tại chỗ, xác định người dân làm chủ thể trong xây dựng NTM, lấy nền tảng sức dân là cơ bản, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện đã định hướng, phân định những phần việc cụ thể, việc nào dân làm, việc nào nhà nước hỗ trợ; việc nào nhà nước và nhân dân cùng làm; dễ làm trước, khó làm sau và triển khai đến tận khu dân cư, từng hộ dân, giúp các xã thực hiện các tiêu chí NTM. Với cách làm đó, huyện Lâm Thao đã chỉ đạo các xã xây dựng và sớm hoàn thành quy hoạch đề án xây dựng NTM, tổ chức công bố, công khai quy hoạch cho nhân dân. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện đã xác định lộ trình cho từng xã, trong đó ưu tiên xã có xuất phát điểm cao, điều kiện sản xuất thuận lợi như: Cao Xá, Sơn Dương, Hợp Hải, Thạch Sơn… để tập trung nguồn lực triển khai trước; đồng thời lựa chọn danh mục dự án, chương trình để ưu tiên bố trí vốn tập trung đầu tư, đảm bảo hoàn thành các tiêu chí đồng bộ.
Huyện tập trung chỉ đạo các ban xây dựng Đảng, MTTQ và các tổ chức, đoàn thể học tập, nghiên cứu, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong đó, Ban Dân vận huyện ủy, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện phối hợp tổ chức tập huấn, thống nhất các nội dung, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí NTM phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đối tượng thực hiện. MTTQ huyện thực hiện mô hình hướng dẫn người dân xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường gắn với các nội dung thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hội Cựu chiến binh chọn mô hình “sạch đường” và giúp nhau phát triển kinh tế trong các hội viên; Hội Nông dân với mô hình “Ánh sáng quê tôi” và “Tiếng kẻng vệ sinh môi trường”; Ban CHQS huyện xây dựng, triển khai phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”… Trong quá trình thực hiện, các tổ chức, đoàn thể luôn đề cao tính dân chủ nhằm phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân, huy động sức mạnh vật chất, tinh thần của nhân dân trong phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh.       
 
Cũng như nhiều địa phương trong huyện, Cao Xá khá thuận lợi khi bắt đầu vào xây dựng NTM năm 2010 đã đạt 10/19 tiêu chí theo yêu cầu. Chỉ sau một năm thực hiện, số tiêu chí xã này đạt được đã lên con số 13. Và năm 2014, Cao Xá chính là một trong 6 xã của huyện Lâm Thao đủ điều kiện đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước một năm theo kế hoạch. 
 
 
Diện mạo xã Cao Xá, huyện Lâm Thao đã khởi sắc.
 
Để "về đích" sớm một năm, xã đã tập trung vào hai khâu đột phá: Xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở và đẩy mạnh các chương trình sản xuất nông nghiệp vốn là ưu thế của địa phương. Sở hữu một hệ thống đường giao thông nông thôn được cứng hóa từ trước, việc phải làm của Cao Xá khi thực hiện xây dựng NTM là tập trung hoàn thiện các công trình giao thông thủy lợi, hệ thống đảm bảo vệ sinh môi trường và các thiết chế văn hóa. Trong 4 năm thực hiện Cao Xá đã làm mới 8.000m mương cứng, 7.500m giao thông nội đồng, xây dựng thêm các thiết chế văn hóa, các trường, lớp học góp phần duy trì chuẩn mức độ 1 ở cả 4 trường học của xã và tiếp tục phấn đấu năm 2016 sẽ có 2 trường đạt chuẩn mức độ II. 
 
Đặc biệt hơn cả, Cao Xá đã đầu tư vào hệ thống thực hiện quy trình thu gom rác thải, xử lý nước mặt đảm bảo vệ sinh môi trường nông nghiệp nông thôn. Thành công của Cao Xá chính là huy động hiệu quả các nguồn lực sẵn có của địa phương, kết hợp lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình của tỉnh, của huyện. Để thực hiện chương trình, xã đã chi từ nguồn ngân sách địa phương trên 46 tỷ đồng; ngoài ra còn huy động đóng góp của các doanh nghiệp như Công ty Bắc Á ủng hộ 100 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, một số doanh nghiệp ủng hộ xây dựng các thiết chế văn hóa; nhân dân đóng góp 1,2 tỷ đồng xây dựng các nhà văn hóa khu. 
 
Thực hiện đẩy mạnh chương trình sản xuất nông nghiệp, Cao Xá đã quy hoạch thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên biệt như: Vùng sản xuất lúa, vùng thủy sản, vùng cây ăn quả, vùng cây rau màu và vùng cây có hạt. Kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông sản và xây dựng nhiều mô hình kinh tế chất lượng cao giúp Cao Xá đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế sau 4 năm thực hiện xây dựng NTM: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, Nông nghiệp chỉ còn 27,5%, giảm 14,4% so với năm 2011; bình quân thu nhập đạt 28 triệu đồng/người/năm, tăng 10,2 triệu đồng so với năm 2011; giá trị sản xuất trung bình đạt 150/ha/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 3%, giảm so với 2011 là 4,2%. Kết quả trên đã thực sự giúp Cao Xá có diện mạo mới với hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện và đời sống nhân dân được nâng cao.
 
Giống như Cao Xá, đến nay nhiều xã của huyện Lâm Thao đã có sự khởi sắc rõ rệt, mà điều nhận thấy trước tiên là hệ thống hạ tầng cơ sở được nâng cấp. Với tổng mức đầu tư đạt hơn 584 tỷ đồng, 4 năm qua Lâm Thao đã bê tông hóa được trên 473 km đường giao thông nông thôn; thêm 60 km kênh mương được cứng hóa đưa tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa của toàn huyện lên 57,65%; đảm bảo các điều kiện thực hiện chuẩn hóa 49/53 trường học các cấp; xây dựng 100% khu dân cư có nhà văn hóa, Trung tâm văn hóa thể thao và học tập cộng đồng; cải tạo, nâng cấp và xây mới 5 chợ nông thôn... Cùng với các công trình phúc lợi và dân sinh được cải thiện, công trình nhà ở dân cư ở các địa phương - một trong những tiêu chí chủ chốt của Bộ tiêu chuẩn NTM, cũng không ngừng được nâng cấp. Đã có tổng số gần 1.000 căn nhà được xây mới với tổng kinh phí là trên 464 tỷ đồng, đưa số hộ có nhà đạt chuẩn của Bộ xây dựng đạt con số 97%. Trên địa bàn toàn huyện hiện không còn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát. Đây thực sự là kết quả tích cực rất đáng ghi nhận của Lâm Thao, bởi ngay cả các địa bàn đô thị cũng chưa chắc đã đạt được. 
Với hàng loạt những công trình được đầu tư nâng cấp và xây mới, bộ mặt nông thôn Lâm Thao đã mang một diện mạo đổi mới hoàn toàn. Đã xuất hiện ngày càng nhiều những khu phố trong làng ở tất cả các địa phương trong huyện. Những dịch vụ sinh hoạt như điện, nước sạch đều được đáp ứng đầy đủ. Đặc biệt tình trạng mất vệ sinh môi trường cơ bản được giải quyết. Đến nay cả 14 xã và thị trấn của huyện Lâm Thao đều đã tiến hành quy trình xử lý phân loại và thu gom rác thải theo đúng quy trình, trả lại cho môi trường làng xã sự trong trẻo yên bình tưởng như đã vĩnh viễn mất đi bởi tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước mặt rất khó khắc phục của những năm trước.
 
Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn ở xã Hợp Hải, huyện Lâm Thao được mở rộng.
 
Cùng với hạ tầng cơ sở và điều kiện môi trường được cải thiện, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao và chuyên môn hóa cũng là yếu tố giúp Lâm Thao "cán đích" huyện NTM đúng kế hoạch. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất (Lâm Thao đã ứng dụng 65% cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp); tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết "4 nhà"; rà soát quy hoạch sử dụng đất đai, dồn đổi ruộng đất và chú trọng phát triển các mô hình cánh đồng mẫu lớn, các trang trại, gia trại ... chính là giải pháp giúp Lâm Thao tăng nhanh giá trị sản xuất nông nghiệp trong khi tỷ trọng ngành vẫn giảm bớt. Đến nay Lâm Thao đã hình thành vùng sản xuất lúa tập trung tại 14 xã, thị trấn với diện tích 3.300 ha, trong đó có 2 vùng quy mô 100ha/vùng chuyên sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn ở Cao Xá, Vĩnh Lại; 1 vùng sản xuất ngô giống 100 ha ở Kinh Kệ; 3 vùng sản xuất cây thực phẩm giá trị cao như dưa chuột, ớt... quy mô 20 ha ở Sơn Dương, Bản Nguyên, Cao Xá, Kinh Kệ; 420 ha nuôi trồng thủy sản tập trung ở Tứ Xã, Sơn Vi, Vĩnh Lại; có 39 trang trại đạt tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT cùng hơn 300 hộ chăn nuôi tổng hợp kết hợp nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao; 6 làng nghề... 
 
Các vùng nuôi trồng thủy sản của huyện Lâm Thao được quy hoạch thành các vùng nuôi trồng tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Bên cạnh đó huyện cũng tập trung thu hút đầu tư các dự án vào cụm công nghiệp của huyện và cụm làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Vi nhằm giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân. Những thay đổi tích cực trong tổ chức sản xuất đưa Lâm Thao là huyện đầu tiên của tỉnh có giá trị sản xuất bình quân đạt 120 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân 25,78 triệu đồng/ người/năm.
 
Kết quả xây dựng NTM đạt được là thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lâm Thao đã vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế để đưa huyện cập đích NTM đúng kế hoạch. Hai xã Bản Nguyên và Xuân Lũng tuy chưa đạt chuẩn nhưng cũng đều đã được 17/19 tiêu chí nên kế hoạch chuẩn hóa NTM hai xã này vào năm 2016 là việc trong tầm tay. Mục tiêu của Lâm Thao thời gian tới là nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được để việc chuẩn hóa diện mạo nông nghiệp nông thôn của huyện thực sự là bước đột phá mang tính bền vững./.
Thanh Mai
 
 
Ý kiến của bạn