Bình Dương: Xã điển hình trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ngãi

 7229 lượt xem
(BTĐKT)-Là một xã thuần nông với hơn 70% dân số sống bằng nông nghiệp, xã Bình Dương không chỉ là địa phương tiêu biểu về phát triển nông nghiệp, xã chuẩn văn hóa, mà còn là xã điển hình trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ngãi. 

Xã Bình Dương nằm về phía Đông Bắc của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cách trung tâm huyện 4 km. Toàn xã có 2.140 hộ/8.650 nhân khẩu; trong đó 70%  hộ sản xuất nông nghiệp; 10% hộ đánh bắt hải sản; 20% hộ buôn bán nhỏ. Diện tích tự nhiên hơn 884 ha; trong đó có 360 ha đất chuyên sản xuất lúa và rau đậu các loại. 

Xã có 01 Đảng bộ với 10 chi bộ trực thuộc và 175 đảng viên. Xã được chia thành 6 thôn, 11 khu dân cư, 01 hợp tác xã nông nghiệp và 01 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả. Bình Dương được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 2003 và được tặng thưởng 3 Huân chương Lao động hạng Ba vào các năm 1979, 1985, 2010; được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn văn hoá năm 2011.
 
Chợ Bình Dương do người dân đóng góp xây dựng, trị giá hơn 3 tỷ đồng.
 
Là xã thuần nông, thế nhưng bất cứ ai về xã Bình Dương đều ấn tượng và ngạc nhiên với hạ tầng nơi đây. Hầu hết những con đường trong xã đều được thảm nhựa, bê tông thẳng tắp, sạch sẽ và thoáng đãng. Cùng với đó hệ thống điện, trường, trạm, chợ, cầu cũng được đầu tư khá đồng bộ. Không chỉ dừng lại ở phát triển mạnh hạ tầng, Bình Dương còn khá nổi tiếng với những ruộng lúa bạt ngàn, cây rau màu xanh tốt…
 
Nhìn lại chặng đường đã qua, kể từ sau ngày quê hương được giải phóng, có thể nói xã Bình Dương hôm nay đi lên từ đống tro tàn đổ nát, ruộng đồng hoang hoá, được mất do trời, cái đói luôn rình rập quanh năm. Bằng sự tư duy sáng tạo của người dân Bình Dương, tổ chức ngăn sông đắp đập lấy nước ngọt tưới cho đồng ruộng. Nhờ vậy đã thâu chua rửa mặn, khai hoang mở rộng diện tích sản xuất. Từ sản xuất 1 vụ đưa lên sản xuất 2-3 vụ, sản lượng lương thực tăng đáng kể, đời sống của người dân ngày một nâng cao, quê hương Bình Dương ngày càng khởi sắc. 
 
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và huyện Bình Sơn, thời gian qua UBND xã Bình Dương đã tham mưu cho Đảng bộ xã ban hành Nghị quyết chuyên đề triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM). UBND xã đã ban hành Quyết định thành lập Ban quản lý Chương trình MTQG xây dựng NTM cấp xã giai đoạn 2011 - 2015.
 
Trong những năm qua, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân xã Bình Dương đã phát huy khối đại đoàn kết, kêu gọi và phát huy tối đa sự đóng góp của nhân dân quyết tâm chung tay góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp: Huy động 100% vốn nhân dân xây dựng 01 cầu bê tông cốt thép, có chiều dài 120 m, rộng 4m nối liền 2 xã Bình Dương và Bình Trung; xây dựng cầu sắt có chiều dài 85m, nối liền 2 xã Bình Dương và Bình Nguyên; xây dựng 2,5 km đường dây điện trung áp, 3,5 km đường dây điện hạ áp và xây 2 trạm biến áp công suất 330 KVA. 
 
Hằng năm, Bình Dương huy động từ nguồn đóng góp của nhân dân trên 300 triệu đồng đắp đập bổi ngăn sông Trà Bồng để lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Nhân dân Bình Dương đóng góp 40% vốn cùng với ngân sách để thực hiện bê tông hoá 12,66 km đường giao thông; 12,85 km kênh tưới; 6,5 km đê ngăn mặn và nhiều công trình khác như: Trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết,... kết cấu hạ tầng nông thôn ngày một khang trang, diện mạo nông thôn xã ngày càng khởi sắc.
 
Về nông nghiệp, Bình Dương đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá. Các loại cây trồng, vật nuôi mới có chất lượng cao đã trở thành phổ biến. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã và đang được ứng dụng sâu rộng trong sản xuất. Bình Dương là xã đi đầu trong công tác dồi điền đổi thửa ở huyện Bình Sơn. Sau 3 năm thực hiện dồi điền đổi thửa ở 5 đội sản xuất của 5 khu dân cư, đến nay tổng diện tích đã thực hiện 113,8ha, chiếm 30% diện tích sản xuất. Xã Bình Dương có cánh đồng đạt giá trị sản xuất 80-100 triệu đồng/ha/năm. Xã đang có 987 hộ gia đình đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. 
 
 
Nông dân Bình Dương chăm sóc cây ớt.
 
Xã Bình Dương xác định, muốn xây dựng quê hương ngày một phát triển thì ngoài việc huy động nội lực từ cán bộ, nhân dân đang sinh sống tại quê hương, còn cần phải huy động sự đóng góp đầy trách nhiệm và nghĩa tình từ con em của quê hương đi làm ăn xa thành đạt, để cùng chung tay góp sức xây dựng quê nhà. Chính vì lẽ đó Đảng bộ xã Bình Dương đã cho chủ trương 2 năm 1 lần tổ chức gặp mặt bà con quê hương nhân dịp Tết cổ truyền. Đại diện Thường trực Đảng uỷ, UBND, MTTQVN xã đi thăm, họp mặt Hội đồng hương tại các thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc nhằm báo cáo tình hình hoạt động và kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của xã, để bà con đang ở xa  nắm bắt được đầy đủ thông tin về quê hương mình; đồng thời đề xuất kế hoạch xây dựng những công trình cần thiết phục vụ sản xuất và dân sinh tại xã nhà, thông qua đó vận động bà con quê hương ủng hộ, giúp đỡ. Bằng cách đó xã Bình Dương đã huy động những người con của quê hương đang làm ăn xa đóng góp tiền của để xây dựng các công trình tại xã. Trong đó có những công trình tiêu biểu được bà con đóng góp 100% vốn để xây dựng là lớp học để dạy vi tính cho trường THCS có trang thiết bị đầy đủ; phòng truyền thống trường THCS xã Bình Dương; nhà tập thể dục trường THCS của xã; xây dựng nhiều ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách; xây dựng chợ Hôm, 150 m kè bê tông và 1 công viên diện tích 300 m2; xây dựng  cầu Bà Dầu vượt qua sông Trà Bồng, nối liền 2 xã Bình Dương và Bình Thới với chiều dài 185 m; xây dựng khu văn hóa và bê tông 600 m đường giao thông trong khu dân cư; xây dựng 70m bờ kè ven sông Trà Bồng…
 
 
Đường giao thông trong xã đã được thảm nhựa.
 
Ngoài những công trình tiêu biểu nêu trên, bà con Bình Dương ở xa quê hương còn đóng góp xây dựng cơ sở vật chất ở từng khu dân cư như: Trường tiểu học, trường mẫu giáo, Lăng Vạn, đình chùa... Có thể nói, những người con của Bình Dương đi làm ăn xa thành đạt đã đóng góp nguồn vốn không nhỏ cho sự phát triển của địa phương, góp phần xây dựng NTM nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
 
Có thể nói, Bình Dương là một điểm sáng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ngãi. Từ cách làm của địa phương này, có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong việc huy động sức mạnh tổng hợp để xây dựng NTM, nhằm sớm đạt được các tiêu chí về xây dựng NTM như Chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra./.
Thanh Phượng
 
Ý kiến của bạn