(BTĐKT)-Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, diện mạo nông nghiệp, nông thôn của tỉnh đã có nhiều khởi sắc.
Với ý nghĩa sâu sắc và tầm vóc lớn lao, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã huy động được nguồn lực của toàn xã hội chung tay xây dựng với nhiều chương trình, hoạt động phong phú, thiết thực, có hiệu quả.
Trong quá trình xây dựng NTM, một vấn đề được tỉnh rất quan tâm là tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Vì vậy, chương trình đã thực hiện đầu tư, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất như: Trồng rau muống, sen, tỏi, nuôi ếch giống (tại thị xã Ninh Hòa); trồng cà tím, nấm rơm (huyện Diên Khánh); hoa, cây cảnh (huyện Vạn Ninh); trồng táo, kiệu, rau sạch (TP. Cam Ranh); đan lát (huyện Cam Lâm); trồng sầu riêng, mía tím (huyện Khánh Sơn)... Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn như: Mộc mỹ nghệ, may dân dụng, chế biến nông sản...; tổ chức đào tạo nghề cho lao động, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. 5 năm qua, chương trình đã hỗ trợ gần 22.000 hộ, 9 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác và 1 trang trại phát triển sản xuất... Về công tác dồn điền đổi thửa, đã triển khai 4 dự án với tổng diện tích hơn 110 ha, tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng, góp phần cải tạo đồng ruộng, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh sản xuất nông nghiệp...
Tổng nguồn đầu tư thực hiện trong 4 năm (2011 - 2014) là 14.706 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2015, số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân chung toàn tỉnh là 12,6 tiêu chí/ 1 xã và có 21/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 22%), 56 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, vượt chỉ tiêu Chương trình và Nghị quyết của Tỉnh ủy.
Đến huyện Cam Lâm hôm nay sẽ thấy sự đổi thay ở từng thôn, xóm. Hệ thống đường giao thông được đầu tư nâng cấp, mở rộng; những ngôi nhà được xây dựng khang trang. Trước đây, đường làng, ngõ xóm chật hẹp. Giờ đây, nhiều tuyến đường được bê tông hóa và mở rộng, nhiều dịch vụ phát triển phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Ông Bùi Quang Nam - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho biết, 5 năm qua, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư khang trang, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phát triển phù hợp... Tính đến cuối năm 2014, toàn huyện ước huy động được hơn 431 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước các cấp chiếm 41,74%; vốn huy động nhân dân đóng góp chiếm 2,05%... Nguồn lực này đã tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Địa phương đã xây mới, cải tạo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhiều trường học, hệ thống kênh mương...; vận động các công ty, doanh nghiệp tô trát 257 căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số; sửa chữa, xây mới hàng chục căn nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo; đầu tư trang thiết bị cho nhà văn hóa, khu thể thao xã... 6 tháng đầu năm 2015, địa phương đã và đang đầu tư xây dựng 5 công trình giao thông nội đồng, liên thôn tại xã Cam Hiệp Nam và Sơn Tân với tổng kinh phí hơn 9 tỷ đồng. Một con đường giao thông nội đồng và 8 đường giao thông liên xóm cũng đang được thi công...
Trồng mía ở xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm.
Bên cạnh đó, địa phương còn xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; xây dựng các mô hình trình diễn trên lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Đến nay, huyện đã vận động nhân dân thành lập được 18 tổ hợp tác, liên kết, hợp tác xã. Đa số các tổ đều hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện ngày càng được đẩy mạnh. Đến cuối năm 2014, có 47/51 thôn được công nhận thôn văn hóa, 95% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa... Công tác y tế, giáo dục được thực hiện tốt. Tính đến cuối năm 2014, có 8/12 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; tất cả các xã đạt phổ cập giáo dục THCS; tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt 50%.
Công tác bảo vệ và phát triển môi trường ở nông thôn được triển khai hiệu quả. Từ năm 2008 đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho Chương trình nước sạch hơn 9 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 95,2%, tăng 25,5% so với năm 2010. Tất cả 12 xã đã có nghĩa trang được quy hoạch và có quy chế quản lý. 7 xã có phương án tổ chức thu gom rác thải... Cùng với đó, công tác quy hoạch cũng được huyện chú trọng thực hiện tốt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Huyện đã tổ chức cắm mốc chỉ giới quy hoạch giao thông những tuyến đường chính qua địa bàn và ban hành các quyết định phê duyệt quy chế quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn của xã Cam Hải Tây, Cam Tân và Cam Hiệp Nam…
Với những nỗ lực trên, năm 2014, Cam Hải Tây là xã đầu tiên của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến cuối năm 2015, huyện có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM là Cam Tân và Cam Hiệp Nam. Đến cuối năm 2016, huyện phấn đấu có 5/12 xã đạt chuẩn NTM; đến năm 2020 có 12/12 xã đạt chuẩn.
Về xã Diên Phước (huyện Diên Khánh) - một trong những xã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2014, chúng tôi chứng kiến sự đổi thay toàn diện. Các tuyến đường đã được đặt tên, nhà đánh số. Tỉnh lộ 2 chạy qua địa bàn xã đã có điện đường. Nhà văn hóa thôn còn thơm mùi vôi vữa. Vùng sản xuất lúa giống rộng 32 ha có 147 hộ tham gia...
Ông Nguyễn Minh Viên - Chủ tịch UBND xã Diên Phước cho biết, xã đã được công nhận là đô thị loại 5. Vì vậy, xã vừa phải củng cố những tiêu chí đạt được của một xã NTM, vừa xây dựng đô thị với yêu cầu, tiêu chuẩn cao hơn. Do vậy, thách thức vẫn còn nhiều, đặc biệt cần có sự hỗ trợ tích cực của huyện về vốn đầu tư hạ tầng.
Sản xuất nông nghiệp tại huyện Diên Khánh.
Tuy là xã miền núi nhưng xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh) đã đạt 9/19 tiêu chí NTM. Ông Trần Minh - Chủ tịch UBND xã nhìn nhận, Chương trình xây dựng NTM có tác động rất rõ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn miền núi, người dân phấn khởi bởi được hưởng thụ nhiều công trình, dự án. Vốn được đầu tư tập trung nên xã đã làm được nhiều công trình bảo đảm theo quy chuẩn, quy phạm, đặc biệt là các tuyến giao thông đi vào khu sản xuất đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản dễ dàng, góp phần nâng giá trị nông sản làm ra. Xã Khánh Nam đang phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2020.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM, sau 5 năm thực hiện chương trình, nông nghiệp, nông thôn của tỉnh có những bước đổi thay căn bản, toàn diện, thể hiện ở hạ tầng khang trang, đời sống người dân được cải thiện, kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng của các xã đạt chuẩn. Các tuyến giao thông, trường học, trạm y tế, chợ được đầu tư nâng cấp; hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi được kiên cố hóa; tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh đạt hơn 92%, trong đó hơn 25% sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế; vệ sinh môi trường được cải thiện... Bên cạnh đó, chương trình còn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở; xây dựng đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị đạt trong sạch vững mạnh; quốc phòng, an ninh được giữ vững...
Phần lớn các con đường nông thôn trên địa bàn TP. Nha Trang đã được bê tông hóa.
Giai đoạn 2011 - 2015, việc xây dựng NTM phù hợp với lộ trình và khả năng cân đối nguồn lực của tỉnh. Những kết quả trên sẽ tạo điều kiện thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trong giai đoạn 2016 - 2020. Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới, chương trình tiếp tục hoàn thiện về tổ chức; huy động và khai thác có hiệu quả các nguồn lực tập trung cho các xã, thực hiện theo lộ trình bảo đảm đến năm 2020 có 53 xã đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, các xã đã đạt chuẩn tiếp tục duy trì thành quả và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng xây dựng NTM với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao... góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa của tỉnh./.
Thanh Mai