Gắn bó với nghề may bằng một chữ “Duyên”

 18941 lượt xem
(BTĐKT) - Duyên nợ đưa ông Nguyễn Văn Thời Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đến với nghề may rất tình cờ, vào tháng 2/1993 khi đó ông đang làm Trưởng phòng Kế hoạch Vật Tư của Công ty xây lắp điện Bắc Thái thuộc sở Công nghiệp, được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám Đốc Xí nghiệp may Bắc Thái. Đến tháng 10/1993, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc xí nghiệp may Bắc Thái. Từ đây, ông bắt tay vào nghề và nghiệp doanh nhân như thế. 

 Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, có đề ra mục tiêu: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á.

Mục tiêu thì rất nhiều như vậy, nhưng bản thân ông chiêm nghiệm, điều sống còn đối với mỗi doanh nhân là doanh nghiệp của họ có vững mạnh, có sức cạnh tranh hay không? Nhìn lại sau 22 năm bản thân làm giám đốc, sau 36 năm Công ty TNG xây dựng, phát triển và trưởng thành, từ một Xí nghiệp có quy mô nhỏ, lực lượng lao động ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, chủ yếu may quần áo bảo hộ lao động theo chỉ tiêu được giao. Đến nay, TNG đã vươn lên trở thành một trong những Công ty trong TOP đầu của ngành dệt may Việt Nam. Sản phẩm của Công ty đã có mặt ở hầu hết trên các thị trường lớn của thế giới như thị trường Mỹ, Canada, thị trường EU và hàng năm mang về trăm triệu đôla Mỹ cho đất nước, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cho địa phương, cho đất nước và giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững cho hàng ngàn gia đình và tham gia tích cực vào công tác từ thiện xã hội. TNG đã xây dựng chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020 đạt doanh thu 4.550 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu 220 triệu USD. Hiện nay TNG đã có nhà máy tại 4 trên 9 huyện thị thành của tỉnh Thái Nguyên, bao gồm: Nhà máy Việt Đức, Việt Thái ở Thành phố Thái Nguyên, Nhà máy may TNG Sông Công ở Thành phố Sông Công, nhà máy TNG Phú Bình ở huyện Phú Bình, Nhà máy TNG Đại Từ ở Huyện Đại Từ. Kế hoạch đầu tư các dự án từ nay đến năm 2020 bao gồm: Đầu tư giai đoạn II nhà máy TNG Đại Từ, đầu tư Nhà máy TNG Phú Lương, đầu tư Nhà máy TNG Võ Nhai, Định Hóa – trong kế hoạch mỗi huyện thị thành của tỉnh Thái Nguyên đều có 1 nhà máy của TNG với qui mô từ 1000 lao động trở lên, và đầu tư Trung tâm Thiết kế Thời trang TNG. Tổng vốn dự kiến cho các dự án đến năm 2020 trên 1.500 tỉ đồng. Hiện nay TNG đang xây dựng Trung tâm Thiết kế Thời trang TNG tại Phường Hoàng Văn Thụ - TP Thái Nguyên, với chức năng như 1 Viện nghiên cứu, phát triển mẫu, chế thử sản phẩm trước khi sản xuất hàng loạt, nhằm hiện thực chiến lược phát triển của Công ty, tiến tới tự thiết kế sản phẩm bán ra thị trường theo hình thức ODM, mang thương hiệu thời trang TNG vươn ra thế giới.
 
Để TNG có được chỗ đứng trên thị trường thế giới, được Nhà đầu tư, khách hàng và Người lao động tin cậy, đơn vị quyết tâm theo đuổi mục tiêu Doanh nhân phải thực hiện bằng được “3 Không: Không vi phạm chế độ quyền lợi Người lao động, Không nợ thuế, Không nợ bảo hiểm”. Đó là thể hiện cao nhất trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, của doanh nhân.
 
Đối với Doanh nhân, quyết định đúng thời điểm vô cùng quan trọng, thậm chí quyết định thành bại của doanh nghiệp. Trong quá trình phát triển của TNG, đó là thời điểm năm 2003 khi chuyển sang cổ phần hóa, đây có thể xem là một bước đột phá của cá nhân ông nói riêng và của Công ty nói chung. Bởi lẽ thời điểm này Công ty thuộc sở hữu nhà nước, tình hình sản xuất kinh doanh tương đối ổn định, và được đa số nhận định sẽ là an toàn hơn nếu vẫn giữ hình thức kinh doanh theo hướng cũ. Tuy nhiên, sau rất nhiều trăn trở, sau nhiều cuộc họp, lấy ý kiến, đưa ra nhiều giải pháp, phương hướng và viễn cảnh nếu thay đổi mô hình tổ chức quản lý từ Nhà nước sang cổ phần thì Doanh nghiệp sẽ như thế nào? Cuối cùng, ông và ban Lãnh đạo Công ty đã quyết định sẽ “chuyển mình”. Cho đến ngày 16/12/2002, UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt đồng ý cho Công ty chuyển đổi hình thức sở hữu từ doanh nghiệp nhà nước sang Công ty cổ phần với 100% vốn của các cổ đông. Công ty đã đi vào hoạt động theo hình thức cổ phần hóa từ ngày 1/1/2003, với số vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Chỉ sau 2 năm cổ phần hóa, Công ty đã có sự phát triển rất năng động, đã xây dựng thêm được nhà máy TNG Sông Công với qui mô 4000 lao động. 
 
Thời điểm thứ 2 vào năm 2007, quyết định đưa cổ phiếu TNG lên sàn giao dịch chứng khoán, đưa TNG trở thành công ty đại chúng và quyết định thay đổi cách quản trị Công ty theo phương châm minh bạch. Quyết sách đó đã thay đổi căn bản cách thức quản trị Công ty từ phương pháp truyền thống của đa số các doanh nghiệp Việt Nam, sang quản trị tiên tiến của các tập đoàn đa quốc gia theo nguyên tắc minh bạch, chính xác, kịp thời với Nhà đầu tư, với cổ đông, với Người lao động. 
 
Hiểu được điều đó, ngay từ năm 2008 – một năm sau khi niêm yết cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán. Đến nay sau 7 năm kiên trì, dày công theo đuổi, tốn kém nhân lực và kinh phí, TNG đã vận hành trơn tru Hệ thống quản trị doanh nghiệp bằng phần mềm ERP, liên thông trao đổi dữ liệu giữa 13 phân hệ phần mềm. 100% tác nghiệp được thực hiện trên phần mềm. Thông tin phục vụ quản lý điều hành đầy đủ, chính xác, kịp thời. Cán bộ đi họp không phải viết báo cáo, không giấy tờ vì kết quả công việc và thông tin đều lấy từ phần mềm. TNG đang nâng cấp hệ thống để phân quyền cho Nhà đầu tư, cho khách hàng quản lý được thông tin về hoạt động SXKD hàng ngày của doanh nghiệp. 
 
Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP đang vào giai đoạn nước rút. Đây lại là một cơ hội vàng mở ra cho ngành dệt may Việt Nam nói chung cũng như TNG. Hơn 20 năm làm doanh nhân gắn bó với ngành dệt may, ông tin tưởng rằng thời cơ quý giá này sẽ mang lại bước phát triển nhảy vọt cho TNG. Tranh thủ thời cơ đưa thương hiệu thời trang TNG vươn ra thế giới.
Hoài Thanh
 
 
Ý kiến của bạn