(BTĐKT) - Là hội viên Hội LHPN tham gia sinh hoạt tại chi hội phụ nữ xóm Non Tranh, xã Tân Thành, huyện Phú Bình, hàng năm, Bà Đàm Thị Quy, sinh năm 1985, Dân tộc Nùng và các chị em trong chi hội hăng hái tham gia phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do Trung ương Hội LHPN phát động gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” và phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, tăng giàu giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới”, rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” và thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội.
Bà đã chủ động ký giao ước thi đua và đăng ký thực hiện 3 tiêu chuẩn của phong trào thi đua, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ trong chi hội thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình…; tổ chức cho chị em học tập tiêu chí người phụ nữ Việt Nam “Có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu”.
Từ năm 2009 trở về trước, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo của địa phương do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm trong sản xuất. Năm 2009, được sự quan tâm của Hội LHPN xã Tân Thành, gia đình bà được vay vốn hộ nghèo với số tiền 15 triệu đồng. Lúc đầu, gia đình đầu tư vào kinh doanh gà giống nhưng do thiếu kinh nghiệm nên gà chết nhiều. Gia đình bà tiếp tục vay thêm anh em, bạn bè để đầu tư chăn nuôi gà đẻ trứng và chăn nuôi lợn nái sinh sản. Với bản chất cần cù chịu khó cùng với việc được Hội phụ nữ tập huấn khoa học kỹ thuật, sau một năm đầu tư chăn nuôi kinh tế gia đình đã có những chuyển biến tích cực. Đến tháng 9/2010, được bạn bè giới thiệu, gia đình nhận thấy nghề kinh doanh ấp nở gà con giống là mô hình kinh tế phù hợp với gia đình mình tại địa phương. Vợ chồng bà đã về trại giống gà ở Hà Tây để học tập kinh nghiệm chăn nuôi và kỹ thuật làm lò ấp trứng. Sau một năm đầu tư vào chăn nuôi, gia đình đã có một số vốn khá và trả được nợ. Gia đình tiếp tục đầu tư kinh doanh lò ấp trứng và chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng. Đến tháng 9/2011 hoạch toán doanh thu từ việc kinh doanh lò ấp, nuôi 2.000 gà đẻ trứng và xuất chuồng 1.000 gà thịt, gia đình thu về lợi nhuận 150 triệu đồng, từ đó kinh tế gia đình được cải thiện đáng kể. Đến cuối năm 2012, thu nhập của gia đình đạt khoảng 240 triệu đồng, đã trả hết nợ và được bình xét thoát nghèo.
Tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, năm 2013, gia đình bà đăng ký thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên giống gia cầm Vạn Phúc, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất với lò ấp trứng hai buồng quay tự động nên không mất công đảo trứng mà vẫn đảm bảo gà nở với tỷ lệ cao và đảm bảo chất lượng. Công ty của gia đình còn cung cấp gà giống cho các khách hàng ở các tỉnh lân cận như Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc… Đến nay, có trang trại nuôi 4.000 gà đẻ trứng, lò ấp trứng 3 ngày cho ra một lứa gà với số lượng 5.000 con/lứa; thuê thêm 02 lao động, mỗi tháng trả lương 3 - 4 triệu đồng/người. Thu nhập hàng năm của gia đình sau khi trừ chi phí đạt khoảng 400 triệu đồng/năm. Từ đầu năm 2015 đến nay, thu nhập của gia đình đạt khoảng 500 triệu đồng.
Trong những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, các ngành và đặc biệt là Hội Phụ nữ, gia đình bà đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững và giúp đỡ các hội viên còn khó khăn. Bên cạnh đó, gia đình bà luôn tích cực tham gia công tác Hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, công tác xã hội, công tác từ thiện nhân đạo, ủng hộ làm đường giao thông nông thôn. Từ năm 2013, đến nay gia đình bà tham gia ủng hộ làm đường giao thông của xóm, ủng hộ cho chi hội phụ nữ, các cháu thiếu nhi nhân dịp Tết thiếu nhi,… với số tiền trên 10 triệu đồng/năm
Bà Đàm Thị Quy và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghiêm Điều lệ của Hội. Hàng năm gia đình đều đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, bản thân bà đạt 3 tiêu chuẩn của phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Hoài Thanh