(BTĐKT) Xây dựng nông thôn mới đang đặt ra nhiều thách thức. Tạo sinh kế bền vững cho người dân gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, gắn kết nông thôn – thành thị qua hoạt động du lịch là một hướng đi hiệu quả và bền vững, nhiều nước đã thực hiện thành công.
Ở Việt Nam, một số mô hình gắn kết du lịch với các làng nghề, với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, gắn kết giữa các hãng lữ hành và các địa phương để phát triển du lịch đã có những kinh nghiệm quý. Đó là những tour du lịch đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu cuộc sống sông nước miền Tây (Cần Thơ, Bến Tre, Long An…). Phát triển du lịch biển có sự tham gia của cộng đồng bảo vệ sinh vật biển ở Rạn Trào (Khánh Hoà), là những tour du lịch nông nghiệp gắn với làng nghề Ba Vì (Hà Nội)…
Du lịch nông nghiệp trên thế giới rất được coi trọng vì đã chứng minh được sự đóng góp to lớn không những về mặt kinh tế mà còn về các mặt xã hội, bảo vệ môi trường gốc rễ về tự nhiên, văn hóa và lịch sử. Trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa các nước đều dùng giải pháp này để giảm thiểu khoảng cách bất công giàu nghèo về khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn khi chỉ chú trọng thái quá đến sự phát triển bất động sản đô thị và xây dựng các khu công nghiệp .Thực chất đây là một hình thức phát triển mối giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các đô thị và nông thôn thông qua việc đến ở (homestay) hoặc tham quan có mục đích nhằm hưởng thụ các sản vật địa phương tại từng nông hộ gia đình hoặc trang trại. Bên cạnh đó còn được thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh và tham gia văn hóa đồng quê nên du lịch nông nghiệp đã được khẳng định là một hình thức du lịch mang tính cộng đồng bình đẳng và bền vững. Do tầm quan trọng về mặt xã hội và kinh tế nên họat động du lịch nông nghiệp bắt đầu từ Châu Âu đã được mở rộng khắp trên toàn thế giới với sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ về chính sách vĩ mô như Quy hoạch, tài chính, luật pháp, thương mại và quảng cáo. Các chính phủ của các nước đã hướng sự quan tâm của cộng đồng toàn xã hội vào phát triển du lịch nông nghiệp – Agritourism. Danh từ này có thể dùng khác nhau. Ở Ý là “Agri-tourismo (du lịch nông nghiệp ),ở Mỹ là “Homestead”(du lịch trang trại), ở Nhật là “Green-tourism”(du lịch xanh) “vì các sản phẩm (sản vật) dùng cho du khách bắt buộc phải được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ mang tính bản địa.
Yếu tố hàng đầu của một sản phẩm du lịch là sức hấp dẫn khách du lịch. Đối với du lịch nông nghiệp, lịch sử và văn hóa hình thành sản vật giữ một vai trò chính yếu. Để tạo ra các sản vật mang tính hàng hóa nên mỗi sản vật đều có lịch sử về nguồn gốc và lịch sử văn hóa canh tác, nuôi trồng, sơ chế, chế biến và quá trình thương mại hóa sản phẩm. Nói cách khác các sản vật mang tính văn hóa địa phương đã được các cộng đồng dân cư nông nghiệp của các làng quê sản sinh ra theo dòng lịch sử tồn tại của mình và rất gắn kết sâu sắc với thiên nhiên bản địa . Đó chính là nguồn tài nguyên vô tận để tạo ra các sản phẩm rất hấp dẫn cho du khách nếu biết tổ chức và khai thác vì ngoài yếu tố thiên nhiên còn là sản phẩm của trí tuệ và kinh nghiệm của cả một cộng đồng nông nghiệp làng xóm đã tạo ra các làng nông nghiệp truyền thống với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của mình. Với cách hiểu như trên thì làng nghề nông nghiệp truyền thống không chỉ bao gồm các sản phẩm từ các nghề thủ công mỹ nghệ mà còn từ các nghề trồng trọt chăn nuôi đánh bắt trong nông lâm ngư nghiệp. Làm thế nào để phát triển du lịch nông nghiệp gắn kết được với các làng nghề sản xuất nông lâm ngư nghiệp truyền thống mang tính đặc thù của địa phương và vùng miền ở nước ta là cả một vấn đề mang tính lý luận cũng như thực tiễn cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Tuy du lịch nông nghiệp là một sự nghiệp mới mẻ còn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng có thể tin tưởng vào sự phát triển lâu dài vì có một số tiền đề triển vọng sau:
1. Việt Nam là một quốc gia có bề dày lịch sử phát triển nền sinh thái nông nghiệp dựa trên nền sinh thái thiên nhiên có tài nguyên đa dạng sinh học thuộc 16 nước cao nhất thế giới. Đa dạng sinh học là chiếc nôi sống, nơi sản sinh ra các thảm phủ sinh thái tự nhiên cho việc phát triển và tồn tại bền vững một nền sinh thái nông nghiệp với các sản vật thiên nhiên độc đáo. Đó cũng là cái lõi chính để đặt nền móng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp bền vững đủ sức cạnh tranh trên thi trường quốc tế ở một nước nông nghiệp như Việt Nam.
2. Sự nghiệp nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang tiến hành sâu rộng theo chủ trương đổi mới nông thôn về các mặt của Đảng và Chính phủ hiện nay sẽ tạo một môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp tại các làng nghề nông lâm ngư nghiệp truyền thống ở nước ta và ngược trở lại du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào nông thôn mới với tốc độ vừa nhanh vừa bền vững do không những tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù .
3. Tỉnh hoặc thành phố nào ở nước ta nào cũng có các làng nông nghiệp truyền thống với không gian làng xã sinh động và các cảnh quan đồng quê đẹp trữ tình có tiềm năng trở thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
4. Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ các nước đã trải qua 30, 40 năm và đã thành công trong việc đặt nền móng và phát triển du lịch nông nghiệp với điểm xuất phát ban đầu như Việt nam hiện nay như Hàn quốc và một số nước Châu Âu.
5. Tài liệu và thông tin du lịch nông nghiệp đã có sẵn rất nhiều trên thế giới. Có cả trang Web liên kết các quốc gia trên thế giới về Tour du lịch nông nghiệp.
6. Lượng khách quan tâm tới du lịch nông nghiệp ngày càng lớn vì đa số rất quan tâm tới thực phẩm ngon sạch và không gian sinh hoạt của các nông hộ, các gia trại, các cộng đồng nông nghiệp làng xã tối lửa tắt đèn ấm cúng có nhau. Một không gian sống rất thực và thoáng đạt mang tính đồng quê luôn có sức lôi cuốn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước với mọi lứa tuổi khác nhau.
7. Nội dung của sản phẩm du lịch nông nghiệp rất phong phú làm gốc để phát triển ra các sản phẩm khác như du lịch ẩm thực đồng quê, du lịch nâng cao sức khỏe giải tỏa stress không chỉ cho người lớn mà còn cho trẻ em như bệnh tăng động hay trầm cảm, du lịch học đường (studing-tour), du lịch chuyên đề, du lịch về cội… Du lịch nông nghiệp luôn hỗ trợ du khách trở thành du khách tích cực trong tất cả các hoạt động không bao giờ nhàm chán.
Bên cạnh các thuận lợi tiềm năng quá trình phát triển mô hình du lịch nông nghiệp tại Việt Nam sẽ đối mặt với các việc cần thực hiện cũng như khó khăn bất cập sau:
1. Cần có chủ trương nghiên cứu một cách thấu đáo việc xây dựng nền tảng lý luận mang tính thực tiễn và hết sức đặc thù cho việc phát triển nền du lịch nông nghiệp truyền thống Việt nam vì đây là vấn đề mang tính hệ thống phức tạp để đưa ra được chính sách phát triển.
2. Quá trình quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp là một việc khó khăn đòi hỏi tầm nhìn lâu dài và nếu thực hiện sẽ cần một quyết sách rất mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo vì liên quan trực tiếp tới chiến lược phát triển kinh tế hàng hóa và cộng đồng cư dân nông nghiệp (nông hộ, trang trại, các trung tâm khuyến nông lâm ngư nghiệp, các hợp tác xã).
3. Cần có thời gian để tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm du lịch nông nghiệp bắt đầu từ tên gọi và nội dung hoạt động chuẩn xác là du lich nông nghiệp để từ đó không lúng túng trong quản lý và quảng bá sản phẩm.
4. Cần cung cấp kinh phí đào tạo kỹ năng tiếp đón du khách và tiếp thị các sản vật cho các nông hộ vì hàng ngày họ vẫn phải trực tiếp sản xuất nên sẽ gặp rất nhiều trục trặc nếu không có sự giúp đỡ trên.
5. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt và tác động xấu từ khủng hoảng kinh tế nên số lượng du khách sẽ ít và không ổn định nếu tiếp thị và quảng cáo không tốt vì vậy rất cần sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan truyền thông nhà nước.
Trang trại đồng quê Ba Vì đã được xây dựng đầu tư để thực hiện ý tưởng xây dựng một mô hình du lịch nông nghiệp mang tính thí điểm tại vùng phụ cận xung quanh chân núi Ba Vì. Đó là một vùng thiên nhiên rất tươi đẹp với các làng xóm thôn quê có diện tích rộng rãi rất thuận tiện cho việc tổ chức các hình thức du lịch nông nghiệp với nhiều loại sản vật khác nhau và tổ chức mô hình nói trên. Nơi đây đã hình thành các làng nông nghiệp truyền thống rất lâu đời như làng chè Ba Trại, làng Việt cổ, đá ong Đường Lâm, làng thảo dược người Dao Ba Vì, các trang trại nông hộ nuôi bò sữa, trồng rau lấy giống từ rau rừng, trồng hoa quả, nuôi ong mật, gà đồi, dê, thỏ, lợn, đà điểu, bò vàng nổi tiếng Ba Vì ..v.v. Hơn nữa do ảnh hưởng sâu rộng của núi Ba Vì (kho gen nguyên thủy về các thảm động thực vật, côn trùng, vi sinh vật và các vi lượng khoáng, nguồn nước sạch) và hơn 100 km các dòng sông lớn (sông Đà, sông Hồng) bao quanh đã tạo thành các địa hình cảnh quan, đất đai nông nghiệp rất đa dạng như rừng, vườn rừng, các thềm sông cổ, các dạng ruộng bậc thang thấp, các sông suối, các cánh đồng bằng phẳng màu mỡ do bồi tụ phù sa ... Không phải không có lý khi vùng phụ cận nông nghiệp rộng lớn xung quanh chân núi Ba Vì được biết đến, từ hàng nghìn năm trước cho tới nay là nơi luôn được chọn là vùng bảo tồn, thuần hóa và phát triển đa dạng các giống gốc về một số sản phẩm chăn nuôi và trồng trọt bản địa và nhập lai cho toàn quốc (người Mường – Việt cổ, Pháp, Cu Ba) và hiện nay vẫn tồn tại và phát triển các cơ sở nghiên cứu phát triển của Bộ nông nghiệp như trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, trung tâm nghiên cứu dê cừu thỏ, các trung tâm nghiên cứu măng, dứa suối Hai, gà lơ go, đà điểu, các loài cây lâm nghiệp… mà hàng vài chục năm là ít mới có thể thuần hóa, nuôi tạo ra sản phẩm hàng hóa, bảo tồn phát triển giống cho toàn quốc. Hoặc thị xã Sơn Tây bao gồm làng Việt cổ, đá ong Đường lâm là một trung tâm giao lưu thương mại về sản vật nông sản và trung tâm chế biến thực phẩm từ những thế kỷ xa xưa cho tới nay với trình dộ dân trí khá cao, có khả năng tổ chức sản xuất hàng hóa không những từ trồng trọt mà còn từ chăn nuôi như Hợp tác xã chăn nuôi Cổ đông tập trung 300 trang trại chăn nuôi.
Trang trại hoạt động trên sự liên kết rất chặt chẽ với các nông hộ, các trang trại tại các làng nông nghiệp truyền thống xung quanh, hỗ trợ về cách thức hoạt động du lịch nông nghiệp cho các nông hộ trang trại để cùng đón tiếp du khách chu đáo và đã có một số kết quả tương đối khả quan ban đầu sau hơn ba năm hoạt động. Nhưng chưa thể khẳng định sự thành công một cách bền vững, lý do chính là nguồn kinh phí hạn hẹp, cũng như chưa đi vào được chủ trương chính sách phát triển về thể loại hoạt động này nên đã và sẽ gặp nhiều khó khăn bất cập trong hoạt động bài bản lâu dài. Do vậy mô hình thử nghiệm cũng chỉ ở trong tình trạng thực hiện với những ý tưởng ban đầu về phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với làng nghề truyền thống.
Vân Hà