(BTĐKT) Tại cuộc họp ngày 22/6/2015, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai đã họp Hội đồng thẩm định các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tại cuộc họp, đã có 14 xã đề nghị tỉnh Đồng Nai công nhận đạt chuẩn nhưng qua xem xét, Hội đồng thẩm định đã thống nhất công nhận 11 xã thuộc các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Đồng Nai đã huy động mọi nguồn lực, vận động các tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Qua gần 5 năm triển khai, tỉnh đã có 63/171 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Đầu năm 2015, huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh được Trung ương công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước. Quá trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt của nông nghiệp, nông thôn Đồng Nai, làm tăng thu nhập của người nông dân, góp phần gắn kết, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.
Một trong 3 khâu đột phá mà Đại hội đại biểu thị xã Long Khánh lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tập trung xác định là toàn Đảng bộ sẽ lãnh đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) theo bộ tiêu chí nâng cao của UBND tỉnh; kết nối hạ tầng đô thị và hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại và chuẩn hóa của tiêu chí đô thị loại III và thành phố tương lai.
Là xã đầu tiên đạt chuẩn NTM của tỉnh và TX. Long Khánh, Bình Lộc hôm nay khang trang không thua kém các vùng đô thị. Kết quả đó càng cho thấy sự nỗ lực vươn lên của cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Lộc Thái Đình Hướng cho biết: “Bình Lộc là một trong 34 xã NTM đầu tiên theo Quyết định 137 của UBND tỉnh và hiện là xã NTM hoàn toàn không còn hộ nghèo, thu nhập trung bình của người dân hiện đạt trên 50 triệu đồng/người/năm”.
Trong quá trình xây dựng NTM, ở Bình Lộc đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giảm bớt nông nghiệp, tăng tỷ lệ dịch vụ, thương mại và công nghiệp. Tiêu biểu nhất là mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc. Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX cho biết, HTX luôn quan tâm ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất và sớm thực hành sản xuất sạch. Từ năm 2013, hơn 13 ha chôm chôm của HTX đã được chứng nhận sản phẩm VietGAP, nhờ đó thu nhập trung bình mỗi ha chôm chôm sau khi trừ chi phí cho thu lãi trên 100 triệu đồng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (giữa) về thăm mô hình
sản xuất nông nghiệp chất lượng cao xã Bình Lộc
Cũng là một trong những điểm sáng trong xây dựng NTM ở Long Khánh, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã Xuân Tân Đặng Việt Dũng cho biết, sau thời gian triển khai chương trình xây dựng NTM, hiện giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất nông nghiệp tại xã Xuân Tân đạt bình quân 115 triệu đồng, tăng 2 lần so năm 2009, trong đó có những hộ thu được từ 350 đến 400 triệu đồng/ha từ cây tiêu và sầu riêng. Trên địa bàn xã đã xây dựng 1 HTX, 13 tổ hợp tác và câu lạc bộ với 308 tổ viên, trên 750 cơ sở sản xuất, dịch vụ tạo việc làm ổn định trên 2.500 lao động tại địa phương, đến cuối năm 2014 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 48 triệu đồng. Trong 5 năm thực hiện chương trình NTM, toàn xã huy động trên 352 tỷ đồng đầu tư hạ tầng nông thôn, trong đó nhân dân trực tiếp đóng góp hơn 32 tỷ đồng, trên 1.260 lượt hộ dân hiến hơn 32.000m2 đất trị giá trên 13,5 tỷ đồng… “Kinh nghiệm lớn nhất trong thực hiện chương trình xây dựng NTM chính là làm cho người dân nhận thức rõ mục tiêu của chương trình thực chất là để phục vụ, nâng cao đời sống của họ, từ đó huy động sức mạnh trong dân, tạo sự đồng thuận cho chương trình về đích sớm”, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.
Quyết tâm xây dựng NTM nâng cao
Bí thư Thị ủy Long Khánh Nguyễn Văn Nải chia sẻ, ngay sau khi có Nghị quyết 26 của Trung ương và Kế hoạch 97 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đẩy mạnh xây dựng NTM trên địa bàn, Thị ủy Long Khánh đã triển khai trong toàn thể cán bộ chủ chốt và nhân rộng ra các Đảng bộ, Chi bộ, cơ quan, đơn vị trực thuộc. Nhờ vậy, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ việc xây dựng NTM và chủ trương đẩy mạnh nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ chính trị đột phá. Từ đó, toàn Đảng bộ đã tập trung dồn sức thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao. “Khi người dân đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thuận với các chủ trương đúng đắn thì nhân dân sẽ đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền. Nhờ đó, TX. Long Khánh đã về đích sớm hơn 1 năm, trở thành thị xã NTM đầu tiên cả nước”, Bí thư Thị ủy Long Khánh Nguyễn Văn Nải nhấn mạnh.
Thực tế xây dựng NTM trong 5 năm qua ở TX. Long Khánh cho thấy, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 6,1%; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất nông nghiệp đạt bình quân 150 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so năm 2009, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt trên 75 triệu đồng, tăng hơn 36% so với Nghị quyết Đảng bộ thị xã; đầu tư xây mới và sửa chữa nâng cấp 194km đường giao thông nông thôn nâng tổng số đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa lên trên 531km, trong đó có tuyến đường liên xã rộng lớn, khang trang.
Đại hội đại biểu thị xã Long Khánh lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định, trong 5 năm tới cần tập trung xây dựng thị xã hoàn thành tiêu chí đô thị loại III, phấn đấu là thành phố trực thuộc tỉnh và có 9/9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo tiêu chí của tỉnh. Để đạt chuẩn NTM nâng cao, Bí thư Thị ủy Nguyễn Văn Nải cho rằng, TX. Long Khánh sẽ tập trung quán triệt sâu sắc việc thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với đích đến là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân thông qua quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn theo cơ chế thị trường. Đặc biệt, coi trọng việc thúc đẩy liên kết, hợp tác hình thành các mô hình sản xuất phù hợp, các chuỗi sản xuất tiên tiến để giảm chi phí sản phẩm nông nghiệp; tổ chức tốt chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu hút nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn; huy động tối đa các nguồn vốn, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn bền vững, phù hợp các tiêu chí NTM nâng cao.
Từ nay đến cuối năm 2015, Đồng Nai phấn đấu có thêm 25 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nâng số xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh lên 88 xã (chiếm gần 65% số xã trong tỉnh). Dự kiến cuối năm nay, trên địa bàn Đồng Nai sẽ có thêm 3 huyện là Thống Nhất, Long Thành và Nhơn Trạch trở thành huyện nông thôn mới vè đến năm 2020, Đồng Nai sẽ trở thành tỉnh nông thôn mới.
Để đạt được mục tiêu trên, Đồng Nai sẽ tăng cường đầu tư nguồn lực vật chất cho các địa phương, vận động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân góp sức. Đồng Nai xác định, việc then chốt trong xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập cho người dân. Để làm được điều này, tỉnh sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân; quan tâm đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn./.
Nhật Minh