Huyện Yên Dũng: Người dân nâng cao trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới

 4437 lượt xem
(BTĐKT)-Được chọn là huyện điểm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2011-2015, Yên Dũng mạnh dạn đăng ký 6 xã hoàn thành. Đến tháng 5-2015, đã có 5 xã được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến cuối năm 2015 có thêm 1 xã về đích. 

Trong chỉ đạo, Yên Dũng chú trọng công tác tuyên truyền về XDNTM theo từng chủ đề chuyên sâu. Huyện tập trung thông tin, tuyên truyền về cơ chế, chính sách mới; các mô hình tiêu biểu đặc biệt là các mô hình sản xuất hàng hóa có liên doanh, liên kết. Qua đó nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên rõ rệt. 

Yên Dũng đã cứng hóa nhiều tuyến giao thông liên thôn, liên xã.

Người dân dần xác định được quyền lợi, trách nhiệm của mình, đã đồng thuận tích cực tham gia thực hiện đóng góp kinh phí, hiến đất, ngày công; giám sát đầu tư các hạng mục công trình xây dựng hạ tầng nông thôn mới... Tổng vốn đầu tư XDNTM của cả giai đoạn đạt hơn 450 tỷ đồng (trong đó ngân sách tỉnh 102 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã 130 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động đóng góp của nhân dân và nguồn vốn khác).
 
Yên Dũng đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của một huyện nông nghiệp, Yên Dũng xác định nhiệm vụ trọng tâm cần phải làm trước, làm ngay đó là thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) gắn với quy hoạch, chỉnh trang lại đồng ruộng. 
 
Đến nay, toàn huyện có 83 thôn ở 13 xã đã dồn đổi 3.250 ha. Sau dồn đổi, mỗi hộ còn từ 1-3 thửa. Diện tích ô thửa lớn; hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng được quy hoạch, cải tạo, xây dựng đồng bộ, tạo thuận lợi cho sản xuất thành vùng tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất, giảm chi phí lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Nhờ DĐĐT, đến nay Yên Dũng đã xây dựng được 16 cánh đồng mẫu lớn quy mô từ 35 đến 50ha/cánh đồng và 12 mô hình sản xuất, diện tích từ 5 đến 30ha/mô hình. Năng suất ở những cánh đồng mẫu lớn tăng từ 15-20%, thậm chí 40% so với đại trà. 
 
Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện XDNTM, huyện Yên Dũng rút ra một số kinh nghiệm. Trước hết phải lựa chọn làm điểm ở những xã, những thôn có hệ thống chính trị vững mạnh, đội ngũ cán bộ có năng lực, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; người dân cần cù, tích cực đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. 
 
Thực tế cho thấy, nơi nào cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, xác định rõ nội dung trọng tâm, trọng điểm và phù hợp điều kiện cụ thể, thì nơi đó có sự chuyển biến tốt và đạt kết quả cao theo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
 
Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức XDNTM phải xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; nội dung, nhiệm vụ phải làm; phương thức, biện pháp tổ chức thực hiện và kết quả đạt được của  tổ chức, cá nhân được giao. BCĐ huyện phân công thành viên phụ trách xã; các chỉ tiêu, tiêu chí phải cụ thể. Từ đó xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc kiểm tra, rà soát, đánh giá, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, xử lý những vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
 
Coi trọng, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động với phương pháp cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ để nông dân hiểu và nhận thức đúng và đầy đủ về trách nhiệm, vai trò chủ thể của mình. Hiện thực hóa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân quyết định, dân giám sát, dân thụ hưởng". Ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, phải biết phát huy được trí tuệ và sức mạnh của nhân dân, huy động hợp lý các nguồn lực trong dân để XDNTM. Đặc biệt, mọi huy động đóng góp của dân phải được bàn bạc, công khai, dân chủ, đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư để nhân dân hiến kế, đề xuất cách thức thực hiện.
 
Đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở phải ưu tiên dành thời gian, công sức, trí tuệ để lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Giải quyết kịp thời, có kết quả những vấn đề mà thực tiễn đặt ra; thống nhất giữa lời nói đúng và việc làm đúng để nêu gương.
 
Việc xây dựng kế hoạch, đề án phải thật cụ thể, chi tiết, sát thực tế. Mỗi xã phải căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân để lựa chọn nội dung nào làm trước, nội dung nào làm sau, mức độ đến đâu cho phù hợp. Phải tạo điều kiện để mỗi xã tự chủ trong xác định nhu cầu và phân bổ nguồn lực ưu tiên. Đa dạng hoá việc huy động nguồn lực XDNTM theo phương châm "nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là cần thiết".
 
Trong thời gian tới, Yên Dũng tiếp tục tập trung cao chỉ đạo các xã còn lại hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới; duy trì, nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn, tăng thu nhập của người dân nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại, bảo tồn và phát huy tốt các giá trị truyền thống ở nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái phát triển đa dạng và bền vững hơn.
Hoài Thanh
 
 
Ý kiến của bạn