(BTĐKT) - Thịnh Đức là xã phía Tây của T.P Thái Nguyên, với gần 80% số hộ sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân theo hướng bám sát cơ sở, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay bộ mặt nông thôn ở Thịnh Đức đã thực sự khởi sắc. Xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.
Ông Đặng Quang Dần, Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức cho biết: Xác định XDNTM là nhiệm vụ quan trọng nên ngay khi bắt đầu triển khai thực hiện, Đảng bộ xã đã tập trung tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên cũng như quần chúng nhân dân hiểu mục đích và ý nghĩa của Chương trình. Từ đó, vận động nhân dân hiến đất, góp công, góp tiền để xây dựng các công trình. Sử dụng nhiều kênh tuyên truyền để quán triệt chủ trương, tạo sự thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện. Nhờ có sự dân chủ trong bàn bạc, tham gia góp ý của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nên khi công bố quy hoạch cũng như việc tổ chức thực hiện nhận được.
Qua công tác tuyên truyền vận động, ý thức của người dân được nâng lên, hiểu rõ XDNTM là quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Mục tiêu XDNTM chủ yếu là sản xuất phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và người dân có vai trò là chủ thể quan trọng. Từ đó đã tích cực tham gia bằng các việc làm cụ thể như: Hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xóm. Ông Nguyễn Minh Liệu, người dân xóm Đức Cường cho biết: “Sau khi cán bộ xã và xóm tuyên truyền về việc mở rộng đường giao thông của xóm từ 3m lên 5m, tôi sẵn sàng hiến 130m2 đất thổ cư và gần 100m2 đất vườn chè đang cho thu hoạch của gia đình. Tôi nghĩ, làm đường là phục vụ cho lợi ích của chính người dân chúng tôi, và sau này là con cháu chúng tôi được hưởng”.
Được biết, Đức Cường là xóm đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn của xã Thịnh Đức. Cả xóm có trên 2,5km đường giao thông đã được cứng hóa với chiều rộng mặt đường được đổ bê tông rộng 5m, rất thuận lợi cho việc đi lại của bà con. Mặc dù xóm có đến 95% số hộ làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhờ có sự vận động, tuyên truyền tích cực của Trưởng xóm, Bí thư Chi bộ và các đoàn thể, xóm đã có 31 hộ hiến đất để làm đường với diện tích đất hiến là trên 1.000m2. Theo số liệu thống kê của UBND xã Thịnh Đức, trong 4 năm XDNTM, người dân đã đóng góp 800 ngày công lao động, trên 20 tỷ đồng, hiến trên 3.600m2 đất để xây dựng các công trình xã hội.
Để đưa Thịnh Đức trở thành xã trọng điểm về nông nghiệp của Thành phố, Đảng ủy, chính quyền xã xác định tuyên truyền là khâu quan trọng để thay đổi nhận thức của nhân dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đội ngũ, cán bộ xã thường xuyên phối hợp với các đoàn thể: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Trưởng xóm, Bí thư chi bộ sâu sát cơ sở, gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con để có hướng giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc; tổ chức các buổi tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh để bà con dần thay đổi tư duy sản xuất. Kết quả, sau 2 năm triển khai các giống lúa mới: BTE-1, BG1, BG6, HKT99, Hương thơm Kinh Bắc..., tỷ lệ diện tích lúa lai của xã đã tăng lên 30% (tăng 25% so với năm 2013); nhiều diện tích đất trồng cây màu năng suất thấp đã được xã vận động bà con chuyển dần sang trồng những loại cây cho năng suất, giá trị kinh tế cao như: Cam đường canh, quất cảnh, bưởi Diễn, chanh, thanh long, hoa... Tỷ lệ số hộ khá và giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm xuống còn 2,5% (giảm 7,5% so với năm 2010), thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 27 triệu đồng/người/năm (tăng 20 triệu so với năm 2010)...
Nhờ làm tốt công tác “Dân vận khéo”, bám sát cơ sở, Thịnh Đức đã trở thành một trong những xã có tiêu chí đạt cao trong XDNTM của Thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoài Thanh