Diện mạo nông thôn mới ở nơi địa đầu Tổ quốc

 5602 lượt xem
(BTĐKT)-Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng 

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, gồm 11 nội dung: Quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; Chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; Giảm nghèo và an sinh xã hội; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; Phát triển giáo dục - đào tạo ở nông thôn; Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cư dân nông thôn; Xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn; Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn; Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.

Để thực hiện và đạt được các mục tiêu được đề ra trong chương trình nông thôn mới, tỉnh Hà Giang – mảnh đất biên cương nghèo khó nhất nhì nước, mặc dù không có đủ nguồn lực và gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình này nhưng đã tìm ra những cách làm hay, hiệu quả. Thực tế triển khai tại vùng biên cương này đã đem lại những kết quả vượt bậc và điển hình.
 
Vì là một vùng khó khăn nên từ khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Giang đã nhất quán chủ trương trong xây dựng là chỉ hỗ trợ xi măng là chính, tuy nhiên bà con nơi đây đã tự giác góp công, góp sức đoàn kết giúp nhau cùng xây dựng NTM.
 
Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM Hà Giang, từ chủ trương hỗ trợ 11.000 tấn xi măng của tỉnh, đến nay các địa phương đã hoàn thành gần 71 km đường bê tông, 3.600 km kênh mương, láng nền cho trên 330.000 m2 nhà, xây dựng xấp xỉ 4.000 công trình vệ sinh, di dời 844 chuồng trại ra xa nhà ở và xây dựng được 320 bể nước cho bà con. Có thể với nhiều địa phương, khối lượng công trình trên chẳng đáng là bao nhưng với một tỉnh vốn đã nghèo lại khó như Hà Giang thì đó là cả một kỳ tích, bởi 1 km đường bê tông ở đây công sức, tiền của người dân phải bỏ ra gấp 3 – 5 lần nơi khác.
 
Nhờ có nhà vệ sinh, bể nước, sân phơi cuộc sống hàng ngày của nhiều hộ gia đình đã bớt khó khăn. Mùa khô không còn phải đi hàng chục cây số để lấy nước, vật nuôi không còn nhốt dưới sàn nhà, ăn bát cơm đã ít cát sạn và chị em cũng có chỗ tắm tát kín đáo hơn. Xây dựng nông thôn mới gắn liền với phát triển du lịch cộng đồng.
 
Trong chiến lược xây dựng NTM của Hà Giang đặt ra yêu cầu quan trọng là phát triển du lịch cộng đồng phải gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa, với hy vọng đây sẽ là điểm nhấn thu hút du khách, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Một góc Khu du lịch sinh thái cộng đồng Panhou tại xã Thông Nguyên
(Hoàng Su Phì - Hà Giang) - nơi tiêu biểu về làng văn hóa du lịch gắn liền với xây dựng nông thôn mới.
 
Tại Hội nghị “Xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới” mới diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Đàm Văn Bông thừa nhận, tỉnh không thể xây dựng ngay một lúc toàn bộ hệ thống các Làng văn hóa du lịch cộng đồng bởi địa phương còn nghèo và nguồn kinh phí rất hạn chế. Do đó, tỉnh chủ trương khuyến khích các hộ gia đình và các cấp từ thôn, xã đến huyện triển khai từ những công trình đơn giản trước, vấp chỗ nào tỉnh sẽ tìm cách hỗ trợ chỗ đấy.
 
Phát huy sự sáng tạo, tại thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên, bà con phát động phong trào làm bờ rào bằng cây chè Shan Tuyết, vừa bớt được khoản tiền xây dựng lại có thêm thu nhập và hình thành nên những con đường xanh, thân thiện môi trường.
 
Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn của các xã trên địa bàn tỉnh như được “lột xác”, hàng chục công trình hạ tầng trường, trạm được đầu tư xây mới, nhiều tuyến đường từ liên xã, liên thôn đến các xóm được bê tông hoá, đời sống người dân ngày được cải thiện, công tác giáo dục được nâng cao, chất lượng y tế được cải thiện. an ninh chính trị được giữ vững và ổn định.  
 
Các đồng chí lãnh đạo huyện và nhân dân chung sức rải đá, đào rãnh thoát nước tuyến đường nông thôn xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc.
 
Xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng và là cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ở nông thôn đồng lòng xây dựng thôn, xã, gia đình của mình khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất toàn diện có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Do vậy, ngay từ đầu năm, BCĐ các cấp đã triển khai quyết liệt, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể quần chúng nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh. 
 
Trước tiên các ngành, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã thực hiện tốt vai trò tham mưu của mình trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Phân bổ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phân bổ xi măng được hỗ trợ cho các huyện, thành phố; hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí do ngành phụ trách; đôn đốc tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các huyện, thành phố để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành gắn với công tác xây dựng nông thôn mới. Các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả. Quan tâm chuẩn bị tốt cho những mô hình đầu tư có thu hồi tại các xã, huyện và thành phố; xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần tạo thu nhập cho người dân. Có nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức và cá nhân phát triển sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Đã tổ chức đào tạo nghề và tập huấn được 209 lớp cho 9.033 lượt người; triển khai thực hiện được 263 mô hình phát triển kinh tế, nhiều xã đã xây dựng phương án liên kết giữa các hộ và doanh nghiệp để phát triển sản xuất với quy mô vừa và nhỏ. 
 
Bên cạnh đó, để tạo sự thống nhất cao trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để tất cả cán bộ, đảng viên cũng như quần chúng nhân dân hiểu rõ được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với địa phương, lợi ích thiết thực của mỗi người dân, từ đó có ý thức và trách nhiệm của chính mình.   Đài phát thanh Truyền hình tỉnh đã xây đựng và phát sóng 1.799 tin thời sự. Báo Hà Giang, Cổng thông tin điện tử tỉnh và các Trang thông tin điện tử của các huyện, thành phố cũng đã đăng tải, phản ánh kịp thời các nội dung về xây dựng nông thôn mới, bám sát thực tiễn đến cơ sở, kịp thời nêu gương những địa phương, cá nhân tiêu biểu trong quá trình sản xuất, phát triển kinh tế, đồng thời phổ biến, tuyên truyền những mô hình hay, những cách làm hiệu quả, tuyên truyền chuyên trang, chuyên mục về Chương trình xây dựng nông thôn mới; phổ biến văn bản được 696 lượt; tổ chức tuyên truyền về Chương trình tại các buổi họp chợ, thôn... được 1.983 buổi, phục vụ cho 277.217 lượt người nghe; lắp đặt 845 pa nô, biển tường tranh cổ động tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới. 
 
Với sự huy động và quyết tâm của các cấp ủy chính quyền 6 tháng đầu năm đã có 9/11 huyện, thành phố phê duyệt danh mục công trình đầu tư xây dựng nông thôn mới với 199 đầu điểm, trong đó: Đường Giao thông 159 công trình; xây dựng nhà văn hóa thôn 34 công trình; xây dựng điểm trường 04 công trình; xây Chợ 02 công trình. Các huyện, thành phố đã tổ chức 431 đợt ra quân làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang khuôn viên hộ gia đình với 65.941 lượt người tham gia, đặc biệt là huyện Xín Mần đã tổ chức được 125 lượt; huyện Quang Bình 60 lượt; huyện Yên Minh 61 lượt; thành phố Hà Giang tổ chức được 29 lượt; huyện Bắc Mê 49 lượt ra quân. 
 
Các xã đã mở mới được 94.062 m đườmg đất, đá; tu sửa đường giao thông nông thôn được 260.170 m; làm mới đường bê tông nông thôn các loại được 54.248 m; kiên cố hóa được 5.328 m kênh mương; xây dựng 62 nhà văn hóa thôn, 894 nhà tắm, 1.552 công trình vệ sinh, 1.523 bể nước; Láng bó nền nhà được 1.248 hộ; Di dời được 2.475 chuồng trại gia súc ra xa nhà; nhân dân đã hiến 158.850 m2 đất và đóng góp được 123.395 ngày công lao động cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. 
Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình khoảng 439 tỷ đồng trong năm 2015; nguồn trái phiếu Chính phủ: 135 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp: 10 tỷ đồng; nguồn tín dụng ưu đãi: 57 tỷ đồng; ngân sách tỉnh: 8,6 tỷ đồng; ngân sách huyện: 6,69 tỷ đồng; nguồn lồng ghép: 166 tỷ đồng; nguồn huy động của các doanh nghiệp, tố chức cá nhân: 35 tỷ đồng (trong đó có 3.000 tấn xi măng của Chủ tịch nước và Công ty cổ phần gạch Đồng tâm trao tặng; các nguồn vốn khác 3,71 tỷ đồng); Nhân dân đóng góp ngày công lao động và hiến đất quy ra tiền ước tính khoảng 17,066 tỷ đồng. Nguồn vốn triển khai tại các xã thực hiện cơ chế đặc thù xã phát triển toàn diện vùng đặc biệt khó khăn là trên 82 tỷ đồng từ các nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, ngân sách tỉnh, huyện, vốn lồng ghép chương trình 30a, 135... 
 
Nhìn chung, các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới đã triển khai thực hiện hoàn thành các tiêu chí đề ra cụ thể: Đạt ở mức cao nhất trong 8 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới là xã Vĩnh Phúc - Bắc Quang và xã Ngọc Đường - Thành phố Hà Giang đạt 17/19 tiêu chí. Công tác nâng cao chất lượng Giáo dục đào tạo ở khu vực nông thôn được quan tâm triển khai thực hiện. Cơ sở vật chất trường, lớp tiếp tục được đầu tư. Số trường đạt chuẩn quốc gia là 123/850 trường; có 177/195 xã, phường, thị trấn và 11/11 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Các chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn được triển khai kịp thời, phục vụ tốt nhu cầu học tập của học sinh; chất lượng nhân lực Y tế từng bước được cải thiện, đội ngũ cán bộ Y tế được tăng cường, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao; các di tích lịch sử, văn hoá từng bước được đầu tư, trùng tu, tôn tạo từ nhiều nguồn vốn; vấn đề bảo vệ Môi trường đã được quan tâm triển khai thực hiện; an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững và ổn định. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội được kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi…
 
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, các xã vẫn còn một số khó khăn nhất định như: Là tỉnh miền núi cực Bắc của tổ quốc, địa hình phức tạp số huyện nghèo chiếm 6/11 huyện. Nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định đạt chuẩn nông thôn mới chưa đáp ứng yêu cầu, một số nội dung do nhân dân tự thực hiện vượt quá khả năng của hộ gia đình, đóng góp của nhân dân để thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng đặc biệt là các tuyến đường trục thôn còn lớn nên hạn chế trong quá trình thực hiện. 
 
Để đạt được mục đích cao hơn nữa trong chặng đường tiếp theo vấn đề mấu chốt và quan trọng vẫn là sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân một cách "thấu tình đạt lý" và đặt quyền lợi của tập thể lên hàng đầu. Tiếp tục phát huy những mặt mạnh, khắc phục những mặt còn yếu kém, rút kinh nghiệm từ thực tiễn tin tưởng rằng xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang trong thời gian tới dù gian khó đến mấy cũng sẽ thành công hơn nữa./.
Thanh Phượng
 
 
Ý kiến của bạn