(BTĐKT) - Hợp tác xã Chè Tân Hương, xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên, được thành lập từ năm 2000 với ngành nghề chuyên sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè búp khô các loại. Khi mới thành lập, Hợp tác xã có 32 thành viên, là đại diện các hộ trồng chè của 7 xóm thuộc xã Phúc Xuân. Sau 14 năm đi vào hoạt động, đến nay, Hợp tác xã đã có 44 thành viên với tổng nguồn vốn và tài sản là 1,2 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ là 522 triệu đồng; diện tích chè là 25ha, bao gồm12.8ha sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế (UTZ), sản lượng chè búp khô các loại ước tính là 65 tấn/năm.
Là một đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế tập thể, năm 2000 khi mới thành lập Hợp tác xã chủ yếu đứng ra làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho bà con, nhưng bước đầu gặp phải rất nhiều khó khăn. Do nhiều hộ thành viên chưa quan tâm đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào khâu trồng và chăm bón chè, nên sản phẩm sản xuất ra chất lượng không đồng đều, khó tiêu thụ và còn ảnh hưởng đến uy tín của Hợp tác xã.
Trăn trở trước những khó khăn như vậy, Hội đồng quản trị Hợp tác xã đã vận động bà con đưa khoa học kỹ thuật vào từ khâu trồng, chăm sóc và chế biến chè. Hợp tác xã đã cử thành viên tham gia các khóa học do Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Chi cục phát triển nông thôn tổ chức về “kỹ thuật chế biến chè xanh”, “kỹ năng thử nếm cảm quan”, kỹ thuật sao sấy; mạnh dạn vận động bà con đưa các giống chè mới, kỹ thuật trồng mới vào áp dụng… Đặc biệt, Hợp tác xã đã cử cán bộ đi học tập quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn Quốc tế (UTZ) sau đó về hướng dẫn cho bà con. Đây là một công việc cực kỳ gian nan nhưng Hội đồng quản trị Hợp tác xã đã quyết tâm và đã thành công, sản phẩm của Hợp tác xã đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Quốc tế. Tuy nhiên khi đã có sản phẩm đạt chất lượng tốt rồi nhưng không phải khách nào cũng hiểu và lựa chọn tiêu dùng. Hợp tác xã lại phải tìm phương án đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, để tiêu thụ sản phẩm như: Cử cán bộ tham gia các chương trình hội chợ, thường xuyên cải tiến mẫu mã, bao bì; tăng cường tiếp thị giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức.
Song song với việc quan tâm chất lượng sản phẩm và quảng bá giới thiệu sản phẩm, Hợp tác xã đã quan tâm thành lập tổ chức công đoàn cơ sở và luôn quan tâm tạo điều kiện để tổ chức công đoàn hoạt động tốt. Hàng năm, Hội đồng quản trị đã phối hợp với Ban chấp hành Công đoàn vận động thành viên, người lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua do Liên minh Hợp tác xã, Công đoàn Liên minh Hợp tác xã tỉnh phát động như: “Thi đua lao động giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”; “Phát huy sáng kiến, cải tiến, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu”; “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”; “Xây dựng cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa”; “Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã”; “Hợp tác xã tiên phong trong xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới”... Phong trào thi đua trong Hợp tác xã được tổ chức thường xuyên và liên tục, có sơ kết, tổng kết và khen thưởng kịp thời.
Hợp tác xã Chè Tân Hương thành công như ngày hôm nay có một yếu tố rất quan trọng là đơn vị đã coi trọng công tác thi đua khen thưởng, coi thi đua khen thưởng là động lực để phát triển. Mỗi cán bộ, thành viên, người lao động của Hợp tác xã có sáng kiến, sáng tạo mang lại giá trị làm lợi, hoặc được áp dụng vào thực tiễn sản xuất đều được khen thưởng, động viên kịp thời. Do đó, có nhiều sáng kiến, sáng tạo của người lao động được áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao cho đơn vị như: Sáng kiến cải tiến mẫu mã, bao bì; sáng kiến tìm kiếm thị trường; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra năng suất chất lượng cao, đầu tư đưa các các thiết bị, máy móc công nghệ mới vào phục vụ cho chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm chè như: Máy hút chân không, máy lên hương chè, máy sấy chè… Công tác thi đua khen thưởng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của Hợp tác xã, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho các thành viên và người lao động, đưa thương hiệu Chè Tân Hương ngày càng gần gũi với khách hàng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Hợp tác xã Chè Tân Hương cũng luôn tích cực tham gia phong trào do địa phương phát động như: Ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ chất độc da cam, quỹ khuyến học, quỹ người cao tuổi, quỹ trái tim cho em, chương trình xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương, chương trình tri ân liệt sỹ… với số tiền trên 120 triệu đồng trong 5 năm qua.
Từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh, bài học kinh nghiệm của hợp tác xã là: Cán bộ quản lý phải là những người có nhiệt tình, say mê công việc, có kiến thức về kinh doanh và quản lý; nội bộ phải đoàn kết, gắn bó, các thành viên phải có ý thức xây dựng; thực hiện công khai minh bạch tài chính.
Trong thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước tới các xã viên và người lao động; mở rộng quy mô nhà xưởng, máy móc, thiết bị, diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ lên 20ha năm 2015 và 30ha vào năm 2017; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế và xã hội đề ra, doanh thu hàng năm tăng 20% trở lên; bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động; thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước về nộp ngân sách, chế độ đối người lao động, bảo vệ môi trường.
Hợp tác xã rất mong các cấp cấp, các ngành dành nhiều sự quan tâm hơn nữa tới kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã Chè Tân Hương nói riêng, nhất là có nhiều hình thức hỗ trợ, động viên, khen thưởng đối với xã viên và người lao động.
Hoài Thanh