(BTĐKT)-Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam tích cực triển khai 13 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tiếp tục tham mưu, kiện toàn hệ thống tổ chức chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp; xây dựng, hoàn chỉnh các cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn có liên quan đến chương trình; tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tập huấn từ tỉnh đến cơ sở.
Tỉnh chỉ đạo công tác lập quy hoạch và Đề án nông thôn mới, Đề án phát triển sản xuất và đào tạo nghề cho lao động nông thôn; rà soát, đánh giá kết quả đạt các tiêu chí nông thôn mới; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; tập trung tạo sự chuyển biến về văn hóa - xã hội và môi trường; nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Quảng Nam cũng kết hợp việc ưu tiên chỉ đạo điểm với đẩy mạnh triển khai trên diện rộng để nâng dần tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm và tăng dần số tiêu chí đạt chuẩn của các xã khác. Tỉnh huy động, lồng ghép nguồn lực và sử dụng vốn phân bổ cho chương trình một cách có hiệu quả.
Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình thiên tai, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp; suy thoái kinh tế thế giới tác động đến sản xuất công nghiệp của tỉnh, nhưng Đảng bộ, quân và dân Quảng Nam đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu quan trọng. Nổi bật là tình hình chính trị luôn ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được củng cố, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường.
Thành phố Tam Kỳ.
Trong 5 năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện 03 khâu đột phá để phát triển toàn diện. Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư để phát triển kết cầu hạ tầng đồng bộ trên địa bàn tỉnh. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011-2015 hơn 76.700 tỷ đồng, gấp gần hai lần so với giai đoạn 2006-2010, tăng bình quân 10,2%/năm. Nguồn vốn đầu tư công hơn 32.860 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó đầu tư công trung ương quản lý hơn 9.000 tỷ đồng; tỉnh quản lý 23.860 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Cơ cấu đầu tư công, tập trung lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn chiếm tỷ lệ 86%, đầu tư khu vực đô thị 14%; đầu tư công khu vực các huyện miền núi chiếm tỷ lệ 30%, khu vực các huyện đồng bằng chiếm tỷ lệ 70%.
Đối với vùng đồng bằng, ven biển, tỉnh đã tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp, du lịch và dịch vụ phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển vùng của tỉnh cũng như trong liên kết phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và phát triển kinh tế biển. Đối với khu vực trung du – miền núi, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng liên kết đô thị và nông thôn, mở rộng và nâng cấp các tuyến giao thông liên huyện, hoàn thành các tuyến giao thông đến trung tâm xã. Mở rộng, nâng cấp một số thị trấn để tạo động lực phát triển.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân gần 11,5%; GRDP bình quân đầu người năm 2015 khoảng 41,4 triệu. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 11,2 triệu đồng/năm 2010 lên khoảng 24,8 triệu đồng/năm 2015. Trong đó, khu vực thành thị gấp 1,4 lần khu vực nông thôn. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 15,2%, từ hơn 4.550 tỷ đồng năm 2010 lên dự kiến hơn 12.800 tỷ đồng năm 2015. Trong đó thu nội địa tăng bình quân 23,2 %/năm, từ 2.770 tỷ đồng năm 2010 lên 8.000 tỷ đồng năm 2015, gấp hơn 3,4 lần năm 2010.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhiều chương trình, đề án được tích cực triển khai. Theo đó, đã thành lập Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh; UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2020 và nhiều Đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Các qui hoạch liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư được tỉnh rà soát, điều chỉnh và bổ sung kịp thời. Điều chỉnh, bổ sung qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; qui hoạch sử dụng đất, điều chỉnh qui hoạch 3 loại rừng và các qui hoạch ngành, qui hoạch vùng tỉnh, cũng như qui hoạch tổng thể tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn; quy chế ưu đãi đầu tư về giày da, may mặc và mây tre lá trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính, tập trung là cải cách thủ tục hành chính về thủ tục đầu tư được xem là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên để cải thiện môi trường đầu tư.
Trong 5 năm đã đăng ký thành lập gần 3.200 doanh nghiệp, chiếm khoảng hơn 60% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (tổng số đến nay đăng ký gần 4.800 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho khoảng 120.000 lao động). Kết quả điều tra doanh nghiệp đến thời điểm 31/12/2014 cả tỉnh có trên 3.360 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh (742 doanh nghiệp công nghiệp) tăng thêm hơn 1.100 doanh nghiệp so với năm 2010, nguồn vốn kinh doanh trên 64 nghìn tỷ đồng gấp 1,9 lần so với năm 2010, trên 116 nghìn lao động gấp hơn 1,3 lần so với năm 2010, nộp ngân sách trên 8.330 tỷ đồng gấp 2,7 lần so với năm 2010. Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi tăng dần qua các năm, từ 46,5% năm 2013 lên gần 49% năm 2014; Các doanh nghiệp đóng góp 90% thu ngân sách trên địa bàn.
Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh cũng đã chú trọng phát triển mạng lưới giáo dục. Đến cuối năm học 2014-2015 có 411/780 trường các cấp đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 52,5%, tăng hơn 130 trường so với năm 2010. Quy mô đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp ngày càng phát triển, đáp ứng một phần nhu cầu học tập và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Toàn tỉnh có 03 trường Đại học, 06 trường Cao đẳng và 04 trường Trung cấp chuyên nghiệp; số học sinh sinh viên các trường đến năm 2015 gần 26,5 nghìn trong đó tốt nghiệp trên 9,6 nghìn học sinh sinh viên.
Tỉnh đã lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở nông thôn, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn. Đến nay, 98% số xã có điện với 98,4% số hộ được sử dụng điện; hơn 98% số hộ khu vực đô thị sử dụng nước sạch và 93% số hộ khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện.
Đến cuối tháng 7/2015, các tiêu chí nông thôn mới ở các xã tiếp tục được tăng lên, bình quân chung tiêu chí đạt chuẩn của tỉnh (204 xã) là 9,6 tiêu chí/xã (cả nước 11,6 tiêu chí/xã), tăng bình quân 4,78 tiêu chí/xã so với năm 2010 (năm 2010, bình quân đạt 4,82 tiêu chí/xã); phấn đấu đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 56 xã (năm 2014 đã có 10 xã đạt chuẩn), huyện Phú Ninh đạt chuẩn nông thôn mới và Thị xã Điện Bàn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Nghị Quyết đề ra.
Bê tông hóa giao thôn nông thôn tạo thuận lợi đi lại và vận chuyển hàng hóa cho người dân.
Những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực trong 05 năm qua là tiền để tỉnh tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Trong 5 năm tới (2016-2020), tỉnh tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời chú trọng nhiệm vụ quan trọng, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020. Phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là giao thông, thúc đẩy Trung ương đầu tư và hoàn thành các công trình trên địa bàn như Đường cao tốc, Đường Đông Trường Sơn; cầu Giao Thủy, nâng cấp quốc lộ 14G, mở rộng quốc lộ 40B, kết nối các tuyến đường Cao tốc với Quốc lộ 1 và đường ven biển Việt Nam; phát triển cảng Hàng không Chu Lai; cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt. Tập trung xây dựng, phát triển và hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa vùng Đông và Tây, giữa đô thị và nông thôn; hoàn chỉnh hệ thống đường ĐT, hệ thống đường ven biển, nạo vét cảng Kỳ Hà đảm bảo cho tàu 30.000 tấn hoạt động; nạo vét sông Cổ Cò, Trường Giang. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy hoàn thành các dự án đang triển khai đồng thời chú trọng xúc tiến các dự án mới, quan trọng, chiến lược.
Vân Hà