Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng khối các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương

 22130 lượt xem
(BTĐKT) - Sáng 20/1, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức hội nghị Nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng khối các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương năm 2016. Bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì hội nghị. 

 Năm qua, các bộ, ngành đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát vào nhiệm vụ chính trị trọng tâm của bộ, ngành gắn với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đặc biệt là thi đua hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Tiêu biểu là các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Dạy tốt, học tốt”, “Thi đua quyết thắng”,  “Vì an ninh Tổ quốc”, “Dân vận khéo”, “Ngày vì người nghèo”, phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm quốc gia… Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được các bộ, ngành quan tâm triển khai tích cực. Nhiều bộ, ngành đã có đề xuất nhiều chủ trương, cơ chế chính sách thiết thực, hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực xã hội, của doanh nghiệp vào xây dựng nông thôn mới, tạo khí thế thi đua sôi nổi, lan toả trên khắp cả nước. Tổng kết giai đoạn 1 thực hiện phong trào, đã có 14 bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. 

Công tác khen thưởng trong năm 2015 đã có những bước đổi mới so với năm 2014. Lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể trung ương đã quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời, trong đó chú trọng sử dụng các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền để khen thưởng kịp thời, quan tâm tập trung khen thưởng thành tích đột xuất, khen chuyên đề để giải quyết những nhiệm vụ khó khăn, bức xúc, đột xuất của từng bộ, ngành. Quy trình xét khen thưởng đã bám sát các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành; đã chú trọng khen thưởng cho các tập thể nhỏ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân, nông dân trong các phong trào thi đua. Tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp tăng cao hơn so với năm 2014.  
 
Tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng đã được cấp ủy, lãnh đạo bộ quan tâm. Cho đến nay, đã có 14 đơn vị có Vụ Thi đua, khen thưởng; 31 đơn vị có ban, phòng thi đua, khen thưởng, hiện còn 16 đơn vị có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác thi đua, khen thưởng. Các vụ, phòng, ban thi đua - khen thưởng thuộc các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo bộ, ngành ban hành Thông tư, Hướng dẫn, Quy chế sửa đổi, bổ sung theo tinh thần của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông qua đó, các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, công tác khen thưởng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan đơn vị trong việc tổ chức các phong trào thi đua và thực hiện công tác khen thưởng. 
 
Tuy nhiên, công tác thi đua, khen thưởng khối các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương trong năm qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Ông Nguyễn Khắc Hà, Vụ trưởng Vụ II Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhận định: Phong trào thi đua của một số bộ, ngành tuy đã có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo nhưng chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục, chưa đi vào chiều sâu; tên gọi và nội dung của phong trào còn chung chung, chưa có tiêu chí cụ thể; một số nơi còn chưa tổ chức sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá phong trào. Có một số phong trào còn mang tính hình thức và thiếu hiệu quả, chưa gắn kết chặt chẽ lợi ích của người tham gia thi đua với phong trào thi đua. Công tác khen thưởng tuy có những bước đổi mới nhưng đối tượng khen thưởng thuộc các cơ quan nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ cao,  nhất là hình thức khen cấp nhà nước. Công tác phát hiện khen và đề nghị cấp trên khen thưởng cho các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, ở vùng sâu, vùng xa còn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp chưa phát huy hết vai trò tham mưu,  tư vấn cho cấp uỷ Đảng và chính quyền trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, thực hiện chính sách, pháp luật về khen thưởng; chưa quan tâm kiểm tra, đôn đốc thường xuyên công tác chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua. Công tác tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm làm công tác thi đua khen thưởng ở một số bộ, ngành còn lúng túng, bất cập. 
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, vướng mắc  trong tổ chức, triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng trong khối. Hội nghị đã đề ra 7 giải pháp cơ bản để áp dụng trong năm 2016, đó là: Tập trung nâng cao phương thức lãnh đạo của cấp ủy, vai trò quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tiếp tục kiện toàn,  nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và thành lập Hội đồng sáng kiến các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến; đổi mới phương thức tổ chức phong trào thi đua gắn với Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; tiếp tục nâng cao chất lượng khen thưởng, đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch, kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng. 
   Nguyệt Hà
 
 
Ý kiến của bạn