Thừa Thiên-Huế là một trong những địa phương ở miền Trung rất tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện.
Không nên "bó" quy hoạch
Một trong những hạn chế lớn trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay là chương trình mới chỉ triển khai ở cấp xã, trong khi đó cần thiết có những quy hoạch, đề án triển khai cấp vùng, liên vùng để làm cơ sở cho quy hoạch các hoạt động kinh tế- xã hội ở cấp xã.
Xây dựng nông thôn mới rất cần có sự hợp tác của quốc tế.
Khi tiến hành quy hoạch NTM cấp xã, nên triển khai quy hoạch chung định hướng cấp vùng, tỉnh, huyện, thì quy hoạch các xã sẽ kết nối thành tổng thể, nhất là về phát triển kinh tế.
Chúng ta cũng cần thiết quy hoạch mạng lưới cụm nông nghiệp, công nghiệp hiện đại làm động lực cho phát triển nông nghiệp tại các vùng, ở đó cần có những vùng sản xuất nông nghiệp quản lý hiện đại, kết nối với công nghiệp, dịch vụ, thị trường.
Quy hoạch NTM cấp xã cũng cần coi như một định hướng chiến lược phát triển nông thôn ở xã. Do đó, bản quy hoạch nên gắn với đề án xác định tương lai phát triển nông nghiệp, nông thôn tại một xã về hạ tầng, mô hình sản xuất kinh tế…
Việc quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng về sử dụng đất ở từng xã phải gắn với chỉnh trang, sắp xếp lại các khu dân cư, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường.
Cần gắn quy hoạch NTM của từng xã với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của vùng, của huyện, nhất là trên các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, hạ tầng sản xuất và hạ tầng dịch vụ thương mại, công nghiệp chế biến, tổ chức phát triển sản xuất để đảm bảo tính thống nhất liên vùng.
Một điểm cần quy hoạch nữa là, quy hoạch, đầu tư xây dựng các cụm, điểm đô thị, hệ thống hạ tầng kết nối để tạo ra các cụm động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của từng vùng.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Từ thực tế của Thừa Thiên- Huế, lãnh đạo địa phương xin kiến nghị một số giải pháp trong xây dựng NTM. Theo đó, đề nghị điều chỉnh một số tiêu chí đạt chuẩn NTM phù hợp với thực tế, T.W nên ra các nguyên tắc khi triển khai xây dựng NTM, tiêu chí khung, để quyền các tỉnh tự quyết định mức độ tiêu chí, số lượng theo tình hình thực tế. Có quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ tài chính trong đầu tư xây dựng các tiêu chí NTM phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương, tạo điều kiện phát triển đồng đều giữa các vùng.
Về nguồn vốn, trong khi vốn ngân sách có hạn, T.Ư nên bố trí vốn và trao cơ chế thích hợp cho các địa phương khó khăn, từ đó tạo động lực thúc đẩy người dân cùng hưởng ứng, thu hút vốn đầu tư quốc tế, doanh nghiệp trong nước xây dựng NTM.
Thừa Thiên-Huế là tỉnh có tổng diện tích tự nhiên trên 5.062km2 với dân số xấp xỉ 1,091 triệu người, trong đó có 65,7% dân số sống ở nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 55/112 xã đặc biệt khó khăn. Thừa Thiên- Huế phấn đấu đến năm 2015 có 30% số xã cơ bản đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM.
Cũng trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, tỉnh đề xuất Chính phủ cho thử nghiệm thành lập Quỹ phát triển NTM, trên cơ sở liên kết các nhà tài trợ để tạo ra nguồn vốn cho địa phương, doanh nghiệp, tư nhân, hộ gia đình vay tín dụng trong hoạt động xây dựng hạ tầng, đời sống như nhà cửa, đầu tư phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp, dịch vụ…
Các khoản vay này gắn chặt với đề án, sự án sản xuất kinh doanh, có thẩm định, theo dõi thường xuyên của Ban Quản lý xây dựng NTM địa phương và các nhà tài trợ. Khi có nguồn vốn này, nên thực hiện chính sách cho vay luân phiên trong cộng đồng, luân phiên giữa các xã.
Địa phương cũng nên đề nghị các tổ chức quốc tế giúp đỡ quy hoạch và thử nghiệm khu sản xuất nông nghiệp hiện đại, gắn với cụm công nghiệp.
Theo ông Lê Trường Lưu
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế