Sức sống mới ở Cái Nước

 16485 lượt xem
(BTĐKT)-Cái Nước (Cà Mau) mảnh đất anh hùng, chịu nhiều bom đạn ác liệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người dân huyện Cái Nước vốn kiên cường trong kháng chiến, ngày hôm nay lại hăng say lao động, chung sức chung lòng cùng với Đảng, chính quyền xây dựng quê hương. 

Từ khi triển khai xây dựng mô hình Nông thôn mới, cuộc sống người dân nơi đây đã thật sự đổi mới. Điều đáng phấn khởi là tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3%, thu nhập đạt gần 30 triệu đồng/người/năm.

Trước đây, Cái Nước là một trong những huyện nghèo của tỉnh Cà Mau bởi đất đai bưng trũng nặng phèn, nước mặn xâm nhập, sản xuất nông nghiệp thất thu; hệ thống sông ngòi chằng chịt, giao thông chưa hoàn chỉnh; cơ sở hạ tầng thiếu thốn; đời sống người dân rất bấp bênh. Đến Cái Nước vào những ngày này mới cảm nhận hết được phong trào thi đua xây dựng NTM của người dân nơi đây sôi nổi đến nhường nào. Không ai bảo ai, tất cả người dân đều hăng hái tham gia phong trào xây dựng NTM do chính quyền địa phương mình đề ra. Người có tiền góp tiền, người có sức góp sức. Thế nên, diện mạo nông thôn của huyện Cái Nước mỗi ngày mỗi đổi mới.
 
Đến nay, sau hơn 4 năm triển khai xây dựng Chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn nơi đây đã thật sự thay đổi. Đường giao thông được bê tông thẳng tấp, nhờ mức thu nhập không ngừng tăng, bưu điện, nhà văn hóa, cơ sở khám chữa bệnh được “nâng chất”, điện quốc gia đã đến với từng hộ gia đình. Nhà ở của người dân khang trang hơn, cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp. Hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư nâng cấp. Quá trình triển khai xây dựng Nông thôn mới, các xã đã thực hiện công khai đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến của nhân dân các vấn đề có liên quan. Chính vì vậy, đã tạo được sự đồng thuận cao nơi người dân, 10/10 xã có đường xe ô tô về đến tận trung tâm, xe gắn máy đã đi đến được hầu hết các ấp trong huyện. Đường trục xã, liên xã dài hơn 65 km; đường trục ấp gần 1.650 km, trong đó có 576 km (chiếm 34,9%) đã được cứng hóa…Tổng kinh phí thực hiện 1.831 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 263 tỷ đồng và tự nguyện hiến trên 50.000 m2 đất xây dựng trường học, trụ sở văn hóa, lộ giao thông nông thôn…
 
Không chỉ tham gia thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn, nhân dân ấp Cái Rắn A (xã Phú Hưng – Cái Nước) còn tích cực thực hiện các công trình, phần việc của các tiêu chí nông thôn mới khác, nhất là những tiêu chí do chính hộ gia đình mình thực hiện. Ông Đặng Văn Thiệt ấp Cái Rắn A, cho biết: Sau khi được địa phương tuyên truyền, vận động, nhân dân ấp không chỉ tham gia đóng góp xây dựng lộ giao thông nông thôn mà còn tích cực hưởng ứng thực hiện tất cả các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. “Trong đó, tập trung thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình; trồng cây xanh, cây cảnh tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường; cùng với địa phương phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...” – ông Thiệt nói. Còn ông Nguyễn Thanh Hải ở ấp Thị Tường B (xã Hòa Mỹ – Cái Nước) chia sẻ: “Từ khi tuyến lộ ấp được xây dựng, việc đi lại của người dân rất tiện lợi. Người dân có điều kiện mở rộng mối quan hệ, có điều kiện trao đổi, học hỏi tiếp thu những tiến bộ của khoa học – kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình, nông thôn ngày càng khởi sắc”.
 
Song song đó, công tác giảm nghèo là một trong các mục tiêu hàng đầu được Cái Nước chỉ đạo thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Nếu như năm 2011, Cái Nước có 3.860 hộ, chiếm 12,3%, qua 4 năm chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện uỷ, đến  nay giảm còn 987 chiếm 3%; có 3/93 ấp, khóm đã xoá trắng được hộ nghèo. Thông qua các nguồn lực xã hội, vận động các nhà hảo tâm khoan trên 300 giếng nước cho hộ nghèo, xây cất 69 căn nhà Ðại đoàn kết, 328 căn nhà tình thương và hơn 1.000 căn nhà cho người nghèo theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng các chính sách an sinh xã hội, các cấp uỷ, chính quyền địa phương còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hộ nghèo nêu cao ý thức tự thân phấn đấu vươn lên để thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, các ban, ngành phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức gần 100 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 4.500 lượt đối tượng hộ nghèo. Hỗ trợ con giống phục vụ sản xuất, quy thành tiền gần 800 triệu đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn ưu đãi 12,6 tỷ đồng, giúp hộ nghèo có điều kiện sản xuất.
 
Đến nay, Cái Nước có 2 xã là Phú Hưng và Hưng Mỹ đã công nhận đạt chuẩn NTM. Trao đổi với chúng tôi ông Phạm Phúc Giang – Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Cái Nước cho biết: Càng về sau, sự vào cuộc càng có sự tập trung hơn. Khí thế bắt đầu từ những việc làm cụ thể. Các địa phương từ huyện đến xã, ấp “đồng lòng” gõ cửa từng hộ gia đình, gắn trách nhiệm đối với từng chi bộ, từng đảng viên cụ thể. Kết quả xây dựng nông thôn mới không chỉ dừng lại ở các tuyến đường giao thông, trường lớp, trạm y tế, kênh mương thủy lợi… “Điều quan trọng nhất của nông thôn mới chính là mang lại nâng cao năng lực, trình độ, sức khỏe của người dân để tiếp thu khoa học công nghệ mới; là kết quả học tập của con em nông dân; sự quan tâm, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa tình làng nghĩa xóm ngày một đậm đà thắm thiết, cùng đoàn kết xây dựng đời sống mới, giữ gìn bản sắc văn hóa, giữ gìn bản chất của người nông dân Cái Nước” – ông Giang chia sẻ.
                                                                             Phương Nghi   
 
 
Ý kiến của bạn