(BTĐKT)-Ngày 11/6/1948, Hồ Chí Minh chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc, trong hoàn cảnh lịch sử vô cùng khó khăn của nước ta khi Đảng Cộng sản Việt Nam giành được chính quyền sau Cách mạng tháng Tám thành công. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy thành công, nối tiếp thành công của các phong trào cách mạng lớn, đưa đất nước thống nhất vẹn toàn và xây dựng tổ quốc ngày càng phát triển, vững mạnh.
Sau 30 năm đổi mới, tiếp tục lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh các phong trào thi đua yêu nước đã gặt hái được nhiều thành công lớn trên mọi miền của tổ quốc, từ trung ương tới địa phương, từ miền xuôi đến miền ngược, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng đều được phát động rộng rãi, trở thành động lực, niềm tin yêu của người dân vào công cuộc đổi mới của Đảng và đất nước.
Người cho rằng: “Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”, Người đặt thi đua dưới góc độ là công việc hàng ngày, mang tính tự thân, thi đua không phải là công việc cao xa, mà trái lại gần gũi và thân thiết như chính công việc mỗi ngày chúng ta đảm nhận, làm việc tốt hàng ngày cũng chính là thi đua.
Thi đua không chỉ là một cá nhân đảm nhiệm, không phải là một ngành, một lĩnh vực, thi đua theo Người là: Người người phải thi đua, ngành ngành phải thi đua. Ai làm việc gì, nghề gì cũng thi đua làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều.
“ Quân đội thi đua giết giặc lập công,
- Công nhân thi đua tăng gia sản xuất,
- Nông dân thi đua sản xuất lương thực,
- Trí thức thi đua sáng tác, phát minh,
- Cán bộ thi đua cần kiệm liêm chính,
- Toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến”
Theo Người, thi đua phải có kế hoạch, có nội dung cụ thể, không làm chung chung, được chăng hay chớ. Người nhấn mạnh thi đua: “Phải có kế hoạch tỷ mỷ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. nghĩa là phải sao cho mỗi nhóm, mỗi người tự giác, tự động…
Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực. khi đặt kế hoạch phải tuyệt đối tránh sự sơ xuất, đại khái, quá cao, phiền phức, miễn cưỡng”
Và kết quả thi đua không phải được một lần rồi đóng đấy, kết quả thi đua phải đạt chất lượng, có sự phát triển về phong trào và sự cố gắng liên tục không ngừng nghỉ. Người chỉ rõ:“Mức thi đua phải tiến dần mãi và tiến mãi mãi. Những người và những nhóm hiện nay đã đạt được mức cao, thì phải làm cho chất lượng tốt hơn nữa và phải gắng tiến lên nữa, giúp đỡ những người và những nhóm còn kém theo kịp. Trí khôn, sáng kiến, học hỏi, tiến bộ và tinh thần hy sinh của người ta không có giới hạn, nó cứ tiến mãi. Cho nên mức thi đua cũng không có hạn, nó cũng tiến lên mãi”
Thi đua cần phải có sự lãnh đạo đúng đắn, sự soi đường, chỉ lối của lãnh đạo phong trào thi đua. Nếu phong trào thi đua không có người soi lối, dẫn đường, cũng giống như đi trong đêm tối không có ánh sáng vậy, Người cho rằng: "Thi đua phải có sự lãnh đạo đúng". Có lãnh đạo phong trào, có vạch kế hoạch và từng bước thực hiện thì thi đua mới gặt hái được nhiều kết quả quan trọng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, về cách thức tổ chức phong trào thi đua, về kết quả thi đua được Đảng và Nhà nước ta vận dụng sáng tạo và thực sự các phong trào thi đua có đóng góp to lớn trong cuộc cách mạng đổi mới của đất nước, cuộc cách mạng coi tầm quan trọng của con người, coi con người là trung tâm và các phong trào thi đua, khen thưởng hướng đến khuyến khích người lao động trực tiếp, người có công trong lao động.
Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 có nhiều đổi mới, trong đó có hướng tới việc khen thưởng cho người lao động trực tiếp và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định rõ về nguyên tắc khen thưởng là: "Chú trọng khen thưởng cá nhân là người trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu (công nhân, nông dân, chiến sĩ)" (Điều 2, Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ), đây là bước tiến quan trọng trong việc nhìn nhận người lao động trực tiếp với tầm cao mới, cụ thể hóa đường lối lãnh đạo của Đảng về công tác thi đua, hiện thực hóa tư tưởng của Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của thi đua yêu nước, dưới hình thức thi đua nào, con người vẫn giữ vai trò, vị trí trung tâm.
Để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thi đua, khen thưởng và chính sách của Nhà nước đối với cho người lao động trực tiếp ở nước ta hiện nay, cần tính đến các vấn đề sau:
Thứ nhất, coi người lao động trực tiếp là đối tượng quan trọng trong công tác thi đua, khen thưởng, là đối tượng cất nhắc, tôn vinh trong xã hội. Điều này phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, về tầm quan trọng của con người trong thi đua: Thi đua không chỉ riêng một người, một tổ chức mà thi đua cần phải huy động sức mạnh tổng hợp, ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua và thi đua là công việc hàng ngày mình đảm nhiệm.
Đối với đối tượng được chú trọng là người lao động trực tiếp, họ mang đặc điểm đặc thù như làm việc trong nhiều môi trường khác nhau, trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, cống hiến cho xã hội những niềm vui lớn về tinh thần...những công việc hàng ngày của họ tuy thầm lặng, lặng lẽ nhưng mang lại giá trị to lớn cho xã hội. Trong nhiều năm qua, chúng ta dường như đã "bỏ quên" đối tượng quan trọng này, họ là nhân tố quan trọng góp phần lớn cho sự thắng lợi của các cuộc cách mạng trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Thứ hai, cần tính đến kế hoạch và chỉ tiêu khen thưởng cho người lao động trực tiếp trong tổng số chỉ tiêu khen thưởng hàng năm của các cấp, các ngành, bộ, địa phương và các vùng miền trong cả nước. Do đặc thù của người lao động trực tiếp, có thể làm việc trong môi trường nhà nước, song cũng có thể làm việc ở môi trường doanh nghiệp hoặc môi trường khác, nên việc đăng ký thi đua hàng năm cũng đôi khi khó thực hiện. Hơn nữa, những người lao động trực tiếp, lặng lẽ âm thầm cống hiến, đôi khi họ không mong muốn "khoác" lên mình một danh hiệu, một giải thưởng, một bằng khen nào cả. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng, các đơn vị, tổ chức cần tính đến chỉ tiêu khen thưởng và quan tâm xứng đáng đối với đối tượng này một cách thỏa đáng và tôn vinh họ đúng thời điểm, đúng người, đúng việc để khuyến khích, động viên họ cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Thứ ba, các thủ tục khen thưởng cho người lao động trực tiếp cần đơn giản hóa, tiết chế các quy định rườm rà, khó khăn cho người được khen thưởng, vinh danh. Do trong quá trình thực hiện khen thưởng, thông thường người mong muốn được khen thưởng cần xuất trình đầy đủ hồ sơ và trình tự thủ tục theo quy định, đôi khi mất nhiều thời gian và chi phí cho người thực hiện. Đối với đối tượng này, cần tính đến tinh giản các thủ tục hành chính, các khâu, các bước thẩm định để nâng cao hiệu quả trong công tác khen thưởng cho người lao động trực tiếp.
Cuộc cách mạng về đổi mới của đất nước còn lâu dài và sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cần có chính sách đồng bộ trên nhiều mặt, trong đó có chính sách về thi đua, khen thưởng, đặc biệt là khen thưởng dành cho người lao động trực tiếp. Đây là đối tượng cần được tôn vinh nhiều hơn nữa, bởi những cống hiến của họ rất lớn trong xã hội. Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh và những bước đi đúng đắn của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới, thi đua, khen thưởng luôn sẽ là động lực thúc đẩy cho mọi thành công của các cuộc cách mạng.
Trần Minh