Người khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư

 5225 lượt xem
(TĐKT) - Năm nay đã gần 80 tuổi nhưng cựu chiến binh Lương Văn Tăng, thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín vẫn tràn đầy nhiệt huyết với việc thôn, việc làng. 

Đã gần 20 năm nay, ông luôn cần mẫn huy động, cóp nhặt từng cuốn sách, đóng góp vào thư viện làng, góp phần khơi dậy văn hóa đọc trong cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Vốn là một người luôn nâng niu những cuốn sách, coi sách là vật quý dùng gối đầu giường, ông Tăng suy nghĩ, nếu làm được việc gì đó để khơi dậy tinh thần ham đọc trong nhân dân thì khó mấy cũng cố gắng.
 
Năm 1999, ông về hưu và bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, sau đó làm Chi hội trưởng Hội khuyến học thôn Bình Vọng. Qua thực tiễn, ông được biết, lâu nay cán bộ và nhân dân trong thôn mà nòng cốt là người cao tuổi luôn mong muốn lập được một tủ sách để người cao tuổi và các tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận sách, báo, tiếp cận nguồn thông tin chính thống; nâng cao hiểu biết, sống vui, sống khỏe, sống có ích. 
 
Năm 2003, Chi ủy chi bộ, trưởng, phó thôn Bình Vọng có chủ trương hiện thực hóa ý tưởng xây dựng thư viện thôn. Với tấm lòng trong sáng, nhiệt tình, cựu chiến binh Tăng đã đứng ra nhận nhiệm vụ này.
 
Cựu chiến binh Lương Văn Tăng, thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín
 
Tưởng chừng đó chỉ là một câu chuyện nhỏ ở làng quê. Nhưng thực sự, đó không phải là việc đơn giản khi mà văn hóa đọc đang ngày càng mất vị thế, người ta đang bỏ dần thói quen đọc sách, báo, thói quen đến thư viện… thay vào đó là sự lên ngôi của các phương tiện truyền thông, điện tử và mạng xã hội.
 
Tuy nhiên, cựu chiến binh Tăng xác định, khi làm việc gì dù lớn dù nhỏ đều gặp những khó khăn, vấp váp phải tìm cách vượt qua. Học theo lời Bác Hồ căn dặn cán bộ: Chủ trương một, biện pháp mười mới thành công, ông Tăng cho rằng, để xây dựng được thư viện, cần thực hiện được 3 việc chính: Một là phải có sách báo, hai là có người quản lý phục vụ bạn đọc và quan trọng là phải có bạn đọc.
 
Để lần lượt hoàn thiện 3 việc đó, với vai trò là chủ nhiệm thư viện, đầu tiên ông lựa chọn phương châm xã hội hóa trong thu gom sách, báo. Đích thân ông tích cực đi kêu gọi, vận động nhân dân trước hết là các gia đình cán bộ, công nhân viên sống ở quê và các địa phương xung quanh, góp một phần sách làm vốn tài liệu chung cho toàn thôn. Đồng thời ông báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo và giúp đỡ  từ các cơ quan văn hóa huyện, thư viện tỉnh, thành phố, thư viện quốc gia. Ngoài ra, thông qua bạn bè và các phương tiện thông tin đại chúng, ông vận động một số nhà hảo tâm đóng góp cho tủ sách thêm phong phú. Nhờ vậy, từ 300 cuốn sách ban đầu, đến nay thư viện có 9800 cuốn sách, 5 tờ báo hàng ngày phục vụ bạn đọc.
 
Để quản lý thư viện, ông cùng mọi người xây dựng lực lượng cộng tác viên, ban đầu chỉ có 10 người, đến nay đã lên 115 người. Cộng tác viên được phân công đến thư viện các ngày trong tuần để quản lý thư viện và phục vụ bạn đọc. Trong số các cộng tác viên, ông mời 10 đồng chí là cán bộ, giáo viên đã nghỉ hưu, đảm nhận làm công tác nghiệp vụ thư viện; cử 3 đồng chí dự các lớp tập huấn nghiệp vụ do thư viện thành phố tổ chức. Ông chia sẻ: Lực lượng cộng tác viên chính là những người duy trì hoạt động liên tục cho thư viện suốt 17 năm qua.
 
Để có bạn đọc, ngoài sách báo phù hợp, ông làm việc với đoàn thanh niên, nhà trường, động viên tổ chức cho học sinh, thanh niên, người địa phương đến thư viện. Ông cho biết, hiện tại thư viện cấp 520 thẻ thư viện cho học sinh, hàng tuần các cháu được mượn sách, đọc báo miễn phí. Như vậy, với 520 học sinh, thanh niên và 115 cộng tác viên, thư viện có số lượng hơn 600 người là bạn đọc thường xuyên. Hàng tháng, bình quân có trên 1000 lượt bạn đọc đến thư viện. Lúc nào, thư viện làng Bình Vọng cũng đông đúc người đọc, như tâm điểm, trái tim của nhà văn hóa, góp phần khơi nguồn văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập ở làng quê.
 
Cùng với phong trào khuyến học phát triển sâu rộng, thư viện đã góp phần động viên con em nhân dân hào hứng, phấn khởi thi đua học tập, phát huy truyền thống hiếu học của quê hương. Hàng năm thôn Bình Vọng có 250-300 học sinh giỏi các cấp, từ 20-30 cháu trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học được các dòng họ, khu liên gia và thôn khen thưởng.
 
Cựu chiến binh Lương Văn Tăng (thứ hai từ trái sang) được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong thực hiện Chỉ thị 03
 
Với những đóng góp đó, cựu chiến binh Lương Văn Tăng được UBND huyện Thường Tín tặng Giấy khen về thành tích xây dựng nông thôn mới vững mạnh, mang lại tri thức cho mọi người; UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong thực hiện Chỉ thị 03 về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thục Anh
 
 
Ý kiến của bạn