BTĐKT - Hơn 20 năm sống ven Quốc lộ 5, tận mắt chứng kiến những tai nạn thương tâm xảy ra trên xa lộ tử thần này, bằng tấm lòng lương y như từ mẫu, bà Đào Thị Liên, hội viên Hội Chữ thập đỏ xã Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã âm thầm cứu giúp hàng trăm người bị nạn.
Từng trải qua chiến tranh, tham gia vào đội xung kích hỏa tuyến cứu thương cho bộ đội, hơn ai hết, bà Liên thấu hiểu những nỗi đau, mất mát, hi sinh của con người. Ước mơ theo học ngành y để cứu người được bà ấp ủ từ những năm tháng ấy. Tốt nghiệp trung cấp y tại trường y tế Bắc Hà năm 1972, bà xin về quê công tác tại bệnh viện huyện Kim Thành. Trong quá trình công tác, đối với người bệnh, bà luôn quan tâm chăm sóc và thương yêu họ như chính người thân của mình.
Gia đình bà sinh sống tại ven Quốc lộ 5, nơi thường xảy ra tai nạn giao thông. Chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm, nạn nhân không được sơ cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng, sẵn có chuyên môn trong tay, bà đã cố gắng cứu họ bằng tất cả cái tâm của mình. Đến năm 2006, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng với Hội Chữ thập đỏ của tỉnh và huyện có đặt vấn đề với bà là có Đoàn y tế Tây Bắc Mỹ sang giúp tỉnh triển khai dự án nâng cao năng lực sơ cấp cứu tai nạn giao thông Quốc lộ 5 với mục tiêu giúp đỡ cộng đồng. Bà vui vẻ nhận lời và được đi học hai khóa bồi dưỡng về dược, được trang bị một số dụng cụ, bông gạc để sơ cấp cứu người bị tai nạn giao thông. Đến năm 2009, đoàn y tế Tây Bắc Mỹ tổng kết hết hạn về nước, bà vẫn duy trì công việc cấp cứu người bị tai nạn trên Quốc lộ 5. Đồng thời, bà cũng luôn được Hội Chữ thập đỏ các cấp từ tỉnh, huyện và xã thường xuyên động viên. Suốt 20 năm, bà âm thầm cứu giúp các nạn nhân bị tai nạn giao thông. Mỗi khi giành họ từ tay của tử thần, bà rất vui. “Tuy nhiên, đôi lúc tôi cũng cảm thấy rất buồn, vì nhiều người dân nơi tôi sinh sống không hiểu, họ cho rằng tôi lợi dụng chuyên môn, cứu người bị nạn để tranh thủ hôi của của nạn nhân.” - Bà chia sẻ.
Bà Liên đã được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen trong công tác chữ thập đỏ
Năm 2011, bà về nghỉ hưu theo chế độ, thời gian mà bà dành để cứu giúp người bị nạn càng nhiều, cùng với đó là những thị phi cũng nhiều hơn. Vào 30 Tết năm 2012, một nam thanh niên ở xã Kim Lương – huyện Kim Thành, Hải Dương bị tai nạn xe máy bất tỉnh tại chỗ. Thấy vậy, bà cùng con trai cả chạy ra mang nạn nhân vào nhà cấp cứu rồi đưa đến bệnh viện đa khoa huyện Kim Thành. Khi tỉnh lại, nam thanh niên ấy phát hiện 20 triệu đồng trong cốp xe bị mất nên nghi ngờ cho con trai của bà Liên lấy. Sau đó, công an đã tìm tới nhà bà Liên để điều tra, và cũng rất nhiều lần bà bị gọi lên cơ quan công an để lấy lời khai. May mắn thay, có người nhìn thấy người lấy trộm tiền đã đứng ra làm chứng, nhờ đó, bà và con trai mới được minh oan. Từ vụ việc ấy, mọi người thấu hiểu được những việc làm đẹp của bà Liên. Nhưng con trai bà thì lại khác, thấy mẹ vất vả cứu người, lại bị nghi oan, con trai bà khuyên mẹ không nên làm nữa. Bà nhẹ nhàng khuyên bảo các con, cháu: “Mình cứu người chứ có làm gì sai với lương tâm đâu, cứu người chứ có hại người đâu mà sợ, rồi sau này họ sẽ tự hiểu.” Từ đó, các con cháu nghe theo và hết lòng cùng bà cứu giúp khi có người gặp nạn.
Tính đến nay, trong cuốn sổ bà Liên ghi chép rất cẩn thận đã có hàng trăm người bị tai nạn giao thông trên cung đường 5 được bà sơ cứu, sống sót. Mặc dù không thể nhớ hết từng người trong số đó nhưng cũng có những trường hợp khiến bà không thể nào quên. Đó là trường hợp anh Nguyễn Khắc Hùng, 37 tuổi, ở thị trấn Phú Thái, Kim Thành, bị ô tô đâm gãy xương ở cẳng chân, bất tỉnh. Khi đó, vì kỳ thị anh là người nghiện ma túy, không ai dám động vào, mọi người gọi bà đến băng bó đưa anh đi viện. Sau khi vào viện, xét nghiệm máu phát hiện anh Hùng bị nhiễm HIV, các bác sĩ trong bệnh viện đều từ chối điều trị mặc cho anh Hùng vật vã trong đau đớn. anh xin về nhà và nhờ bà giúp đỡ. Sau hơn 2 tháng điều trị, vết thương dần bình phục đi lại được, anh đã tới cảm ơn và nhận bà là mẹ.
Trường hợp khác là chị Nguyễn Thị Thủy, 30 tuổi, chở con là cháu Đỗ Thị Ngọc Ánh đi học bằng xe máy, khi sang đường bị ô tô đâm. Mẹ bị gãy xương đùi, xương cẳng tay, chấn thương sọ não, cháu bé thì vẫn dính trên xe máy, nằm dưới gầm đầu xe ô tô đang bốc cháy. Mọi người dân thấy vậy, hiếu kì xem rất đông những không ai dám vào bế cháu bé ra. Bà và con trai bất chấp hiểm nguy xông vào bế được cháu bé ra thì xe bốc nổ. Ai cũng bảo là cháu chết rồi. Nhưng còn nước còn tát, với 1 phần nghìn tia hi vọng, bà vẫn cố gắng hô hấp và xoa bóp tim cho cháu, sau khoảng 10 phút thì cháu mở mắt ra. Bà vui mừng đưa cháu vào viện huyện Kim Thành và đưa 2 mẹ con lên Bệnh viện Việt Đức, được cấp cứu kịp thời. Hiện hai mẹ con chị Thủy rất khỏe mạnh.
Công việc vất vả là vậy, nhưng không bao giờ bà Liên than vãn lấy nửa lời, bà tình nguyện làm việc này xuất phát từ cái tâm con người, từ y đức của người bác sĩ. Tiền mua bông băng và dụng cụ y tế được trích từ số tiền lương ít ỏi mà bà dành dụm được mỗi tháng. Tháng nào ít tai nạn thì còn dư ra chút tiền, tháng nào nhiều tai nạn thì bấy nhiêu tiền lương cũng hết sạch. Sau này, người dân trong khu vực hiểu rõ mục đích cao đẹp của bà Liên cùng với các con nên dần thay đổi thái độ. Nhiều người sẵn sàng hỗ trợ cùng với các con của bà trong việc vận chuyển người bị thương vào viện chữa trị. Bà Liên khoe: “Có tai nạn, tôi chỉ ới cái là mấy anh, chị hàng xóm có mặt hỗ trợ ngay”.
Bà chia sẻ: “Tôi chỉ có một mong muốn nho nhỏ là lãnh đạo Đảng, chính quyền và các sở, ban, ngành trong tỉnh cũng như huyện, vì sự sống của con người hãy chung tay, chung sức giúp đỡ cộng đồng xây dựng nhiều trạm sơ cấp cứu ở những nơi hay xảy ra tai nạn để cứu giúp họ. Còn riêng tôi, cũng mong các cấp, các ngành quan tâm giúp đỡ xây dựng cho tôi một cơ sở cấp cứu và bổ sung thêm y, dụng cụ để tôi sơ, cấp cứu kịp thời cho người bị tai nạn được sống và trở về với gia đình họ.”
Nhật Minh