Về thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) hỏi chị Huỳnh Thị Thưởng, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Trường Định, ai ai cũng biết. Đặc biệt với chị em phụ nữ ở thôn, chị Thưởng vừa là “người cứu cánh” giúp chị em nghèo vươn lên trong cuộc sống vừa là người tâm giao, chia sẻ với chị em chuyện gia đình. Không việc gì chị không làm, miễn là đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho chị em trong thôn, thì chị không ngại khó, ngại khổ.
Trước năm 2010, thôn Trường Định là một thôn nghèo, cách trở đò ngang, khó khăn cho việc đi lại. Cuộc sống của người dân nơi đây chỉ gắn với đồng ruộng, nhiều khi “được mùa nhưng mất giá” nên đời sống người dân không mấy thảnh thơi. Cái nghèo và sự cách biệt vì thế ngăn bước nhiều chị em gái được học lên cao, ít có sách đọc để nâng cao dân trí. Chị Thưởng cùng với quân dân chính địa phương với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã vận động nhân dân và gia đình hội viên, phụ nữ góp công, góp sức để xây dựng cầu Trường Định. Từ khi có cầu bắc ngang qua sông, cuộc sống của người dân và chị em được nâng lên rõ rệt.
Tính đến giờ, chị Thưởng đã có 26 năm tham gia công tác Phụ nữ thôn. Bản tính chị làm cái gì cũng nhiệt tình, hăng hái nên chị em trong thôn bầu chị giữ chức Chi hội trưởng. Từ ngày gánh vác trách nhiệm Chi hội trưởng Phụ nữ thôn mà chị em tin tưởng giao, chị còn phải nghĩ ra các phong trào để chị em tham gia hoạt động, ngoài những phong trào chung mà tất cả các cấp hội cần triển khai. Chị đã cùng chị em trong Hội Phụ nữ thôn hoàn thành xuất sắc Đề án chuyển đổi 2 ha đất trồng lúa nước không hiệu quả sang trồng rau, trồng dưa với 14 hộ tham gia. Ban đầu việc triển khai Đề án này rất khó khăn vì người dân không hưởng ứng. Với suy nghĩ không thể thất bại và đầu hàng trước khó khăn, chị Thưởng đã vận động cán bộ Hội ra làm gương, khi thấy các chị làm có hiệu quả thì người dân mới hưởng ứng mạnh mẽ. Từ đó, các hộ vừa làm rau sạch, vừa trồng dưa hấu hắc mỹ nhân, đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Được bà con trong thôn tin tưởng nên hễ nhà ai có chuyện gì đều tìm đến chị để nhờ giúp đỡ. Chị Thưởng đã vận động xây dựng các nguồn quỹ giúp đỡ phụ nữ và trẻ em nghèo, động viên các chị em trong thôn tự giác giúp đỡ nhau khi gia đình hoạn nạn. Cứ trong thôn có gia đình nào gặp hoàn cảnh éo le, chị Thưởng đều có mặt kịp thời cùng chia sẻ, động viên và tìm mọi cách giúp họ vượt qua. Nhiều lúc công việc bận rộn, chị phải gác lại việc riêng của gia đình để làm cho xong việc của thôn, của chị em phụ nữ. Từ chỗ yêu mến đến tin tưởng nên cứ phong trào nào do Chi hội phụ nữ khởi xướng luôn được người dân thôn Trường Định tham gia nhiệt tình và đem lại kết quả khả quan. Đặc biệt, những chị em nào không có việc làm, chị Thưởng lại lặn lội đến các quán ăn lớn ở địa bàn quận Liên Chiểu để tìm việc giúp. Từ đó, đã giải quyết cho nhiều chị em ở thôn có nguồn thu nhập ổn định, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn. Mô hình “Hũ gạo tình thương” từ hai chục năm nay luôn được phụ nữ thôn Trường Định duy trì phong trào gây quỹ bằng cách góp lúa, góp gạo để giúp chị em làm kinh tế hoặc thăm đau ốm. Những năm trở lại đây, kinh tế khá hơn nên chị em trong thôn linh hoạt góp quỹ bằng tiền mặt. Số vốn này được quay vòng cho các chị có hoàn cảnh khó khăn vay không lãi để nuôi heo, gà. Ngoài ra chi hội còn duy trì nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như xây dựng Quỹ tấm lòng nhân ái, Quỹ trẻ em, Quỹ người khuyết tật, Quỹ Câu lạc bộ phát triển kinh tế…Từ các mô hình trên, Chi hội đã giúp cho hàng trăm lượt chị em là hộ nghèo, người già yếu neo đơn, người khuyết tật có nguồn vốn làm ăn, cải thiện cuộc sống.
Là Tổ phó Tổ Phản ứng nhanh phòng chống bạo lực gia đình của thôn, nhưng chị Thưởng toàn đi đầu, vì hễ có việc gì bà con cũng đều gọi chị đầu tiên. Đặc biệt, thôn Trường Định không có bạo lực gia đình, nên công việc của chị cũng rất nhẹ nhàng. Thỉnh thoảng có những gia đình “cơm không lành, canh không ngọt” thì chị đến, chị em to nhỏ bảo nhau để giữ gìn mái ấm hạnh phúc, gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Do đặc thù của thôn nằm cách xã Trạm Y tế xã, là nhân viên Y tế thôn, chị Thưởng đã đem kiến thức tự học và qua những đợt tập huấn về giúp cho người dân. Bà mẹ nào sinh nở, chị Thưởng đều tự nguyện đến tắm cho em bé 1 tháng, hướng dẫn cho bà mẹ vệ sinh và cách chăm sóc trẻ sơ sinh mà không lấy một đồng thù lao.
Chị Thưởng bảo, việc “Học tập theo gương Bác” đã đi vào cuộc sống của chị em trong thôn. Đó là ý thức tiết kiệm, sự chia sẻ, ý chí vươn lên trong cuộc sống. Nhờ đó, chị em phụ nữ thôn Trường Định có thêm chỗ dựa tinh thần, nguồn động viên về vật chất để thoát khỏi cái nghèo của thôn quê./.
Hoàng Mai