Bạc Liêu: Vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

 7802 lượt xem
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong những năm qua đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm ngày càng được phát huy, các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng được đẩy lùi dần, thể hiện được sự văn minh trong trong phong trào xây dựng nếp sống văn hóa. 

 Sau khi được quán triệt nội dung Chương trình phối hợp số 12, ngày 29/9/2011 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch về chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tiến hành ký kết Chương trình phối hợp số 18 ngày 06/4/2012 về thực hiện nâng cao chất lượng cuộc vận động trong giai đoạn mới nội dung chủ yếu tiếp tục thực hiện và điều chỉnh 06 nội dung thành 05 nội dung của cuộc vận động cho phù hợp với 05 tiêu chuẩn công nhận “Ấp văn hóa”, “khóm văn hóa” gắn với việc hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp các ngành, các cấp, các tổ chức thành viên tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" trên địa bàn tỉnh, đã tạo sự đồng thuận của xã hội, phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh về hưởng ứng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch và các tổ chức thành viên của Mặt trận tăng cường tập trung tuyên truyền mục đích ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Đồng thời tuyên truyền phổ biến các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương về vai trò văn hóa và phát triển văn hóa gắn với các phong trào thi đua yêu nước tạo động lực thúc đẩy tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. 
Xác định Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” là cuộc vận động lớn mang tính toàn diện, toàn dân trong thời kỳ đổi mới. Chính vì vậy mà cả hệ thống chính trị tập trung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, giáo dục từ trong nội bộ ra quần chúng nhân dân, bằng nhiều hình thức phong phú, qua các phương tiện thông tin đại chúng, công tác tuyên truyền miệng, tập huấn, tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Qua đó, phát huy vai trò tích cực của đoàn viên, hội viên của các tổ chức thành viên, góp phần nâng cao ý thức của quần chúng nhân dân về việc chấp hành tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh ở địa phương, xem đây là cuộc vận động mang tính toàn dân, toàn diện và lâu dài, có ý nghĩa sâu sắc không những đối với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) của Đảng mà còn góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh tại các khu dân cư. 
Mục tiêu cơ bản của cuộc vận động này là phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của cộng đồng khu dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo trật tự kỷ cương, xây dựng cơ sở chính trị thật sự vững mạnh. Chính vì vậy mà cuộc vận động đã được cán bộ và các tầng lớp nhân dân đồng thuận, hưởng ứng, tham gia tích cực, có hiệu quả. thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mà còn góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 (khóaVIII) của Đảng, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mà còn có ý nghĩa góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” tại các khu dân cư. Bởi thực chất 5 nội dung của Cuộc vận động ở khu dân cư là biểu hiện cụ thể, sinh động những nội dung “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” chứ không có gì khác. Nếu mỗi khu dân cư đều thực hiện tốt 05 nội dung của Cuộc vận động bằng những tiêu chí phù hợp thì ở đó thu lại kết quả cao.
Có thể nói, trong những năm qua,  Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” là một nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo. Nhất là khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với nước; đoàn kết phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương phép nước; xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục, y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Đồng thời, thông qua cuộc vận động đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, những gì chúng ta đã đạt được trong những năm qua của phong trào nói chung và cuộc vận động ở khu dân cư nói riêng là đáng trân trọng, chứ không phải thỏa mãn. Bởi vì nếu nghiêm túc đánh giá thì rõ ràng chất lượng của phong trào nói chung và cuộc vận động ở khu dân cư nói riêng còn chưa đạt so với yêu cầu như tỷ lệ hộ nghèo của nhiều khu dân cư văn hóa còn cao, gian lận trong thương mại, tình hình tội phạm, số đề, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác vẫn còn diễn ra phức tạp. 
Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi sâu vào đời sống của mỗi người dân, cần phải thống nhất và thực hiện đồng bộ Chương trình phối hợp và 05 nội dung của Cuộc vận động; thực hiện đồng bộ Chương trình phối hợp số 12 ngày 29/9/2011 giữa BTT UBTWMTTQ và Bộ VHTTDL; chương trình phối hợp số 18/CTrPH-MTTQ-SVHTTDL ngày 06/04/2012 giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”  trong giai đoạn mới; Phối hợp triển khai có hiệu quả Đề án 04/ĐA-MTTW-BTT ngày 28/12/2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thực chất đây là những nội dung có điều chỉnh, bổ sung của Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" cho phù hợp với giai đoạn hiện nay; Ban chỉ đạo phong trào cần xem xét: Nếu đánh giá đây là cuộc vận động cách mạng sâu sắc, có ý nghĩa quan trọng trong thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế thì cần phải đầu tư một cách toàn diện, phù hợp cho việc củng cố, nâng cao chất lượng các khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa. Nhất là tiếp tục duy trì mức đầu tư kinh phí cho Cuộc vận động theo tinh thần của Thông tư liên tịch số 144/2014/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30/9/2014 giữa Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.
Thanh Mai
 
 
Ý kiến của bạn