Xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, tỉnh Cần Thơ triển khai Chương trình xây dựng NTM trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức. Do địa phương có xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, nên sức đóng góp của người dân còn hạn chế, việc đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn đòi hỏi kinh phí khá lớn… Thời điểm bắt đầu triển khai chương trình, năm 2011, địa phương mới cơ bản đạt 7/20 tiêu chí là: điện, thủy lợi, chợ, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, văn hóa, tổ chức chính trị vững mạnh.
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay xã Đông Thuận, huyện Thới Lai đã cơ bản đạt 20/20 tiêu chí, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, kinh tế phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Ngày 16-12-2016, Đông Thuận chính thức được công nhận là xã nông thôn mới.
Con đường nông thôn mới
Với sự lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ đạo điều hành của UBND xã và tham gia đóng góp xây dựng NTM của người dân, Chương trình xây dựng NTM xã Đông Thuận đã đạt kết quả tích cực, nhận thức của người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn chuyển biến rõ nét. Xã đã triển khai đồng bộ các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Trong phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM, địa phương xác định hai nhiệm vụ trọng tâm là: tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và xây dựng NTM nói riêng. Vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ, cùng với phát huy nội lực của cộng đồng dân cư xây dựng NTM... Qua hơn 5 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, Đông Thuận đã huy động nguồn lực đầu tư 101,6 tỉ đồng; trong đó vốn nhà nước 36,5 tỉ đồng, doanh nghiệp đóng góp 6,1 tỉ đồng, vốn tín dụng 45 tỉ đồng, còn lại là dân đóng góp 14 tỉ đồng.
Sau khi triển khai Chương trình xây dựng NTM, xã đã tập trung cho công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch, xây dựng đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, quan tâm nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Sau thời gian phấn đấu, đến nay xã đã cơ bản đạt 20/20 tiêu chí NTM, được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về NTM.
Xã Đông Thuận đã đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa hơn 75 km đường giao thông, kinh phí 57 tỉ đồng; trong đó ngân sách nhà nước đầu tư 34,2 tỉ đồng và nhân dân đóng góp 22,8 tỉ đồng. Địa phương đang có đường trục xã, liên xã dài 7,55 km, nhựa hóa đạt 100%; đường trục ấp, liên ấp dài 10,8 km; đường ngõ xóm dài 56,8 km, sạch và không lầy lội vào mùa mưa. Xã xây dựng mới 21 cây cầu bê tông, dài 609 m, tổng kinh phí 6,3 tỉ đồng; trong đó Nhà nước đầu tư 3,8 tỉ đồng và nhân dân đóng góp 2,5 tỉ đồng... Từ khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã cũng được cấp trên đầu tư nạo vét 29 kênh thủy lợi nội đồng, chiều dài 49,56km, kinh phí là 7,3 tỉ đồng, phục vụ cho 2.521ha đất sản xuất. Qua đó, hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã đảm bảo đáp ứng yêu cầu sản xuất, vận chuyển hàng hóa và dân sinh. Trên địa bàn xã Đông Thuận có 4 trường học; trong đó Trường THCS Đông Thuận và Trường Mầm non Đông Thuận đạt chuẩn quốc gia, Trường Tiểu học Đông Thuận đang được xây dựng theo chuẩn quốc gia và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2017. Nhà văn hóa xã vừa xây dựng hoàn thành (diện tích 2.800 m2, tổng kinh phí 5,8 tỉ đồng) cùng với 9 nhà văn hóa ấp.
Xã Đông Thuận có 1 chợ thuộc khu dân cư vượt lũ, diện tích 4.200 m2, phục vụ nhu cầu mua bán, giao lưu hàng hóa của người dân ngày càng tốt hơn và giải quyết việc làm cho khoảng 478 lao động. Đông Thuận đã tập trung chỉ đạo vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo. Qua đó đã nâng mức thu nhập bình quân của xã đến nay đạt 33,7 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, toàn xã hiện có 51 Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, tổ chức kiện toàn và nâng chất lượng diện tích cánh đồng lớn lên bình quân 857,2 ha/vụ, với 579 hộ tham gia sản xuất tại 9 ấp. Đến nay, toàn xã chỉ còn 107 hộ nghèo, chiếm 3,6% tổng số hộ dân...
Hướng đi tới, Đông Thuận tập trung các giải pháp duy trì, nâng chất các tiêu chí NTM. Đồng thời, tiếp tục củng cố hình thức sản xuất góp phần tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao chất lượng dịch vụ công, đảm bảo an ninh trật tự xã hội là đích đến tiếp theo của xã Đông Thuận trong thời gian tới.
Minh An