Sôi nổi phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Yên Đồng

 2651 lượt xem
Khi phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được phát động, Hội Nông dân xã Yên Đồng (Huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) đã quan tâm đẩy mạnh, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và không khí thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên. Những năm qua, nhờ phong trào đó đã xuất hiện nhiều tấm gương, mô hình làm kinh tế giỏi ở các lĩnh vực. 

 Chị Nguyễn Thị Cúc ở thôn Đình là một trong những điển hình hội viên nông dân tiêu biểu sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã Yên Đồng. Trước đây, cuộc sống vợ chồng chị Cúc gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn khi cả 4 nhân khẩu trong gia đình chỉ trông chờ vào hơn 4 sào ruộng. Nhiều lần chị trăn trở phải làm gì đó để vươn lên thoát nghèo, nhưng do thiếu vốn sản xuất, vợ chồng chị loay hoay chưa tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp. Sau khi được tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân xã về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đã giúp chị thay đổi cách nghĩ, cách làm. Năm 2010, chị mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư cải tạo gần 1 mẫu ao để nuôi trồng thủy sản. Với mong muốn có thêm kiến thức trong chăn nuôi, ngoài tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân xã tổ chức, chị tích cực học hỏi, tham quan các mô hình phát triển thủy sản ở các xã bạn. Với sự cần cù, chịu khó, chị Cúc còn tận dụng diện tích trên bờ xây dựng chuồng trại nuôi lợn. Chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết: "Những năm đầu chăn nuôi, do chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế chưa cao, được sự động viên kịp thời của Hội, đến nay trang trại VAC của gia đình tôi phát triển ổn định, trừ chi phí mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng".

Đi ngược lại hướng phát triển kinh tế truyền thống bằng cây trồng vật nuôi, chị Dương Thị Hằng, hội viên Chi hội Nông dân thôn Chùa lại chọn hướng phát triển sản xuất nghề truyền thống ở địa phương là làm chăn, ga, gối đệm, rèm, màn. Nhờ nguồn vốn vay thông qua Hội Nông dân, năm 2012 chị mở cửa hàng may rèm, màn khung. Để sản phẩm rèm, màn của gia đình được nhiều người biết đến, bên cạnh học hỏi nâng cao trình độ tay nghề, chị tích cực tìm tòi các thị trường đầu ra. Hiện nay, sản phẩm rèm, màn của gia đình chị có mặt ở khắp thị trường trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, trừ chi phí cửa hàng của gia đình chị thu lãi gần 200 triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động, với mức lương từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Hội Nông dân xã chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh tuyên truyền những chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, mục đích ý nghĩa của phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đến từng cán bộ, hội viên để nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế theo hướng bền vững. Hội phân công cán bộ thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng, khích lệ các hội viên nâng cao ý chí tự lực, tự cường, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình. Những năm qua, ngoài phối hợp các cơ sở dạy nghề nâng cao kiến thức cho hội viên nông dân, Hội Nông dân xã còn phối hợp tổ chức trên 40 lớp tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 4.500 lượt hội viên; phối hợp với các đơn vị cung ứng trên 1.000 tấn phân bón theo phương thức trả chậm. Đồng thời đứng ra tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho 350 lượt hội viên vay vốn với tổng dư nợ 7 tỷ đồng, trong đó: Cho vay hộ nghèo 920 triệu đồng; vay nước sạch vệ sinh môi trường 2 tỷ đồng; vay học sinh, sinh viên 300 triệu đồng; vay giải quyết việc làm 500 triệu đồng; cho vay xuất khẩu lao động 100 triệu đồng.
 
Mô hình sản xuất chăn ga, gối đệm của một gia đình hội viên 
Đến nay, toàn xã có 82 mô hình phát triển kinh tế trang trại của hội viên cho hiệu quả cao; có trên 200 hộ phát triển các ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp với tổng giá trị sản xuất năm 2016 đạt trên 295 tỷ đồng, tiêu biểu như hộ ông Dương Quang Hùng, thôn Gia với mô hình sản xuất chăn, ga, gối, đệm cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho trên 20 lao động ở địa phương; hộ ông Dương Quang Thành, thôn Đình với mô hình sản xuất nhựa cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho gần 30 lao động.
Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp các hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, sử dụng đồng vốn hiệu quả và vận dụng sáng tạo những tiến bộ mới vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Minh An
 
 
Ý kiến của bạn