Vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ

 2444 lượt xem
Xây dựng nông thôn mới đã và đang trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Nhận thức được vai trò trách nhiệm, cũng như những kết quả tốt đẹp được thụ hưởng do NTM đem lại, hàng năm Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các Hội phụ nữ cơ sở khảo sát nắm số lượng hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để đề ra các biện pháp giúp đỡ cụ thể, phù hợp với điều kiện của Hội như: Hỗ trợ cho vay vốn, giúp cây, con giống, ngày công lao động… Các cấp Hội đã khai thác và quản lý 1.157 tỷ đồng cho trên 131.377 hộ phụ nữ vay phát triển sản xuất. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay xây dựng 125 mô hình phát triển kinh tế như mô hình trồng bí đao xanh, chuối tiêu hồng, bưởi diễn, thanh long ruột đỏ… qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa. 

Đến nay, toàn tỉnh đã có 6.228/10.738 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 20,34% (năm 2010) xuống còn 12,04% (năm 2015). Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã huy động các nguồn lực xây dựng thành công mô hình kết nối giữa “dạy nghề - hỗ trợ vốn vay - thành lập kinh tế tập thể” và thành lập Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo. Tính đến nay, tổng dư nợ Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo đạt trên 14,1 tỷ đồng cho 1.843 người vay.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới (XDNTM)”, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đã tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn.
 
 
 Hội viên phụ nữ khu 5, xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy tham gia vệ sinh môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới
 
Ngay sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai trên toàn tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Thủy đã quan tâm chỉ đạo các cơ sở Hội, tổ chức các nhiệm vụ theo chuyên đề, tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” nhằm  tuyên truyền, vận động giúp cán bộ, hội viên phụ nữ hiểu rõ mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng của chương trình. Đồng thời, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội đã phát huy năng lực và vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong việc triển khai tới 100% các cơ sở Hội thực hiện chỉ tiêu 17.3, thuộc tiêu chí số 17 (tiêu chí “Môi trường”) trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM bằng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. 
Bên cạnh việc thực hiện tiêu chí “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch đường), các Chi hội phụ nữ huyện Thanh Thủy đã thi đua thực hiện tốt tiêu chí “5 không” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học). Các cấp Hội cũng đã vận động 578 gia đình hội viên hiến 40.145m2 đất làm đường giao thông nông thôn, nội đồng; triển khai hiệu quả phong trào “Ngày chủ nhật sạch”. Đến nay, toàn huyện có 13.755 hộ đạt gia đình “5 không 3 sạch”; 59 đoạn đường phụ nữ tự quản; 6 xã đã đạt chuẩn NTM (Đồng Luận, Xuân Lộc, Tu Vũ, Thạch Đồng, Đoan Hạ, Trung Nghĩa).
Xác định việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời là tiêu chí căn bản trong xây dựng NTM, Hội chú trọng vận động chị em hội viên nỗ lực vượt khó, tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Các cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện còn thi đua thực hành tiết kiệm để tạo nguồn vốn hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo. Thông qua các hình thức giúp đỡ như: Tiết kiệm tại các chi hội, nuôi lợn nhựa tiết kiệm khuyến học, vì phụ nữ nghèo…, Hội đã thực hiện quản lý tốt nguồn vốn vay ủy thác của ngân hàng chính sách xã  hội ở 15/15 xã, thị trấn với 67 tổ tiết kiệm với tổng số tiền trên 64 tỷ đồng cho hơn 2 ngàn hộ vay. Bên cạnh đó, Hội phụ nữ huyện đã xây dựng được 57 mô hình phát triển kinh tế tại 10 xã, mô hình tổ liên kết trồng rau an toàn tại xã Tu Vũ, mô hình sử dụng phân bón NPK theo quy trình khép kín trên cây ngô và cây lúa ở 11/15 xã, thị trấn trị giá 276 triệu đồng... 
Những hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế nêu trên đã đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ, từ đó phát huy được tiềm năng lao động nữ, nâng cao vai trò của tổ chức Hội trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
  Bà Trần Thịnh Phượng - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thanh Thủy cho biết: “Trong thời gian qua, cùng với chính quyền, MTTQ và các hội đoàn thể, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã rất tích cực trong công tác vận động chị em tham gia xây dựng NTM gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Nhờ vậy, công cuộc xây dựng NTM của địa phương được triển khai thuận lợi và đạt kết quả cao”.
Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho gia đình hội viên phụ nữ, cải thiện điều kiện sống được xem là tiêu chí căn bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Do vậy, tại các cơ sở hội, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ đã khẳng định mình trên nhiều lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 
Hoạt động dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động việc làm cho lao động nữ được gắn kết chặt chẽ với hỗ trợ thành lập, vận động hội viên tham gia các mô hình kinh tế tập thể theo quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của nhóm các gia đình hội viên có quy mô sản xuất nhỏ. Chỉ đạo thành lập 2 hợp tác xã kiểu mới, 16 tổ hợp tác, nhóm phụ nữ liên kết sản xuất kinh doanh về các lĩnh vực mây tre đan, bún, bánh, sản xuất chè an toàn, sản xuất và kinh doanh rau an toàn, chăn nuôi vỗ béo bò thịt, gà an toàn sinh học, thu gom và xử lý rác thải… Chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị đào tạo nghề cho 18.465 lao động nữ. Sau học nghề 80% người lao động có việc làm và tự tạo việc làm tăng thu nhập và ổn định đời sống. 
Xác định việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời là tiêu chí căn bản trong XDNTM, Hội chú trọng vận động chị em hội viên nỗ lực vượt khó, tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Các cán bộ, hội viên phụ nữ trong huyện còn thi đua thực hành tiết kiệm để tạo nguồn vốn hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo thông qua các hình thức giúp đỡ như: Tiết kiệm tại các chi hội, nuôi lợn nhựa tiết kiệm khuyến học, vì phụ nữ nghèo… Hội đã thực hiện quản lý tốt nguồn vốn vay ủy thác của NHCSXH ở 15/15 xã, thị trấn với 67 tổ tiết kiệm với tổng số tiền trên 64 tỷ đồng cho hơn 2 ngàn hộ vay. Hoạt động tín dụng, tiết kiệm phụ nữ được duy trì. Đến 30/6/2016 đã tiết kiệm được 3.356 triệu đồng, cho 2.215 lượt người vay. Nhiều Hội LHPN ở cơ sở làm tốt như: Hội LHPN xã Sơn Thủy, Bảo Yên... Đồng thời, từ thực tiễn của từng địa phương, Hội Phụ nữ huyện đã xây dựng được 57 mô hình phát triển kinh tế tại 10 xã, mô hình tổ liên kết trồng rau an toàn tại xã Tu Vũ, mô hình sử dụng phân bón NPK theo quy trình khép kín trên cây ngô và cây lúa ở 11/15 xã, thị trấn trị giá 276 triệu đồng... Những hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế nêu trên đã đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ, từ đó phát huy được tiềm năng lao động nữ, nâng cao vai trò của tổ chức Hội trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện do vẫn còn những cán bộ, hội viên phụ nữ chưa thật sự hiểu và chủ động tham gia vào xây dựng NTM; việc chuyển đổi cơ cấu, phát triển kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp ở một số nơi còn chậm… 
Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được cho thấy phong trào phụ nữ tham gia xây dựng NTM đã và đang lan tỏa sâu rộng; sự vào cuộc tích cực, năng động, sáng tạo của Hội phụ nữ trong huyện đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phát huy nội lực của cộng đồng trong tham gia xây dựng NTM.
Kết quả mà các cấp Hội phụ nữ trong huyện đạt được trong xây dựng nông thôn mới thời gian qua bước đầu đã góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực: Tăng tỷ lệ hộ gia đình được dùng nước sạch, có nhà tiêu hợp vệ sinh; nâng cao ý thức, thay đổi hành vi của hội viên, phụ nữ và nhân dân trong sinh hoạt, sản xuất vì sự phát triển môi trường bền vững; hạn chế tình trạng xả rác thải bừa bãi, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất; đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp hơn./.
Lam Anh
 
 
 
Ý kiến của bạn