Con đường xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang

 4541 lượt xem
Tuyên Quang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc của nước ta, trong phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã có nhiều biện pháp, chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, qua đó kích cầu, tạo động lực cho toàn xã hội tham gia vào xây dựng, kiến thiết nông thôn. 

Phải nhắc đến đầu tiên là chính sách hỗ trợ 100% xi măng, ống cống, chi phí vận chuyển, bốc xếp xi măng, ống cống đến nơi gần công trình nhất kinh phí dành cho công tác quản lý làm đường bê tông nông thôn là 2 triệu đồng/1km. Giai đoạn 2010 - 2015, toàn tỉnh đã bê tông được 2.777 km đường giao thông trị giá hơn 1.547 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 753 tỷ đồng, nhân dân đóng góp và huy động vốn hợp pháp khác 794 tỷ đồng. Ngày 13-12-2012 , HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 20/NQ-HĐND về hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2015 gồm: Nhà văn hóa thôn, bản có quy mô 80 chỗ ngồi trở lên được hỗ trợ 150 triệu đồng nếu xây mới, 100 triệu đồng đối với công trình cải tạo, nâng cấp; xây dựng sân thể thao thôn, bản có quy mô 1.500 m2 trở lên sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng; cải tạo nâng cấp chợ nông thôn có diện tích xây dựng từ 1.500 m2 đến 3.000 m2 được hỗ trợ 50% dự toán được phê duyệt nhưng không quá 500 triệu đồng/chợ; xây dựng nghĩa trang nhân dân mức hỗ trợ 200 triệu đồng/nghĩa trang/xã.

Là tỉnh miền núi, đời sống của nhân dân còn khó khăn nên khi vận dụng, phát huy hết hiệu quả của các chính sách ở nhiều địa phương vẫn còn những hạn chế, việc bê tông hóa đường giao thông nông thôn, mặc dù đã có hiệu ứng rất lớn nhưng đến nay toàn tỉnh mới chỉ có 20 xã đã hoàn thành tiêu chí giao thông (chiếm 15,5% tổng số xã), nhiều xã chưa đạt 50% km đường trục thôn được cứng hóa theo chuẩn. Mục tiêu đối với 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 sẽ là 6,9 km đường trục thôn và gần 42 km đường ngõ xóm. Bên cạnh đó là tiêu chí môi trường, hiện số xã đạt chuẩn là rất thấp chỉ đạt 7,8% tổng số xã. 
Trong giai đoạn 2012 đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã xây mới và nâng cấp, cải tạo 323 công trình, với tổng kinh phí huy động 104,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 44,6 tỷ đồng (chiếm 42,8%), nhân dân đóng góp và huy động được 59,5 tỷ đồng (chiếm 57,2%). Đối với sân thể thao, đã xây dựng 188 công trình trị giá  11,3 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 5,6 tỷ đồng còn lại nhân dân đóng góp. Cách làm này đã giúp cho 10 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới. 
 
Một con đường giao thông đã được bê tông hóa
Tỉnh Tuyên Quang nâng cấp đối với 11 chợ nông thôn, đã hỗ trợ kinh phí trên 5 tỷ đồng (chiếm 50%), nhân dân đóng góp và huy động nguồn vốn hợp pháp khác hơn 5 tỷ đồng (chiếm 50%). Với mức hỗ trợ 50% theo quy định, đến nay, toàn tỉnh có 31 xã (chiếm 24% tổng số xã) đã đạt tiêu chí chợ nông thôn. Tuyên Quang đã hỗ trợ các địa phương xây dựng 13 nghĩa trang nhân dân với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước; hỗ trợ xây dựng 6 bãi rác thải tập trung với mức hỗ trợ bình quân 300 triệu đồng/bãi. Tiêu chí về môi trường vốn dĩ là tiêu chí khó thực hiện nhất, thế nhưng Tuyên Quang cũng phấn đấu toàn tỉnh có 10 xã đạt tiêu chí về môi trường. Ngoài sự vào cuộc tích cực của tỉnh và ngành chức năng, thì ý thức của người dân, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trong giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường nông thôn là rất quan trọng. Các cấp chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sâu rộng để người dân dần thay đổi thói quen về thu gom, đổ rác; khuyến khích nhân rộng các mô hình như gia đình thân thiện với môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, con đường tự quản; tăng cường chính sách xã hội hóa về công tác bảo vệ môi trường, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động cải tạo và bảo vệ môi trường.   
Trong giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ bê tông hóa đường giao thông nông thôn cho các xã có tỷ lệ đường trục thôn được cứng hóa dưới 50%, các xã có tỷ lệ ngõ, xóm sạch và không lầy lội dưới 50%. Hỗ trợ bê tông hóa đường giao thông nông thôn kết hợp cứng hóa hệ thống kênh mương nội đồng; nâng mức hỗ trợ và tính toán áp dụng mức chênh lệch giữa các huyện, thành phố đặc biệt ưu tiên đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn để cùng về đích trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Con đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, tuy nhiên với sự đồng lòng và quyết tâm của cả tỉnh, Tuyên Quang đang từng bước đưa tỉnh mình sớm hoàn thành những tiêu chí đề ra của nông thôn mới trên con đường phát triển bền vững. 
   Thái An
 
 
Ý kiến của bạn