TĐKT - Đông Anh là một huyện cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, có nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng to lớn về tự nhiên, kinh tế, xã hội và thị trường để phát triển nông nghiệp. Với lợi thế quỹ đất nông nghiệp lớn, trong những năm qua huyện đã tích cực chỉ đạo công tác chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hàng hóa, phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, sinh thái; tập trung phát triển kinh tế trang trại, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện phát triển kinh tế trang trại theo tinh thần Nghị quyết 03 của Chính phủ; Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Quyết định số 05/2008 ngày 18/1/2008 của UBND TP Hà Nội về một số chính sách khuyến khích, phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn Thủ đô, huyện Đông Anh đã kịp thời ban hành cơ chế, chính sách, xây dựng nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; quy định về quản lý trang trại; chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng xã; phát triển nông nghiệp chất lượng cao, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020.
Nhiều mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn Vietgap trên địa bàn huyện trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho các địa phương.
Bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết: “Hằng năm, huyện bố trí kinh phí từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng cho các đơn vị khuyến nông, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… để thực hiện các chương trình tập huấn; chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình điểm; hỗ trợ phân bón, giống cây trồng…, tạo cơ hội cho bà con tiếp cận với những kiến thức để làm giàu. Huyện đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa sản xuất, chú trọng sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm sinh học, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi và thức ăn gia súc”.
Toàn huyện đã có 381 máy làm đất, 25 máy gặt đập liên hợp, 107 máy tuốt lúa. Huyện đã đầu tư, hỗ trợ kinh phí để tiếp thu các giống cây trồng mới vào sản xuất đại trà như giống ngô lai cho năng suất cao, giống khoai tây sạch bệnh, các loại rau cao cấp, chất lượng: súp lơ, cà chua, dưa chuột bao tử; các giống cây ăn quả: chuối tiêu hồng nuôi cấy mô, thanh long, bưởi Diễn…
Đến nay, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha canh tác của huyện đạt trên 150 triệu đồng, huyện đã hình thành các vùng sản xuất rau an toàn, cây ăn quả, hoa cây cảnh và các vùng chăn nuôi quy mô lớn. Một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh tiêu biểu của huyện: vùng lúa hàng hóa tập trung tại các xã Xuân Nộn, Thụy Lâm, Dục Tú, Liên Hà; vùng rau an toàn tập trung tại các xã Vân Nội, Tiên Dương, Nam Hồng, Bắc Hồng; vùng trồng hoa, cây cảnh tại các xã Tiên Dương, Uy Nỗ, Tàm Xá, Vĩnh Ngọc; vùng chăn nuôi bò sữa xã Vĩnh Ngọc; vùng chăn nuôi lợn ở xã Tiên Dương, Liên Hà…
Toàn huyện có 555 trang trại, trong đó có 208 trang trại đã được phê duyệt và 347 mô hình sản xuất dưới hình thức trang trại đang chờ phê duyệt. Diện tích trồng rau an toàn là 2700 ha; hoa, cây cảnh là 580 ha; cây ăn quả là 620 ha, lúa nếp cái hoa vàng là 700 ha. Đông Anh là huyện có số lượng gia súc, gia cầm đứng thứ ba toàn thành phố với tổng đàn lợn toàn huyện là 75.000 con; đàn trâu bò 9300 con, đàn gia cầm, thủy cầm trên 2,3 triệu con…
Vùng rau an toàn xã Tiên Dương
Đặc biệt, có nhiều hộ gia đình đã chuyển sang mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo hướng công nghiệp và đạt tiêu chuẩn Vietgap mang lại hiệu quả rõ rệt, được thành phố đánh giá cao. Tiêu biểu là mô hình chăn nuôi gà giống và gà thương phẩm theo quy trình Vietgap của ông Trần Văn Hiệu, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương. Trang trại của ông được xây dựng quy mô với tổng diện tích 17.700 m2 bao gồm 1 tòa nhà văn phòng điều hành, 1 kho thức ăn, 1 dãy nhà công nhân, 7 trại nuôi gà, 1 khu ấp trứng, hoạt động theo tiêu chuẩn Vietgap. Đây là trang trại có quy mô lớn, với tổng vốn hiện nay là 35 tỷ đồng; chăn nuôi 40.000 con gà bố, mẹ được nhập khẩu trực tiếp từ Pháp, lượng xuất bán 30.000 gà giống/tháng đến các tỉnh, thành phía Bắc cho doanh thu 3 tỷ đồng/tháng, lợi nhuận thu về 500 triệu đồng/tháng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 23 công nhân với mức lương trung bình 5 triệu đồng/tháng.
Tiếp đến, trang trại Minh Hà chuyên chăn nuôi lợn giống và lợn thương phẩm theo quy trình Vietgap của ông Nghiêm Đình Minh tại thôn Trung Oai, xã Tiên Dương cũng được coi là điểm sáng về phát triển kinh tế. Hiện trang trại của ông có khoảng 550 con lợn nái và 12 con lợn đực được nhập từ Đồng Nai. Mỗi tháng, trang trại xuất bán ra 1000 con lợn giống với chất lượng cao cho thị trường các tỉnh, thành phía Bắc, đạt doanh thu 1,5 tỷ đồng/tháng, lợi nhuận 100 triệu đồng/tháng.
Việc áp dụng phát triển mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Đông Anh đang giúp bà con nơi đây thay đổi về thu nhập và nếp sống rõ rệt. Cái đích mà huyện Đông Anh đặt ra là kết thúc năm 2016, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới đang thực sự rất gần.
Tính đến hết năm 2015, huyện Đông Anh có 21/23 xã đạt và đủ điều kiện “xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 – 2015. Sau huyện Đan Phượng, Đông Anh của TP Hà Nội (cùng với Thanh Trì và Hoài Đức) đủ điều kiện đề nghị Chính phủ xét công nhận “Huyện nông thôn mới”.
Thu Hương