Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cái đích của việc thực hiện Chương trình là xây dựng khu vực nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng từng bước được tăng cường.
Với xuất phát điểm của một tỉnh miền núi khó khăn như Lai Châu thì đây là một chương trình lớn, mới và khó, quy mô, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt vấn đề trình độ học vấn, trình độ sản xuất, phong tục, tập quán của nhân dân các dân tộc trên địa bàn… Đây thực sự là một cuộc cách mạng của toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc và cả hệ thống chính trị.
Vượt qua những khó khăn, thách thức của một tỉnh vùng cao biên giới, tỉnh Lai Châu là một trong ba địa phương có bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Với sự nỗ lực quyết tâm của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị và nhân dân các dân tộc, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Từ việc thực hiện Chương trình này, đã xuất hiện nhiều điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới.
Một bản nông thôn mới
Thời điểm này, người dân bản Nà Hum, xã Bình Lư, huyện Tam Đường chưa hết ngỡ ngàng khi cuộc sống vật chất và tinh thần đã được thay đổi rõ nét, đó là nhờ được thụ hưởng do các chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước và đặc biệt là nhờ NTM mang lại.
Bản Nà Hum nằm cách trung tâm xã Bình Lư hơn 4 km; bản có 89 hộ, với 428 khẩu, đều là dân tộc Thái. Ông Điêu Chính Ngoan, Trưởng bản Nà Hum cho biết: “những năm trước đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong bản còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Năm 2011, khi triển khai xây dựng nông thôn mới, Ban phát triển của bản đã nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền với các hình thức phong phú, phù hợp để truyền tải các chủ trương lớn”. Nói thì dễ, nhưng khi vận động hiến đất, đóng góp ngày công, công tác vệ sinh môi trường, chuyển đổi cơ cấu giống, thâm canh tăng vụ… lại gặp khá nhiều khó khăn, do đồng bào chưa hiểu hết về lợi ích của NTM. Trước tình hình đó, Ban phát triển của bản Nà Hum đã kiên trì gặp gỡ, phân tích cho người dân hiểu rõ việc xây dựng NTM là Nhà nước và nhân dân cùng làm. “Đối với việc làm các công trình hạ tầng, Nhà nước hỗ trợ vật liệu, người dân hiến đất, đóng góp ngày công; để đảm bảo môi trường không bị ô nhiễm thì mọi người phải giữ vệ sinh chung, phải di chuyển chuồng trại ra khỏi gầm sàn; bà con phải thâm canh tăng vụ, đưa những giống cây con mới, chất lượng cao vào sản xuất… những nội dung ấy đã được tuyên truyền tích cực trong suốt thời gian triển khai xây dựng NTM”, Trưởng bản Điêu Chính Ngoan cho biết thêm.
Phát triển giao thông nội đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số
được tỉnh Lai Châu chú trọng.
Từ cách thức tuyên truyền, vận động và tổ chức đó, bản Nà Hum đã huy động được trên 2.000 ngày công lao động; góp hàng trăm khối cát sỏi; vận động nhân dân hiến 2.500 m2 đất và làm được trên 3,7 km đường giao thông nông thôn; di dời ra khỏi gầm sàn và làm mới 78 chuồng trại gia súc… qua đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 56,4% xuống còn 11,2%.
Còn đối với xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, thời gian thực hiện xây dựng NTM là quãng thời gian xã có thêm những kinh nghiệm thực tiễn trong việc giải quyết các vấn đề như phân bổ vốn ngân sách, sự phù hợp của cơ chế chính sách hay thực tế cơ sở hạ tầng tại địa bàn. Ông Cao Xuân Páo, Bí thư Đảng bộ xã Chăn Nưa cho biết: “Ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, thuyết phục người dân nhận thấy được tầm quan trọng của xây dựng NTM, chúng tôi đã vận dụng tốt quan điểm của Chính phủ về huy động nguồn lực xây dựng NTM, bao gồm nguồn lực tài nguyên, nguồn lực con người; thực hiện trước chủ trương xã hội hóa để tạo nguồn vốn, cùng với đó phát động các phong trào hiến đất làm đường, xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp… chủ động xây dựng các mô hình điểm kèm theo các tiêu chí”.
Đồng bào dân tộc thiểu số trồng rau xanh phát triển kinh tế nông hộ
Qua những việc làm sáng tạo trong xây dựng NTM, xã Chăn Nưa đã được công nhận là xã NTM, với đường nội bản, liên bản, nội đồng được nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100%; hệ thống thủy lợi được kiên cố 100%; thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người/năm, số lao động có việc làm thường xuyên chiếm 95,3%. Trạm y tế xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; 8/8 bản của xã được công nhận là bản văn hóa, trong đó, trên 85% hộ được công nhận gia đình văn hóa…
Năm 2011, tỉnh Lai Châu bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng NTM tại các xã với xuất phát điểm thấp như tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 605.000 đồng/người/tháng; bình quân tiêu chí NTM qua đánh giá toàn tỉnh đạt 2,68 tiêu chí/xã.
Trong công tác tuyên truyền vận động, Lai Châu xác định nông dân là chủ thể trong xây dựng NTM. Ngay từ những ngày đầu triển khai, các cấp, ngành ở Lai Châu đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Lai Châu đã tổ chức được gần 100 lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho hơn 6.275 lượt cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ cấp tỉnh đến cấp xã và thôn bản; xây dựng và in ấn 3.000 cuốn sổ tay về xây dựng NTM cùng trên 70.000 tờ rơi, pa nô và áp phích. Phát động các phong trào “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng NTM”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…
Qua 5 năm thực hiện, đến nay tỉnh Lai Châu đã triển khai xây dựng NTM tại 96 xã. Với sự nỗ lực quyết tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và nhân dân các dân tộc, Chương trình NTM đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhân dân trên địa bàn đã hiến trên 203.000 m2 đất; hơn 18.800 m3 cát, đá, sỏi…; tính đến hết tháng 6/2015, toàn tỉnh có 91/93 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, liên xã; 22/96 xã đạt tiêu chí giao thông; 38/93 xã có hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Bình quân tiêu chí chung toàn tỉnh đến hết năm 2015 đạt 11 tiêu chí/xã, tăng 8,12 tiêu chí so với năm 2011. Sơ kết 5 năm thực hiện xây dựng NTM, toàn tỉnh có 15 xã đạt 19 tiêu chí. Tổng nguồn vốn đầu tư gần 6.300 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo ở Lai Châu giảm còn 20,48%.
Nhân dân thị trấn Tân Uyên được hỗ trợ tiền sản xuất nông nghiệp đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng
Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Lai Châu cho biết: “Lai Châu phấn đấu đến năm 2020, có từ 45 xã trở lên đạt chuẩn NTM; tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp chính quyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát huy sức mạnh các đoàn thể xã hội ở nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng tập trung, cải thiện đời sống mọi mặt cho người nông dân; đồng thời chủ động lồng ghép và huy động tối đa các nguồn lực thực hiện xây dựng NTM theo phương châm dựa vào nội lực cộng đồng”.
Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM ở Lai Châu là những nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã, bản. Đặc biệt là tỉnh biết phát huy nội lực và đặt người dân làm chủ thể chính là những điều kiện quan trọng để góp phần thắng lợi trong xây dựng NTM giai đoạn vừa qua và những năm tiếp theo.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ quan trọng, đem đến cho người dân những quyền và lợi ích thiết thực với cuộc sống, phục vụ nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế. Đến thời điểm này, tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM ở Lai Châu đã có những bước tiến dài, đạt được lộ trình như đã định. Chương trình đã tạo sự chuyển biến rõ rệt và ngày càng hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý cũng như diện mạo vùng nông thôn miền núi./.
Mai Hoàng