Phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở huyện miền núi Đạ Tẻh

 6350 lượt xem
Đạ Tẻh là huyện nằm ở phía tây nam tỉnh Lâm Đồng, huyện có diện tích 523km2 và dân số là xấp xỉ 50.000 người. Huyện Đạ Tẻh nằm trên phần chuyển tiếp giữa cao nguyên Di Linh, Bảo Lộc với vùng Đông Nam Bộ. Huyện lỵ là thị trấn Đạ Tẻh nằm cách thị xã Bảo Lộc 45km về hướng tây và cách thị trấn Madagouil, huyện Đạ Huoai 15km về hướng bắc. 

  Là địa phương có địa bàn rộng, nhiều thành phần dân cư nên công tác dân vận phải thật sự bám sát địa bàn; tuyên truyền, vận động phải tuân thủ nguyên tắc: “Nói dân nghe, dân hiểu, dân đồng tình, ủng hộ”. Với quan điểm đó, Huyện ủy Đạ Tẻh đã chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, đoàn thể, chính quyền các cấp đi sâu vận động quần chúng hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” bằng những việc làm thiết thực, cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Thực hiện chủ trương phát huy nội lực để phát triển kinh tế - xã hội, huyện Đạ Tẻh đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhằm tập hợp và phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân. Kết quả từ năm 2011 đến nay trên địa bàn huyện đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình “Dân vận khéo” đang phát huy hiệu quả.

 Do đặc thù ở một địa phương, hầu hết hội viên đều khó khăn về vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, Chi hội phụ nữ thôn Hương Bình 2, xã Đạ Lây đã vận động chị em phụ nữ thành lập “Tổ hùn vốn” và “Tổ tiết kiệm” để cho nhau mượn vốn và tín chấp ngân hàng Chính sách Xã hội vay vốn với lãi suất ưu đãi, theo phương châm “Lá rách ít, đùm lá rách nhiều”. Với mục đích cao cả đó, hầu hết chị em phụ nữ trong chi hội đều nhiệt tình tham gia hoạt động của tổ, nên đến nay, trên địa bàn thôn Hương Bình 2 có 02 tổ hùn vốn gồm 21 hội viên, với số tiền mỗi hội viên đóng góp để cho nhau mượn không lấy lãi xoay vòng từ 3 triệu - 3,5 triệu đồng/tháng/hội viên. Chi hội cũng đã thành lập 04 tổ tiết kiệm “Nuôi heo đất giúp nhau thoát nghèo”, với số tiền đóng góp từ năm 2012 đến nay được trên 20 triệu đồng. Toàn bộ số tiền  từ heo đất đã được cho những hội viên đặc biệt khó khăn vay để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Qua đó đã có nhiều hội viên phụ nữ trong chi hội thoát được nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống, gắn bó trách nhiệm với tổ chức Hội Phụ nữ như chị Tình, chị Thảo, chị Sự... Từ hiệu quả thiết thực của các “Tổ hùn vốn”, “Tổ tiết kiệm” của Chi hội Hương Bình 2, hiện nay, Hội Phụ nữ xã Đạ Lây đã nhân rộng mô hình ra ở các Chi hội phụ nữ thôn Thanh Phước, Lộc Hòa, Liêm Phú và đang mở ra triển vọng trong việc góp phần giúp phụ nữ thoát nghèo, gắn bó nhiệt tình với công tác hội.
 
Mô hình “Dân vận khéo” vận động nhân dân đóng góp tiền, công sức làm đường giao thông nông thôn (GTNT) của Chi hội nông dân thôn 10, xã Đạ Kho cũng rất đáng chú ý. Xuất phát từ thực tế, địa bàn thôn trải rộng trên địa hình đồi núi, chia cắt, khó đi lại, Chi hội nông dân thôn 10, xã Đạ Kho đã trực tiếp đến với từng hội viên vận động tham gia xây dựng đường GTNT, theo phương châm “Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ”. Nhận thức đúng mục đích của việc xây dựng đường GTNT mang lại lợi ích trực tiếp cho bản thân, nên hầu hết các hội viên đều tích cực tham gia, ủng hộ vốn, ngày công lao động và hiến đất, hoa màu để làm đường. Ngoài những hội viên tích cực đóng góp theo phương châm “Năng lực đến đâu, đóng góp đến đó”, đã xuất hiện những gia đình tiêu biểu trong đóng góp sức người, sức của như các hội viên: Đỗ Văn Đoàn (đóng góp 42 triệu đồng); Nguyễn Văn Tốt, Nguyễn Văn Chứ, Quản Văn Ba, Lê Văn Liệp (mỗi hộ đóng góp 20 triệu đồng)... Nhờ vậy, trong  hơn 5 năm qua, trên địa bàn thôn đã có 10 đường GTNT với tổng chiều dài gần 5 km, do người dân đóng góp trên 600 triệu đồng, cùng hàng ngàn m2 đất, hàng trăm cây trồng, hàng ngàn ngày công trị giá hàng trăm triệu đồng đã được xây dựng hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng. Từ đó, phát huy cao hiệu quả trong đi lại, vận chuyển phân bón, vật tư để chăm sóc cây trồng, vật nuôi và tiêu thụ hàng hóa. Nhờ vậy, mô hình  của Chi hội nông dân thôn 10, xã Đạ Kho được xã, được huyện biểu dương, khen thưởng và nhân rộng trên địa bàn.
 
   Một cung đường giao thông ở huyện Đạ Tẻh
 
 
Thị trấn Đạ Tẻh hội tụ đông đúc dân cư, dẫn đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có những diễn biến phức tạp hơn so với các địa phương khác trong huyện. Vì vậy, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là một trong những nhiệm vụ cấp bách của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương. Nhận thức được điều đó, Chi hội nông dân Tổ dân phố 4, thị trấn Đạ Tẻh đã thành lập CLB “An toàn giao thông, phòng chống tội phạm”. Qua hơn 5 năm được thành lập, với sự tích cực hoạt động của các thành viên CLB bằng việc “Đi tận ngõ, gõ tận nhà” để vận động người dân chấp hành Luật An toàn giao thông như khi ra đường đội mũ xe máy, chấp hành đúng các quy định của Luật  Giao thông đường bộ, đăng ký tạm trú, tạm vắng, các thành viên trong gia đình xây dựng nếp sống văn hóa, chấp hành đúng các quy định của pháp luật, của địa phương... Nhờ vậy, những năm qua, Tổ dân phố 4, thị trấn Đạ Tẻh luôn được công nhận là khu dân cư văn hóa, với nhiều “không”: Không cờ bạc; không tệ nạn xã hội; không mất an toàn giao thông; không hủ tục lạc hậu; không khiếu kiện đông người, vượt cấp; không xích mích, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân...
 
Từ những mô hình “Dân vận khéo” nói trên đã xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân điển hình trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở huyện Đạ Tẻh. Một trong những điển hình như vậy là bà Đàm Thị Hới ở xã Quốc Oai,  bà được biết đến là người phụ nữ thành đạt nhờ đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và có tấm lòng vàng. Bà  đã tập trung  thâm canh đúng kỹ thuật 1.100 trụ tiêu, 100 cây sầu riêng “cơm vàng hạt lép”, 0,3 ha cà phê và nhiều con bò cái sinh sản, hàng năm mang lại cho gia đình bà nguồn thu nhập trên 500 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập này, không những bà có điều kiện thâm canh chiều sâu, mở rộng quy mô sản xuất, mà còn có điều kiện để hỗ trợ giống hồ tiêu, cho mượn vốn không lấy lãi đối với những hộ gia đình còn gặp khó khăn trong thôn, trong xã, giúp họ vươn lên thoát nghèo.
 
Cùng với đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận. Qua phong trào, không chỉ có cán bộ, đảng viên nêu cao ý thức trách nhiệm xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, mà cả người dân cũng nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng vững mạnh. Đặc biệt, người dân đã cùng với mặt trận, đoàn thể tích cực tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần làm lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Vì vậy, hiện nay, các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể của huyện Đạ Tẻh đạt trong sạch vững mạnh ngày càng nhiều và thực chất, bền vững hơn. Từ đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
 
Thanh Mai
 
 
Ý kiến của bạn