Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lan tỏa mạnh mẽ

 10036 lượt xem
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến nay đã thực sự trở thành phong trào văn hóa lớn, có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. 

  Phong trào đã thực sự phát huy tiềm năng và huy động sức mạnh tổng hợp của mọi người dân vào việc xây dựng tỉnh ngày càng phát triển; làm khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tạo nên mối quan hệ gắn bó cộng đồng ở các khu dân cư, cùng quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống; làm cho người dân ngày càng ý thức và tự giác trong việc đóng góp trách nhiệm, nghĩa vụ với Nhà nước ở địa phương, sẵn sàng san sẻ, trợ giúp các trường hợp khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống. 

Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tác động tích cực tới các phong trào thi đua yêu nước ở từng đơn vị, địa phương trong tỉnh. Từ phong trào này đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, hoạt động đoàn thể. Nhiều di sản văn hoá được bảo tồn, phát triển, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân ở các địa phương.  Bên cạnh đó, hệ thống chính trị ở cơ sở, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và mở rộng, tạo mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền, các đoàn thể với nhân dân và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng. Phong trào cũng đã có tác dụng trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức, lối sống, làm cho mỗi cán bộ, công chức ngày càng nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến dân.
Xác định phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có tác động động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng thiết chế văn hóa và chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh... Nhiều làng quê đã thực sự khởi sắc, tạo tiền đề quan trọng cho việc đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng nếp sống văn hóa mới được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhiều công trình ra đời từ sự đóng góp tiền của, công sức của nhân dân, góp phần làm cho bức tranh nông thôn ở các miền quê ngày càng khởi sắc.
Xác định gia đình là tế bào, là thiết chế xã hội bền vững để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, toàn tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá. Từ đó, các chuẩn mực đạo đức về gia đình truyền thống được gìn giữ, tình làng nghĩa xóm trên các khu dân cư được củng cố, phát huy góp phần bảo vệ truyền thống văn hoá tốt đẹp của quê hương. Không ít gia đình đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, công sức xây dựng nhà văn hoá, làm đường, xây dựng trường học... và tích cực tham gia vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương.  Năm 2015, toàn tỉnh có 180.021/224.892 hộ được công nhận là gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 80%. Hầu hết các gia đình đã đóng góp tích cực vào công tác khuyến học, khuyến tài của dòng họ, địa phương, từ đó gắn kết giữa giáo dục gia đình với giáo dục ở nhà trường, xã hội.
 
 
 
Hoạt động của các đội nghệ thuật quần chúng đã tạo nên nhiều dấu ấn trong các liên hoan, chương trình biểu diễn nghệ thuật của tỉnh
 
Phong trào xây dựng làng văn hóa đã có những chuyển biến rõ rệt, thu hút được sự quan tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 850 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa. Tại các địa phương, nhân dân đã đóng góp tiền của, công sức để xây dựng nhà văn hoá thôn, sân thể thao, trùng tu, tôn tạo các di tích văn hoá, lịch sử. Hệ thống nhà văn hoá ở các địa phương đã phát huy tác dụng trong trong việc tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ... góp phần bảo tồn vốn văn hoá truyền thống độc đáo, đa dạng của từng vùng, miền trong tỉnh. Các địa phương còn chú trọng tổ chức hội nghị biểu dương, trao thưởng cho các gia đình văn hoá, làng văn hoá tiêu biểu. Từ việc làm này đã kịp thời động viên, khích lệ những điển hình tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy phong trào phát triển toàn diện.
Phong trào văn hoá, văn nghệ, phát triển rộng khắp, tạo điều kiện cho người dân có những sân chơi lành mạnh, bổ ích. Hầu hết các địa phương đều thành lập những đội văn nghệ, thể thao, trong đó quan tâm đến việc xây dựng các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống để giữ gìn và truyền dạy các tinh hoa văn hoá của làng quê. Nổi bật là xã Quảng Phương (Quảng Trạch) với Câu lạc bộ ca trù làng Đông Dương; xã Nhân Trạch (Bố Trạch) với việc xây dựng và phát triển đội văn nghệ truyền thống...
Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã có bước phát triển mới về chất lượng, tỷ lệ người tham gia luyện tập thể thao ở các xã phường, thị trấn tăng dần hàng năm.  Những năm gần đây, nhiều bộ môn thể dục có tính chuyên nghiệp cao như aerobic, yoga, câu lạc bộ thể hình cũng được người dân ở các độ tuổi tham gia khá đông, nhất là ở khu vực thành thị như thành phố Đồng Hới, các trung tâm huyện lỵ trong tỉnh, từng bước đa dạng hoá các loại hình tập luyện thể thao ở các địa phương.
Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thực sự trở thành động lực thi đua của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên tất cả các lĩnh vực, Ban chỉ đạo phong trào từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của phong trào một cách cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị. Hầu hết các huyện, thành phố, thị xã đều củng cố ban chỉ đạo, ban hành quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cho từng thành viên, tổ chức kiểm tra đánh giá chất lượng phong trào giai đoạn 2014 - 2015, định hướng đến năm 2020. Công tác triển khai thực hiện phong trào luôn có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ban, ngành, thành viên ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở.
Điều đáng ghi nhận là các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt việc lồng ghép thực hiện các nội dung của phong trào với nhiệm vụ chuyên môn. Nổi bật là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh với việc phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng hàng trăm điểm sáng về chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”;  Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lồng ghép việc đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với các phong trào thi đua, cuộc vận động lớn trong quân đội.
Thành quả của việc triển khai đồng bộ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là đã tạo được sức lan tỏa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh. Kết quả đó không chỉ đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn tạo sự “gắn kết” các gia đình, dòng họ, tôn giáo trong cộng đồng, tạo động lực thúc đẩy người dân thi đua lao động, sản xuất và đó cũng là tiền đề vững chắc để các địa phương tiếp tục gặt hái những thành tựu mới tươi đẹp hơn trong thời gian tới./.
Mai Hoàng
 
 
Ý kiến của bạn