Anh Bàn Thừa Hưng, dân tộc Dao, Bản La Háo Tành, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái là tấm gương điển hình về quyết tâm đẩy lùi đói nghèo.
Anh Bàn Thừa Hưng đang xát thóc cho bà con trong bản.
Gia đình anh Hưng có 6 người, với ba thế hệ cùng chung sống đầm ấm dưới một mái nhà. Trước kia do đông con lại không biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nên gia đình anh được xếp vào danh sách hộ nghèo của bản, hoàn cảnh khó khăn cơm không đủ ăn phải lo từng bữa, có những đợt đói cả tháng không đủ gạo phải ăn độn sắn với ngô.
Nhiều lúc anh nghĩ gia đình mình cũng trồng trọt, chăn nuôi mà sao không bằng người ta, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Trăn trở, anh đã tìm tòi, học hỏi những kiến thức trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài việc tích cực khai hoang thêm ruộng bậc thang, đất trồng ngô, sắn, anh còn kết hợp trồng cây chè shan, quế quyết dựa vào đất rừng để làm giàu.
Nhờ quyết tâm cộng với sự cần chịu khó của mình, sau 5 năm, gia đình anh đã có của ăn của để và thoát khỏi đói nghèo. Giờ đây mỗi năm từ cây chè shan thu trên 10 triệu đồng, ruộng lúa bậc thang, nương đồi thu được trên 4 tấn thóc, 4 đến 5 tấn ngô sắn... Trong chuồng nhà anh Hưng lúc nào cũng có hơn ba chục đầu lợn to nhỏ, đàn trâu tăng lên gần 20 con.
Mỗi năm gia đình anh thu về hơn 100 triệu đồng từ trồng trọt và chăn nuôi trở thành điển hình của Bản La Háo Tành xã Nậm Mười trong phong trào xóa đói giảm nghèo.
Có tiền, anh Hưng không chỉ lo được cuộc sống cho gia đình, mà còn mua được máy xay xát, máy tuốt lúa vừa phục vụ gia đình, vừa giúp bà con trong bản. Cứ đến mùa vụ người trong bản không có trâu làm lại đến nhà anh mượn trâu về cày ruộng. Anh xát thóc hay tuốt lúa giúp bà con nghèo thường không lấy tiền mà bà con sau này bà con tự tính tiền công rồi đến làm đổi công khi nhà anh có việc...
Kinh tế phát triển, anh Hưng đã mua được xe máy, ti vi và những vật dụng cần thiết cho gia đình, con cái được đến trường đi học. Anh Bàn Kim Thắng phó chủ tịch xã Nậm Mười cho biết: “Anh Bàn Thừa Hưng là điển hình của xã về tấm gương vượt khó làm giàu từ kinh tế vườn rừng và chăn nuôi, tiến tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình vườn rừng kết hợp với chăn nuôi cho bà con toàn xã học tập”.