Nhờ đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau xóa nghèo và làm giàu, đến nay, toàn tỉnh đã có hàng ngàn hộ dân có điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó có nhiều hộ mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng…
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Đủ, để phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau xóa nghèo và làm giàu đạt hiệu quả cao, hàng năm ngoài hỗ trợ vốn cho bà con từ nguồn quỹ giải quyết việc làm của Trung ương Hội, các cấp Hội còn làm cầu nối cho người dân tiếp cận vốn từ Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn phối hợp với các ban ngành có liên quan tổ chức hàng trăm đợt tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, dạy nghề, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo đầu bờ… cho hàng chục ngàn nông dân tham gia. Đồng thời lựa chọn những mô hình mới, các loại giống cây, con có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao đưa vào sản xuất phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương, góp phần làm cho nhiều gia đình có cơ hội làm ăn vươn lên thoát nghèo.
Gần 10 năm trước, gia đình ông Đặng Ngọc Lý ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) thuộc diện khó khăn của địa phương. Nhờ thông qua Hội Nông dân xã Hòa Phong, ông Lý được vay 10 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Mượn thêm 20 triệu đồng từ người thân, vợ chồng ông đầu tư nuôi heo và bò sinh sản. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, sau mỗi năm thu nhập từ tiền nuôi heo, ông thuê thêm đất của người dân để mở rộng chuồng trại, chăn nuôi heo, bò, gà. Ông Lý cho biết: “Tôi tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, thú y do Hội Nông dân tổ chức và áp dụng vào thực tế, nhờ đó đến nay đã có 7 con bò sinh sản, 20 con heo nái, 150 con heo thịt và 2.000 con gà thương phẩm. Mỗi năm thu nhập trên 700 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cũng kiếm trên 300 triệu đồng”.
Gia đình ông Đào Văn Toàn ở thôn Vân Hòa, xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) cũng từ nghèo khó vươn lên thoát nghèo. Sống ở vùng đất này hơn 20 năm nên vợ chồng ông Toàn có điều kiện khai hoang đất để trồng mía, sắn. Qua nhiều năm chí thú làm ăn, hiện ông sở hữu 5ha. Năm 2011, với số tiền dành dụm được, ông mượn thêm vốn từ người thân, bạn bè và quyết định chuyển đổi 2 sào đất sang trồng 100 gốc hồ tiêu. Từ 100 gốc tiêu ban đầu, hiện ông đã có 2.400 gốc hồ tiêu đang đến tuổi thu hoạch. Ông khoe: “Năm 2014, tôi thu bói từ 1.200 gốc hồ tiêu trồng 3 năm được 3 tấn tiêu khô, bán được 400 triệu đồng. Trong niên vụ tiêu 2015-2016, thu hoạch hơn 5 tấn tiêu khô, kiếm 800 triệu đồng. Bây giờ nhà tôi không những thoát nghèo mà còn có điều kiện mua sắm các vật dụng tiện nghi và nuôi các con ăn học”.
Được các cấp Hội tạo điều kiện, hỗ trợ, nhiều hội viên, nông dân có điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo nên nhiều hộ dân luôn đặt niềm tin vào tổ chức Hội. Nhờ đó, mỗi khi Hội Nông dân phát động các phong trào đều được các hội viên, nông dân hưởng ứng tích cực. Ví như trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, người dân không chỉ đóng góp tiền, công, hiến cây xanh… để làm đường bê tông mà còn hiến cả ngàn mét đất để địa phương xây dựng các công trình công cộng. Ông Ksor Y Hin ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) là một điển hình như vậy. Năm 2014, trước tình trạng thầy và trò Trường THCS Ea Bar thiếu chỗ dạy và học, thông qua vận động của tổ chức Hội và địa phương, vợ chồng Y Hin tự nguyện hiến 6.700m2 đất để xây dựng trường cho học sinh. Nhờ đó đến nay, thầy và trò có được ngôi trường 2 tầng kiên cố để dạy và học. Ksor Y Hin nói: “Để cho lớp trẻ quê mình có nơi học tập, có con chữ thoát nghèo thì mình hiến bao nhiêu đó cũng chẳng ăn thua gì. Vợ chồng mình cảm thấy rất vui mỗi khi nhìn các cháu chạy nhảy vui đùa dưới ngôi trường mới”.
Không chỉ hộ Ksor Y Hin, hiện toàn tỉnh đã có hàng trăm hộ dân tự nguyện hiến đất, góp công để địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho làng quê ngày càng xanh, sạch, đẹp, khang trang. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lê Đủ cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh đã có hàng chục ngàn hộ dân tham gia đóng góp trên 316 tỉ đồng, hơn 503.483 ngày công, hiến 314.486m2 đất để thực hiện hơn 1.513km đường bê tông, tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn của tỉnh và được Trung ương đánh giá cao”. Theo ông Lê Đủ, thời gian tới, Hội tiếp tục duy trì phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Trong đó chú trọng đến các vấn đề giải quyết việc làm, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cây, con, giống, khoa học kỹ thuật để nhà nhà làm ăn có hiệu quả, làm sao ngày càng tăng hộ giàu, khá, giảm hộ nghèo.
Minh Hà