Xây dựng nông thôn mới làm tiền đề cho phát triển “tam nông”

 6844 lượt xem
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chiến lược, đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung nỗ lực của Nhà nước và nhân dân để giải quyết những vấn đề cấp bách, đồng thời tạo ra tiền đề cho những giai đoạn tiếp theo. Phú Thọ cũng như các địa phương khác trong cả nước đang kỳ vọng công cuộc xây dựng NTM nhằm kiến thiết nông thôn, để cuộc sống của người dân nông thôn và bộ mặt nông thôn ngày càng giàu đẹp hơn. Từ đây, hứa hẹn tạo sức bật mạnh mẽ, làm tiền đề cho phát triển “tam nông” bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

 Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng ở Hạ Hòa đã được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho người dân lưu thông, góp phần xây dựng nông thôn mới của địa phương

 
Về bất cứ vùng nông thôn nào của Phú Thọ cũng như cả nước, không khí xây dựng NTM đã len lỏi vào từng thôn, bản, từng hộ gia đình. Nhiều công trình từ sức dân đã và đang hình thành ngày càng nhiều, bởi từ khi có chủ trương xây dựng NTM đến nay, chính quyền các cấp cùng với người dân đã và đang bắt tay kiến thiết lại nông thôn. Đại công trường xây dựng NTM được khởi động mạnh mẽ trên quê hương Đất Tổ và sau 5 năm, nhiều thành quả của xây dựng NTM được xác lập. Giai đoạn 2011-2015 đã huy động được gần 6.000 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn để tập trung cho xây dựng các tiêu chí của NTM. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 1 huyện là Lâm Thao đạt chuẩn NTM; 19 xã đạt chuẩn NTM; 89 xã đạt từ 10-14 tiêu chí đặc biệt không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí NTM.
Mấy năm trước, cái tên Trung Sơn gợi cho chúng tôi nghĩ về một vùng đất xa xôi, khó khăn của huyện Yên Lập bởi vào được với bà con thôn, bản vùng cao này phải đi bộ mất cả ngày trời từ trung tâm huyện và con đường độc đạo vào xã là đường mòn men theo rìa núi. Thế nhưng mới gần đây, quay trở lại Trung Sơn tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi ô tô đã vào được đến tận trung tâm xã và đồng bào ở khe Bóp, khe Nhồi... đã có xe máy chạy bon bon. Chủ tịch UBND xã Đinh Ngọc Trai phấn khởi: Để có được hạ tầng như hiện nay, bên cạnh sự ủng hộ của Nhà nước là tinh thần đồng sức đồng lòng của người dân trong xã. Nhiều gia đình đã bỏ ra hàng chục công lao động để phá núi, dọn đường. Chính vì có sự tham gia của sức dân như vậy mà những con đường "ý Đảng, lòng dân" nhanh chóng được mở. Là người gắn bó với người dân nhất, anh Trai chia sẻ: “Nơi nào đường càng khó đi, vận động người dân làm đường, xây cầu càng dễ. Bởi những công trình này rất thiết thực đối với đời sống của bà con. Nhưng phần lớn nông dân còn nghèo nên có gì góp nấy chủ yếu là ngày công lao động. Làm việc với nông dân, nói phải đi đôi với làm, phải cụ thể, minh bạch trong tài chính dù chỉ vài chục ngàn đồng. Có làm được điều này thì mới mong nông dân tin tưởng, ủng hộ và làm theo...”. Xã Trung Sơn có 100% hộ dân sinh sống nhờ vào nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người hằng nằm đạt rất thấp, tuy nhiên người dân xã Trung Sơn luôn ý thức trong việc đóng góp tiền, đất đai, hoa màu, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa... “Tất cả công việc liên quan đến quyền lợi của người dân phải có sự bàn bạc, thống nhất trong nội bộ Đảng, chính quyền và đoàn thể. Đặc biệt, làm gì cũng phải suy tính thiệt hơn, tận dụng triệt để những gì dân đóng góp để phục vụ lại cho dân với tinh thần tiết kiệm thì dân mới tin và sẵn sàng ủng hộ”, anh Trai khẳng định. Chính vì lẽ đó, điều thực sự đáng mừng đó là từ một xã khó khăn bậc nhất của tỉnh mà đến năm 2015, Trung Sơn đã đạt 5 tiêu chí trong xây dựng NTM và mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 8 tiêu chí.
Không riêng gì các địa phương vùng cao người dân mới hồ hởi với việc mở đường mà hầu hết ở các xã trung du hoặc đồng bằng với rất nhiều câu chuyện người dân hiến đất làm đường khiến chúng tôi cảm phục. Như vậy để thấy, công tác tuyên truyền về công cuộc xây dựng NTM đã thấm vào từng suy nghĩ, ý thức và hành động của người dân, tạo được sự đồng thuận giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc chung tay xây dựng NTM ở quê hương. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020, có 124 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM (trong đó có ít nhất 57 xã đạt chuẩn); không có xã đạt dưới 8 tiêu chí; thêm 1 huyện là Thanh Thủy đạt chuẩn huyện NTM. Đây không phải là mục tiêu dễ thực hiện vì vậy cần có những giải pháp đồng bộ và được triển khai thông suốt từ cơ sở.
Tôi vẫn còn nhớ, những ngày đầu triển khai xây dựng NTM, đồng chí Bí thư Huyện ủy Đoan Hùng ngày đó là anh Nguyễn Thanh Hải khi trao đổi với chúng tôi khẳng định: Muốn thực hiện thành công xây dựng NTM, cần có quyết tâm cao trong Đảng và toàn xã hội, trong đó cần phải coi trọng yếu tố "nhân hòa". Đến nay, với cương vị là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, anh Hải vẫn giữ nguyên quan điểm: Trong công cuộc xây dựng NTM, nông dân là chủ thể. Vai trò này thể hiện trong việc: Tham gia ý kiến vào đề án và bản đồ quy hoạch NTM cấp xã; tham gia vào lựa chọn những công việc gì cần làm trước, cần làm sau để thiết thực với yêu cầu của người dân trong xã và phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương. Ngoài ra, nông dân có quyền quyết định mức đóng góp các công trình công cộng của thôn, xã; cử đại diện (Ban giám sát) để tham gia quản lý và giám sát các công trình xây dựng của xã... Những câu chuyện về người dân hiến đất làm đường, đóng góp tiền của và công lao động để xây dựng những công trình hạ tầng, làm thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn là minh chứng rõ nét nhất thể hiện vị trí chủ thể, nòng cốt của người dân. Thực tế thời gian qua, các địa phương trong vùng đã làm tốt việc phát huy nguồn lực nông dân để xây dựng và phát triển nông thôn, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, vấn đề quan trọng đặc biệt hiện nay, các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể, nhất là cấp xã phải tăng cường mạnh mẽ công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là những đầu tàu trong phong trào này. Có như vậy mới tạo sự chuyển biến sâu sắc đến đại bộ phận người dân; mới vận động, khuyến khích người dân tham gia theo đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân thực hiện” trong quá trình xây dựng NTM.
Một giải pháp có tính chất động lực là vốn đầu tư. Chúng ta đã và đang xây dựng NTM theo tiêu chí, theo lộ trình, là một chương trình phát triển tổng hợp bền vững về kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị, xã hội trong điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thấp kém nên cần huy động một nguồn lực rất lớn (bình quân một xã cần gần 200 tỷ đồng) do đó phải huy động 5 nguồn chính đó là: Đóng góp của cộng đồng dân cư, vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, vốn tài trợ; trong đó coi trọng nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ tư nhân nên khuyến khích họ đầu tư vào các công trình công cộng có thu phí để thu hồi vốn như: Chợ, công trình cấp nước sinh hoạt cho cụm dân cư, điện, thu dọn và chôn lấp rác thải, cầu nhỏ, bến đò, bến phà, các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến nông sản... ngoài ra nhà nước nên thực hiện phương pháp kích cầu chẳng hạn như cộng đồng thôn bản xây nhà văn hóa, trang thiết bị Nhà nước hỗ trợ; nguồn đóng góp 10% nên chủ yếu bằng ngày công, vật tư... Nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn từ ngân sách địa phương nên tập trung đầu tư cho những mục tiêu trọng tâm và những hạng mục công trình lớn để làm thay đổi hạ tầng kinh tế - xã hội, nền tảng của CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Viện trưởng Viện KHKT nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc: Xây dựng NTM là cách làm khoa học, là bước đi hợp lý nhằm thực hiện Nghị quyết của Đảng về “tam nông” có hiệu quả thiết thực hơn, đưa nông thôn lên bước phát triển mới.
Xin được kết lại bài viết bằng quan điểm của Tân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời báo chí bên lề Quốc hội kỳ họp vừa rồi khi được hỏi về kế hoạch hành động ngay sau khi nhận nhiệm vụ. Bộ trưởng thẳng thắn: Cần tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng từng bước khắc phục ba thách thức, một là hộ nhỏ lẻ manh mún, hai là biến đổi khí hậu, ba là vấn đề hội nhập; bên cạnh đó là triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Trong 5 năm qua chúng ta đã có được một kết quả rất tốt, 22% số xã đã đạt 19 tiêu chí NTM. Nhưng tôi cho rằng đây mới chỉ là kết quả bước đầu vì trong 22% số xã đạt 19 tiêu chí thì vẫn còn có những tiêu chí rất bản chất như thúc đẩy sản xuất, vấn đề môi trường, an sinh xã hội... còn chưa bền vững. Đồng thời, khu vực còn lại là 78% số xã, thì phần này lại là những xã hết sức khó khăn, đa phần là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi. Chúng ta cần phải tập trung vào đó để làm sao nông nghiệp, nông dân ta phát triển, để cho vùng sâu vùng xa ngày càng không có khoảng loãng so với đồng bằng.
Hy vọng, với quan điểm và tâm huyết của một "vị tư lệnh mới", nhiều mô hình NTM tiêu biểu đã có ở các địa phương được nhân rộng và trở thành kiểu mẫu giúp các địa phương có cái nhìn toàn diện, tổng thể về xây dựng NTM, góp phần vào thực hiện thành công sự nghiệp CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn./.
 
Thanh Lan
 
 
 
 
Ý kiến của bạn