Nông dân làm giàu từ mô hình trồng cây Mãng cầu

 3935 lượt xem
Đối với đất nhiễm phèn ở vùng ĐBSCL, việc lựa chọn cây trồng thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao là điều không dễ, càng khó khăn hơn khi vùng đất này gần đây lại đối diện với hạn, mặn khốc liệt. 

 Vậy mà tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có một nông dân qua tìm tòi, nghiên cứu đã trồng thành công cây mãng cầu xiêm bằng hạt trên đất nhiễm phèn. Mô hình này mang lại thu nhập khá cao và được nông dân địa phương học hỏi, làm theo.

 Chuyện trồng mãng cầu xiêm trên vùng đất phèn đã có nhiều nông dân ở vùng ĐBSCL thực hiện, nhưng lâu nay mọi người chỉ quen ghép nhánh mãng cầu xiêm trên gốc bình bát. Riêng ông Võ Văn Phải, ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp  thì ươm hẳn hạt mãng cầu xiêm cho lên cây rồi đem trồng.
Ông Phải tâm sự, vùng đất quê ông bị nhiễm phèn nặng, trước đây chỉ trồng được mía và một vụ lúa nhưng cho thu nhập không cao. Gia đình ông có đến 10 công đất trồng mía nhưng đến lúc sắp thu hoạch thì lũ tràn về ngập gốc làm giảm năng suất, chất lượng, rồi bị thương lái ép giá nên năm nào cũng thua lỗ.
Cách nay hơn 7 năm, ông mạnh dạn phá một phần mía, lên bờ rồi ươm hạt mãng cầu xiêm trồng trên 5 công đất. Không ngờ 2 năm, cây mãng cầu xiêm đã cho trái. Với giá bán từ 18.000 – 30.000 đồng/kg, tính ra mỗi năm ông có thu nhập từ 450 triệu đến gần 600 triệu đồng/5 công mãng cầu. Theo ông Phải do đây là vùng đất phèn nặng nên phải giảm được độ phèn thì cây mãng cầu mới phát triển tốt.
“Đầu vụ và cuối vụ tôi tưới vôi cũng các loại thuốc giảm phèn vào đất nên mãng cầu sinh trưởng và phát triển rất tốt. Tỷ lệ pha trộn được nghiên cứu và tìm ra trong quá trình trồng mãng cầu nhiều năm, nhưng quan trọng là tuân theo định hướng của các nhà khoa học đã từng nói rất nhiều”, ông Phải chia sẻ.
Cũng theo ông Phải, mãng cầu xiêm thường cho trái 2 vụ. Vụ thuận vào mùa nắng và vụ nghịch vào mùa mưa. Tuy nhiên, để mãng cầu tự thụ phấn sẽ cho trái rất ít. Do vậy, qua thời gian nghiên cứu, học hỏi, ông Phải đã tìm ra bí quyết để thụ phấn cho cây mãng cầu ra trái nhiều và quanh năm. Nhờ phương pháp này mà vườn mãng cầu của ông cho năng suất khá cao. Cây mãng cầu 2 năm tuổi đạt từ 100 - 120kg/ cây, những cây lâu năm hơn có thể đạt hơn 200kg/cây/năm.
“Khi mãng cầu ra hoa, vào buổi chiều cần phải hái hoa mãng cầu cái và phơi trong 8 giờ cho hoa bung nhụy, sau đó trút nhụy hoa vào ly thủy tinh cho vào tủ lạnh để ở ngăn mát. Khoảng  8 - 9 giờ sáng kiểm tra xem thấy nhụy có nước nhô lên thì chấm phấn vào nụ thì mãng cầu sẽ đậu quả. Cách khác đơn giản hơn là lắc bông mãng cầu cho nhụy và phấn rơi vào đáy hoa mãng cầu mới đậu quả”, ông Phải chia sẻ bí quyết.
Từ mô hình trồng mãng cầu xiêm bằng hạt cho thu nhập cao của ông Võ Văn Phải, nhiều nông dân đã cải tạo vườn tạp học hỏi trồng theo. Hiện toàn huyện Phụng Hiệp đã có gần 100 ha trồng mãng cầu xiêm bằng hạt, trong đó riêng xã Hòa Mỹ đã chiếm gần 50 ha.
Tại xã Hòa Mỹ cũng đã thành lập Tổ Hợp tác làm vườn xã Mỹ Phú A với 48 thành viên chuyên trồng mãng cầu xiêm bằng hạt. Tổ hợp tác bên cạnh việc học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng. Các thành viên còn cùng nhau nghiên cứu đề ra những cách thức để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là việc cải tạo những ao, mương trong vườn mãng cầu để tích nước trong mùa mưa phòng khi hạn, mặn xảy ra có được nguồn nước tưới tiêu.
Ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp cho biết, khi thành lập tổ hợp tác, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Riêng hội nông dân tới đây sẽ kết hợp với ngành khuyến nông để mở lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp cho bà con am hiểu kỹ thuật về trồng mãng cầu.
Cũng theo ông Hùng, hiện tại các thành viên Tổ Hợp tác làm vườn xã Mỹ Phú A đang cắt lá, tuyển cành, xử lý cho mãng cầu xiêm ra hoa để cung cấp trái phục vụ thị trường Tết Đinh Dậu 2017. Trái mãng cầu thường được người dân chọn chưng trong mâm ngũ quả nên vào dịp Tết rất hút hàng và có giá cao./.
Nhật Minh
 
 
Ý kiến của bạn