Đi đầu trong phong trào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế còn tích cực với phong trào ở cơ sở, hiện nay anh Nguyễn Đình Phong đang được bà con trong vùng tín nhiệm bầu là Tiểu khu trưởng tiểu khu bản Ôn.
Năm 1998, anh Nguyễn Đình Phong khi đó còn rất trẻ đã cùng gia đình thử nghiệm trồng mận hậu. Từ 200 gốc mận ban đầu được trồng trong kiện đất đồi rộng, thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ, cây mận của gia đình phát triển tốt, sau này nhà anh Phong đã có hơn 500 gốc mận.
Tận dụng đất đồi của gia đình, anh Nguyễn Đình Phong ở tiểu khu bản Ôn, thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển cây mận hậu và cây cam. Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trang trại cây ăn quả của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều hộ dân trong vùng học tập và làm theo.
Cùng với cách trồng, chăm sóc truyền thống là chọn cây tốt nhất, chiết ghép, lại tạo giống, bón phân định kỳ, sau 5 năm hàng trăm cây mận hậu đã bói quả và cho thu hoạch. Được hỗ trợ từ dự án cắt tỉa, tạo tán làm trẻ hóa cây mận, đồi mận của gia đình anh Phòng càng cho chất lượng tốt hơn. Với sản lượng bình quân 30 tấn mận/năm, gia đình anh Phong thu được từ 300 - 350 triệu đồng/năm.
“Cây mận rất phù hợp với khí hậu của Mộc Châu nói chung và tiểu khu bản Ôn. Rất may mắn, tiểu khu được hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho bà con cắt, tỉa, tạo tán cành để cho cây mận trẻ lâu, không vươn cao. Hiện nay, tiểu khu bản Ôn được coi là một trong những khu có chất lượng mận tốt nhất trong huyện Mộc Châu”, anh Phong cho biết.
Nhận thấy cây mận chỉ cho thu hoạch 1 vụ/năm, trong khi đồi đất vẫn còn, cách đây 5 năm, anh Nguyễn Đình Phong lại bàn gia đình vay thêm vốn từ Quỹ tín dụng thị trấn nông trường Mộc Châu đầu tư trồng cây cam canh giống Hưng Yên.
Thử nghiệm cho thấy, giống cam này phù hợp điều kiện, khí hậu trong khu vực, gia đình anh tiếp tục trồng nhân rộng và đến nay đã có 1.000 gốc cam canh. Vụ thu hoạch cam đầu tiên vào cuối năm ngoái, gia đình anh thu 4 tấn cam canh, trị giá gần 100 triệu đồng. Nguồn thu từ trồng mận, cam, kết hợp trồng ngô, chăn nuôi, gia đình anh Phong đã trở thành hộ khá trong vùng.
“Nếu chỉ trông chờ vào cây mận, mỗi năm gia đình chỉ thu được 1 vụ. Trong khi đó, nghiên cứu thấy cây cam canh lại cho thu hoạch vào cuối năm, khá phù hợp với thổ nhưỡng tại tiểu khu bản Ôn. Từ đó gia đình đã đưa cam canh về trồng ngoài diện tích mận. Vừa trồng vừa học hỏi từ các vùng trồng cam khác như Cao Phong, Hưng Yên”, anh Phong cho biết thêm.
Nhiều gia đình ở tiểu khu bản Ôn thấy anh Phong trồng mận, cam có hiệu quả kinh tế cũng học tập làm theo và thoát nghèo. Như gia đình chị Nguyễn Thị Nhung trồng 1 ha mận, cam, kết hợp thu mua nông sản, mỗi năm có thu khoảng 300 triệu đồng. Chị Nhung cho biết, không chỉ giúp cây giống, anh Nguyễn Đình Phong còn thường xuyên hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cho cây trồng từ kinh nghiệm của mình.
“Anh Phong là người nhiệt tình, hết sức vì công việc, đi đầu trong phát triển kinh tế trong bản. Anh còn là người gần gũi với bà con, hướng dẫn cho bà con làm theo rất có hiệu quả”, chị Nhung cho biết.
Nhật Minh