Xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Ninh Bình

 6390 lượt xem
Qua hơn 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn tỉnh Ninh Bình đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng kiên cố, đời sống của người dân từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, tại các xã miền núi đặc biệt khó khăn, việc xây dựng nông thôn mới vẫn còn là bài toán khó vì mức hoàn thành các tiêu chí còn thấp so với mức bình quân chung của cả tỉnh. Do vậy, trong thời gian tới cần có những giải pháp thích hợp để thúc đẩy việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại các địa phương này. 

 

Con đường trục chính dẫn vào xã Cúc Phương (Nho Quan) đã xuống cấp nghiêm trọng

Theo quy định của Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM, thu nhập bình quân đầu người/năm của người dân nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng năm 2015 là 26 triệu đồng và đến năm 2020 phải đạt từ 38 - 40 triệu đồng. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất của người dân khu vực miền núi còn lạc hậu, diện tích đất canh tác của bà con ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất nên để có mức thu nhập như trên là một vấn đề nan giải.
Ở xã Cúc Phương (Nho Quan), từ các nguồn vốn lồng ghép, xã đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ sản xuất cho người dân. Các mô hình nuôi bò sinh sản, trồng cỏ VA06, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế đồi rừng… đã phát huy được hiệu quả tốt, góp phần hỗ trợ sinh kế cho người dân. 
Ngoài ra, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác giảm nghèo… cũng được triển khai khá đồng bộ. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của Cúc Phương đã giảm dần qua các năm, từ 40% năm 2005 xuống còn 13,41% năm 2010, năm 2014, 2015 còn khoảng 11%. 
Tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn khá cao so với bình quân chung của tỉnh và thực tế kết quả giảm nghèo chưa bền vững, do số hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo hàng năm còn cao. Đặc biệt, bước sang năm 2016, khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo của xã Cúc Phương đã tăng lên 17,2%.
Thôn Đồng Bót, một trong những thôn khó khăn nhất của xã Cúc Phương không có nghề phụ; trồng trọt, chăn nuôi gặp nhiều bất lợi do đất xấu, thiếu hệ thống thủy lợi, đặc biệt mấy năm gần đây biến đổi khí hậu, thiên tai hạn hán thường xuyên xảy ra nên người dân nghèo là chuyện dễ hiểu. Ông Đinh Văn Thơi, một nông dân ở đây giãi bày: Nhà tôi có hơn 3.000 m2 đất, vụ xuân thì trồng ngô, trồng lạc còn vụ mùa thì cấy lúa nhưng cái khó ở đây là sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời. Năm nào mưa thuận gió hòa thì còn có thu hoạch, chứ hạn như năm ngoái mất trắng cả. Mấy năm nay gia đình trồng thêm cây khoai sọ, thu nhập 3 - 4 triệu đồng/sào nhưng đầu ra không đảm bảo nên cũng không dám mở rộng thêm. Còn chăn nuôi thì vốn lớn quá, gia đình không đủ lực. Thực sự, bà con chúng tôi ở đây chưa biết nên đầu tư vào mảng nào để có thu nhập cao. 
Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Cúc Phương Đinh Văn Xuân, ông cho biết: “Cái khó của xã Cúc Phương là thu nhập của người dân chủ yếu làm nông nghiệp, được mùa hay mất mùa đều phụ thuộc vào thiên nhiên. Trong chăn nuôi, nhiều hộ gia đình còn quen với tập quán thả rông gia súc, gia cầm, chuồng trại chưa đảm bảo và thiếu đầu tư thức ăn dẫn đến hiệu quả thấp. Các kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng trong cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được tập huấn, chuyển giao nhưng một bộ phận người nghèo chưa mạnh dạn áp dụng vào thực tế. Việc sản xuất ở nhiều gia đình còn mang tính tự phát, manh mún, làm theo phong trào, chưa có nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, kinh tế trang trại phát triển chưa tương xứng… Do vậy, việc giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân không dễ khắc phục trong “một sớm một chiều”. Tổng hợp từ UBND huyện Nho Quan, tại 5 xã đặc biệt khó khăn (Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long, Quảng Lạc, Thạch Bình), tỷ lệ kênh mương cấp 1 được cứng hóa mới đạt khoảng 10% và chỉ có 42,2% diện tích đất canh tác ở các xã này được tưới tiêu. Đặc biệt, ở các địa phương này vẫn còn hơn 400 hộ dân thiếu đất ở và gần 600 hộ thiếu đất sản xuất. Vụ đông xuân và vụ mùa năm 2015, nhiều diện tích hoa màu ở các vùng này bị thiệt hại nặng nề do hạn hán. Đến nay, 5 xã này chưa xã nào đạt tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo”.
Có dịp đến với các xã miền núi khó khăn của huyện Nho Quan mới thấu hiểu được phần nào nỗi khổ của bà con nơi đây. Những tuyến đường đèo dốc “mưa lầy, nắng bụi” vốn đầy những ổ trâu, ổ gà... nay càng trơn trượt hơn bởi những trận mưa xối xả đầu hè. Đời sống kinh tế còn quá khó khăn, bà con chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, dân cư thưa thớt nên buộc phải chấp nhận sống chung với đường xấu, đường bẩn vì họ không có khả năng về tài chính đóng góp xây dựng đường giao thông. 
Ở xã Phú Long, con đường dẫn vào thôn 2 dài 1,5 km nhưng chỉ có gần chục hộ bám mặt đường. Cả mấy chục năm nay, người dân ở đây vẫn phải chịu cảnh đi lại trên con đường đất đá lởm chởm, thậm chí trời mưa, đường bị xói lở, các phương tiện không thể di chuyển được. Ông Nguyễn Xuân Toán, một hộ dân cho biết: “Con đường này năm nào chúng tôi cũng bỏ công ra san lấp, sửa sang nhưng do chỉ là đường đất nên cứ qua vài trận mưa là lại đâu vào đấy, xói lở, lồi lõm đi lại rất khó khăn, còn vận chuyển nông sản gần như không được. Người dân trong thôn mong mỏi từng ngày có được con đường kiên cố để đi lại. Khi có chủ trương bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo Chương trình NTM, bà con mừng lắm, ai cũng sẵn sàng hiến đất, hiến công nhưng tính toán sơ sơ, để đổ bê tông con đường này, ngoài sự hỗ trợ xi măng của nhà nước, mỗi hộ dân phải đóng góp từ 15 - 20 triệu đồng. Mức đóng góp này vượt quá khả năng của chúng tôi. Bà con chỉ còn biết trông mong vào sự hỗ trợ của các cấp”.
Theo ông Lương Mạnh Tường, Chủ tịch UBND xã Phú Long: Xác định giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình xây dựng NTM, qua hơn 5 năm triển khai, địa phương đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước kết hợp với nguồn lực từ nhân dân để kiên cố các tuyến đường, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, đời sống của đại bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc hoàn thành tiêu chí về giao thông tại các địa phương vẫn còn khá chậm. Hiện nay tỷ lệ số km đường giao thông được bê tông, cứng hóa trong tổng số km đường giao thông của các địa phương miền núi này đang có sự chênh lệch khá lớn. Cụ thể: xã Phú Long có 143 km đường giao thông thì mới có 6 km đường ngõ, xóm và hơn 8 km đường liên xã được cứng hóa; hệ thống đường trục chính nội đồng, đường liên thôn… chưa triển khai đổ bê tông. Hơn thế, trong cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông NTM phải có sự phân vùng, nên ưu tiên nguồn lực nhiều hơn cho các xã miền núi, nơi có đặc thù là địa bàn rộng và mật độ dân cư thấp. 
Tương tự như vậy, tại xã Cúc Phương, tổng chiều dài đường giao thông toàn xã là 46,8 km thì mới cứng hóa được hơn 3 km đường liên xã, 4 km đường trục thôn, xóm, liên thôn và 3 km đường ngõ xóm; đường trục chính nội đồng hiện trạng hoàn toàn là đường đất. Trên thực tế, giao thông nông thôn yếu kém đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương này.
 
 
Trồng mía đang là hướng đi mới cho nông dân xã Cúc Phương (Nho Quan) với thu nhập 60 - 70 triệu đồng/ha.
Có thể khẳng định, phong trào xây dựng NTM thời gian qua đã phần nào tạo ra diện mạo mới cho các xã đặc biệt khó khăn. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân được quan tâm. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng tích cực, đã có sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, việc hoàn thành các tiêu chí NTM tại các xã này vẫn đạt thấp so với mức bình quân của cả tỉnh. 
Theo báo cáo của huyện Nho Quan, các xã Cúc Phương, Thạch Bình, Phú Long, Kỳ Phú hiện mới đạt 8 tiêu chí/xã, riêng Quảng Lạc đạt 7 tiêu chí. Và nhiều tiêu chí chưa đạt vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với mức chuẩn. 
Cụ thể như tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, năm 2015 ở 5 xã chỉ có duy nhất 1 nhà văn hóa ở xã Thạch Bình là đạt chuẩn. Còn về nước sạch, các xã Thạch Bình, Cúc Phương, Quảng Lạc đã có trạm cấp nước sạch nhưng công suất, chất lượng và hoạt động không ổn định, vẫn còn 26,5% số hộ dân khó khăn về nước sinh hoạt. Ngoài ra, hệ thống điện nhiều nơi không đảm bảo về chất lượng cũng như độ an toàn… Đặc biệt, phương thức tổ chức sản xuất ở các xã này chủ yếu vẫn là kinh tế nông hộ, tự cấp, tự túc; các HTX nông nghiệp hoạt động yếu kém, thụ động, chỉ đảm nhiệm 1 - 2 khâu dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất. Tiêu chí thu nhập và tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo là hai tiêu chí khó đạt đối với các xã miền núi khó khăn. Hiện nay cả 5/5 xã đều chưa đạt các tiêu chí này.
Được biết, trong những năm gần đây, bên cạnh nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của Trung ương, tỉnh hỗ trợ, huyện Nho Quan cũng đã lồng ghép thêm với các nguồn vốn khác từ Chương trình 134, 135; dự án di dân giãn dân ra khỏi vùng sạt lở, lũ quét; dự án xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã… để củng cố, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, do xuất phát điểm kinh tế - xã hội của các xã này còn quá thấp nên mặc dù ưu tiên cho công tác hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo, nhưng tỷ lệ hộ nghèo tại các xã còn ở mức cao. Điều này dẫn tới việc huy động các nguồn lực trong dân còn nhiều hạn chế. Do vậy, huyện Nho Quan đề nghị tỉnh, Trung ương xem xét, có chính sách đặc thù ưu tiên hỗ trợ các xã miền núi khó khăn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất để đảm bảo hoàn thành đúng lộ trình, kế hoạch xây dựng NTM đã đề ra.
Trao đổi với chúng tôi về các vấn đề trên, ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết: Các xã đặc biệt khó khăn luôn được tỉnh, Nhà nước đặc biệt quan tâm với rất nhiều các chương trình, dự án. Cụ thể gần đây là dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (làm đường giao thông nông thôn, xây trường học, xây dựng công trình nước sạch…) cho nhân dân, đồng bào các xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Nho Quan do Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp & PTNT) làm chủ đầu tư với khoảng 40 tỷ đồng đã được hỗ trợ. Bên cạnh đó còn có nguồn vốn từ các Chương trình giảm nghèo, Chương trình 135, Chương trình NTM… Tuy vậy, vẫn chưa thể đáp ứng, giải quyết hết được những nhu cầu cũng như khó khăn của người dân. Đặc biệt trong chương trình hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nông thôn theo Đề án 06 của tỉnh, do đặc thù diện tích lớn, mật độ dân cư thưa, đời sống nhân dân còn nghèo, đường dài, xấu, do vậy nếu chỉ hỗ trợ xi măng không thì những tuyến đường liên thôn, đường trục rất khó thực hiện, cần từng bước khắc phục. Riêng về thủy lợi cho các xã vùng cao, với đặc thù địa hình nên việc xây dựng hệ thống trạm bơm là không khả thi mà phải hướng tới xây dựng hệ thống hồ treo, sử dụng các thác nước, các nguồn sinh thủy tự nhiên là chính. Các địa phương cần hướng dẫn bà con lựa chọn các cây trồng thích hợp, chịu được hạn, đồng thời phát huy tiềm năng kinh tế đồi rừng, chăn nuôi đại gia súc trong phát triển sản xuất. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng NTM ở các xã này, đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tập quán, điều kiện, lợi thế của từng vùng nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng NTM, giảm bớt tình trạng chênh lệch giữa các vùng như hiện nay.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, những khó khăn trong Chương trình xây dựng NTM tại các xã đặc biệt khó khăn hiện nay, ngoài nguyên nhân khách quan như xuất phát điểm trong chương trình xây dựng NTM của các xã thấp, còn có nhiều nguyên nhân chủ quan. Cụ thể như: Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM ở một số nơi chưa đạt yêu cầu; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác chỉ đạo sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Do vậy, việc cần làm trước tiên hiện nay vẫn là nâng cao năng lực chỉ đạo, tổ chức cũng như nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ xã; từng bước vượt qua tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời cần có những điều chỉnh về cách làm để thực sự đảm bảo vai trò chủ thể của người dân nông thôn và cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM. Nên tập trung ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực: phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống như: đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt. Thêm vào đó, cần chú trọng đến công tác rà soát, đánh giá kết quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của các chương trình đã đầu tư ở miền núi.
Không chỉ riêng tỉnh Ninh Bình, hành trình cán đích nông thôn mới ở các xã miền núi đặc biệt khó khăn trên cả nước vẫn còn rất nan giải. Do đó, để thực hiện có hiệu quả Chương trình Xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân thì cần có sự nghiên cứu, điều chỉnh tiêu chí mang tính đặc thù theo hướng sát thực với những các xã miền núi đặc biệt khó khăn này./.
 
Thanh Mai
 
 
 
Ý kiến của bạn