Ninh Lai là xã thuần nông thuộc huyện Sơn Dương, với 72% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu và Dao, gồm trên 2.061 hộ, 8.393 nhân khẩu, bà con nhân dân sinh sống chủ yếu bằng lao động nông nghiệp.
Năm 2011 khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống của nhân dân trong xã còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 10,8 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 32,74%, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 33,7%.
Năm năm qua, với sự đồng thuận, nỗ lực của các cấp chính quyền và của toàn thể bà con nhân dân, bộ mặt nông thôn Ninh Lai đã có nhiều khởi sắc. Với tổng kinh phí đã huy động và thực hiện là 96.634 triệu đồng, trong đó, kinh phí huy động doanh nghiệp và nhân dân đóng góp là chiếm trên 35.000 triệu đồng, nhiều mô hình làm ăn kinh tế ở Ninh Lai đã được đầu tư phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Các phong trào, cuộc vận động được triển khai đã thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên, hội viên, nhân dân như: mô hình “Thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Thắp sáng đường quê” của Đoàn Thanh niên, phụ nữ với phong trào “Năm không, năm sạch”. Các phong trào và mô hình phát triển kinh tế thành công, làm cho thu nhập bình quân đầu người của xã tăng đáng kể (từ 10,8 triệu đồng/người/năm 2011 lên 22,62 triệu đồng/người/năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,74% năm 2011 xuống còn 11,5% năm 2016. Không có hộ dân sống trong nhà tạm, dột nát. Có 1.824/2.061 nhà ở dân cư đạt chuẩn theo quy định đạt 88,5%.
Đồng thời với việc tập trung phát triển kinh tế, Đảng ủy, chính quyền xã đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa - xã hội; giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Nhà văn hóa xã đã được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn gồm Hội trường nhà văn hóa 120 chỗ ngồi, có 4 phòng chức năng, có đầy đủ các công trình phụ trợ.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên, thu hút trên 33% người dân thụ hưởng và tham gia vào các hoạt động văn hóa; tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 25%; Tỷ lệ trẻ em tham gia các hoạt động VHVN - TDTT đạt 30%. 100% thôn có nhà văn hóa, sân thể thao thôn đảm bảo đủ diện tích, quy mô xây dựng và được trang bị các trang thiết bị cần thiết theo quy định.
Qua rà soát đánh giá, toàn xã có 4.891/5.261 lao động đạt tỷ lệ 92,97% người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã có việc làm thường xuyên; 2.009/2.061 hộ gia đình được sử dụng điện thường xuyên, an toàn, đạt 97,4%. 02/03 trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia; 100% các hộ dân trên địa bàn xã có thuê bao sử dụng dịch vụ viễn thông; 20/20 thôn trên địa bàn xã có hạ tầng kỹ thuật viễn thông đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ truy cập Internet cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Năm 2012, xã đã được công nhận hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hàng năm, tỷ lệ học sinh của xã có bằng tốt nghiệp THCS đạt 93%, sau khi tốt nghiệp tiếp tục theo học tại các trường THPT và học nghề đạt 95,9%. Công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn xã được quan tâm, xã đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tiến hành rà soát, lập danh sách những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để xem xét, hỗ trợ kịp thời.
Chất lượng hoạt động văn hóa - thông tin cơ sở tiếp tục phát triển và nâng cao; công tác đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa - thể thao và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc được đẩy mạnh; duy trì 03 Câu lạc bộ tiếng hát “soọng cô” và 07 câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc; 01 CLB thanh niên sử dụng ngôn ngữ dân tộc, duy trì tốt các hoạt động của VHVN - TDTT trên địa bàn xã.
Tỷ lệ thôn được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa” đạt 85% và số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 89,4%. Tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh trên địa bàn xã là 95,2%, trong đó 56,1% tỷ lệ hộ dùng nước sạch. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, xã đã chỉ đạo việc thực hiện việc đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho các cơ sở kinh doanh, chăn nuôi trên địa bàn. Qua tuyên truyền, vận động thực hiện, tỷ lệ số thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh môi trường đạt 100%.
Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Ninh Lai là việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ việc xây dựng nông thôn mới là vì lợi ích của chính người dân và người dân là chủ thể thực hiện. Qua đó đã nhận được sự ủng hộ, đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ và nhân dân trong xã. Quá trình tổ chức thực hiện cần có sự phân công nhiệm vụ trách nhiệm cụ thể đối với từng tổ chức, cá nhân, trong lãnh đạo chỉ đạo phải có nhiều giải pháp và cách làm linh hoạt, sáng tạo. Ban chỉ đạo, Ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới phải thực sự bám sát cơ sở, xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, lãnh đạo chỉ đạo, điều hành với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau” vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư trong quá trình thực hiện nội dung các tiêu chí. Phát huy và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát; quan tâm khuyến khích động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
Trước thềm năm mới, Ninh Lai đã hoàn thành được tiêu chí xây dựng nông thôn mới của mình, niềm vui như được nhân lên gấp bội với không khí háo hức khi đón xuân về.
Trâm Anh