Ngày 01/01/1997, theo Nghị quyết của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, tỉnh Bắc Kạn chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Là một tỉnh miền núi vùng cao, điểm xuất phát của nền kinh tế thấp chủ yếu là kinh tế thuần nông tự cung tự cấp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, thu ngân sách thấp, chưa đáp ứng 10% nhu cầu chi; mặt bằng dân trí thấp, nhiều tập tục trong đời sống xã hội còn lạc hậu…
Trải qua 20 năm xây dựng phát triển, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, của các tỉnh bạn, tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những thành tựu vượt bậc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể so với ngày mới thành lập.
Lễ mít tinh thành lập tỉnh Bắc Kạn (01/01/1997)- Ảnh tư liệu
Về phát triển kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh năm 2016 ước đạt 8.320 tỷ đồng gấp 23,5 lần so với năm 1997 tỉnh mới tái lập góp phần cải thiện đáng kể mức thu nhập bình quân trên đầu người, năm 2016 ước đạt 26,5 triệu đồng/người, tăng gấp 21,2 lần so với năm 1997. Thu ngân sách nhà nước của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khá khả quan. Cụ thể, năm 1997 thu ngân sách 16,67 tỷ đồng, năm 2016 ước đạt 520 tỷ đồng; tăng gấp 31,2 lần so năm 1997 (tăng tuyệt đối 503,33 tỷ đồng).
Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tích cực, ở khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997 - 2015 ước đạt 7,3%/năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2015 đã đạt trên 185.067 tấn tăng gấp 2 lần so với năm 1997. Bình quân lương thực đầu người đến nay ước đạt trên 560 kg/người/năm, tăng 1,93 lần so với năm 1997, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực và giảm nghèo trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh.
Từ một nền nông nghiệp tự cung tự cấp là chính đã hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, chất lượng sản phẩm được nâng cao, bước đầu hình thành những vùng chuyên canh một số cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Vùng trồng dong riềng, thuốc lá, cam quýt, hồng không hạt...Tỉnh có 5 sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý và chứng nhận nhãn hiệu tập thể, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, sản xuất lâm nghiệp đã có bước phát triển mạnh, tổng diện tích rừng trồng mới hàng năm đều vượt kế hoạch được giao. Bắc Kạn trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất toàn quốc. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có sự phát triển, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Ngành dịch vụ có bước chuyển biến tích cực với tốc độ tăng bình quân 16%/năm giai đoạn 1997 – 2015; thương mại thị trường Bắc Kạn phát triển mạnh, hàng hoá lưu thông thuận lợi. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tăng đều qua các năm với tốc độ bình quân giai đoạn 1997 - 2016 ước đạt 17%, tăng gấp 23 lần so với năm 1997.
Ngành du lịch của tỉnh có bước phát triển khá, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch từng bước được đầu tư xây dựng. Đến nay, cả tỉnh có 211 cơ sở lưu trú, trong đó có 22 khách sạn, riêng tổng lượt khách du lịch đến Bắc Kạn năm 2015 đạt trên 350.000 lượt. Tỉnh đã công bố quy hoạch khu du lịch Hồ Ba Bể đến năm 2030. Năm 2011, tổ chức UNESCO đã công nhận hồ Ba Bể là Khu Ramsar - vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Năm 2012, Hồ Ba Bể được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Tỉnh đã phối hợp với Tổng công ty du lịch Sài Gòn khởi công xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể.
Về văn hóa - xã hội: Các chương trình, chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm được quan tâm. Tỉnh đã tổ chức tốt các chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công, toàn tỉnh hiện có 3.500 đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em có nhiều cố gắng, đến nay đã có 115 xã (94%) đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ và khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập; 100% xã phường đều có quỹ bảo trợ trẻ em.
Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2016 cả tỉnh có 352 trường học các cấp, tăng 175 trường so với năm 1997. Chất lượng giáo dục các cấp ngày càng được nâng cao, tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng dần qua các năm. Tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 122/122 xã (phường, thị trấn) đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS và hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Hệ thống y tế được củng cố và phát triển, 8/8 huyện, thành phố có bệnh viện đa khoa; 122 xã, phường, thị trấn có Trạm Y tế, đến năm 2015, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng theo cân nặng chỉ còn 18%, giảm 15% so với năm 1997. Các hoạt động văn hóa, thể thao ngày càng phát triển. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai rộng khắp ở các địa phương góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh xã hội. Các hoạt động thể dục, thể thao mang tính quần chúng tiếp tục phát triển trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 28% dân số.
Công tác quản lý, nghiên cứu khoa học và công nghệ đã có những bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng, nhiều đề tài, dự án mang lại hiệu quả thiết thực góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác quản lý tài nguyên môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép được kiềm chế. Tỉnh đã hoàn thành 100% công tác đo đạc bản đồ địa chính cho 122/122 xã, phường, thị trấn.
Về Quốc phòng - an ninh: Được củng cố, tăng cường, xây dựng lực lượng chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại; làm tốt vai trò tham mưu, góp phần chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các loại tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được tăng cường. Chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ, dự bị động viên và công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ chủ chốt được nâng cao. Trực sẵn sàng chiến đấu được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Khu vực phòng thủ tỉnh và các huyện, thành phố được chăm lo xây dựng toàn diện, vững chắc. Tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân hằng năm.
Một góc thành phố Bắc Kạn ngày nay
Về Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể
Công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ từ cơ sở đến tỉnh luôn được quan tâm, nhất là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chú trọng phổ biến, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Các phong trào thi đua được triển khai luôn gắn với việc Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Các mô hình, gương điển hình tiên tiến làm theo gương Bác đã tạo sức lan tỏa và tác động tích cực trong các tâng lớp nhân dân. Việc đánh giá chất lượng cơ sở Đảng và đảng viên hàng năm được quan tâm thực hiện đúng qui định. Đến nay, có 493 tổ chức cơ sở Đảng, tăng gấp 1,6 lần so với năm 1997 là 299, số lượng đảng viên tính đến năm 2015 là 29.529 đảng viên, tăng gấp 2,6 lần so với năm 1997 là 11.102 đảng viên. Bộ máy chính quyền các cấp luôn được củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành quản lí xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp phát huy tốt vai trò tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân… góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.
20 năm xây dựng và phát triển là quá trình phấn đấu kiên trì, bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn trong việc khắc phục những khó khăn và đã giành được những thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Ghi nhận những thành tích xuất sắc đạt được trong những năm qua, ngày 31/10/2016 Chủ tịch nước CHXHCN Việt nam đã ban hành Quyết định số 2281/QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Nhân dân và cán bộ tỉnh Bắc Kạn./.
Châu Anh