Những lương y già tận tâm

 2302 lượt xem
Dù đã nghỉ hưu từ lâu, nay tuổi đã cao, sức yếu nhưng nhớ lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu”, nhiều y sĩ, bác sĩ vẫn nhiệt tình, tận tâm phục vụ nhân dân. 

 

  Mỗi ngày, cụ Trợ tư vấn, khám bệnh miễn phí cho 1-2 người cao tuổi
 
Không quản tuổi già
 
 
Không như nhiều người làm việc ở những ngành, nghề khác, sau khi nghỉ hưu, những người từng làm trong ngành y thường có nhiều điều kiện để tiếp tục gắn bó với công tác khám, chữa bệnh. Bệnh tật ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi một bộ phận người dân vì gia cảnh khó khăn nên chưa quan tâm nhiều đến việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Để chia sẻ với họ, nhiều y sĩ, bác sĩ về hưu đã nhiệt tình tham gia vào các hội, tổ thầy thuốc từ thiện, nhân đạo để tư vấn, hỗ trợ cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. 
 
Nghỉ hưu từ năm 1993, nay đã 84 tuổi nhưng y sĩ Vũ Công Trợ ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) khiến nhiều người cảm phục vì tinh thần làm việc không ngơi nghỉ. Gặp cụ, người ta có cảm giác như lòng yêu nghề, thương người giúp cho cụ mạnh khỏe, minh mẫn, lấn át cả tuổi già. Cụ Trợ tham gia Hội Thầy thuốc nhân đạo của TP Hải Dương ngay từ năm 1995, hồi hội mới thành lập. Từ đó, cụ thường xuyên tham gia các đợt khám, chữa bệnh từ thiện, nhân đạo của hội. Đến nay, tuy Hội Thầy thuốc nhân đạo không còn duy trì được hoạt động thường xuyên do thiếu kinh phí nhưng cụ Trợ vẫn tiếp tục thực hiện công việc, mục đích mà hội đề ra. Cụ có một phòng nhỏ khoảng 15m2 để tiếp đón những người có nhu cầu khám, chữa bệnh. Hiệu quả từ bài thuốc chữa các bệnh liên quan đến răng miệng của cụ đã nức tiếng gần xa. 
 
 
Người bệnh từ nhiều nơi tìm đến với cụ. Với những bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, cụ Trợ không lấy tiền công, thậm chí còn hỗ trợ cả tiền thuốc. Bên cạnh đó, mỗi ngày cụ khám bệnh miễn phí cho 1-2 người cao tuổi. Không chỉ khám bệnh miễn phí, cụ Trợ còn tư vấn, hướng dẫn người bệnh cao tuổi những biện pháp rèn luyện sức khỏe, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp. Mỗi khi có người tìm cụ để khám sức khỏe cho người thân, cụ đều nhận lời không quản đêm khuya, mưa gió. 
"Đối với tôi niềm vui đơn giản chỉ là nụ cười của người bệnh, là sức khỏe của họ được cải thiện."
 
 
Năm 2012, khi biết đến hoàn cảnh của bà Lương Thị Nga cùng ở phường Bình Hàn tuy bệnh tật, già yếu, mờ cả hai mắt nhưng vẫn phải chăm sóc người cha nằm liệt một chỗ, cụ Trợ đã quyết định hỗ trợ bà Nga 200.000 đồng mỗi tháng từ đó đến nay. 
 
“Tôi và nhiều người cao tuổi khác trong khu dân cư thường xuyên tìm đến cụ Trợ để được khám bệnh, nghe những lời khuyên giúp chúng tôi sống vui, sống khỏe. Chúng tôi rất cảm kích về y đức, về những đóng góp của cụ Trợ”, bà Nguyễn Thị Yên (72 tuổi) ở khu 3, phường Bình Hàn cho biết.
 
Hạnh phúc là cho đi
 
Vừa trở về sau chuyến khám bệnh từ thiện cho người cao tuổi ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Thu Hiền (74 tuổi) lại tất bật với công việc ở Phòng khám Đa khoa Hồng Đức (đường Thống Nhất, TP Hải Dương). Trước đây, bà Hiền là Chủ nhiệm Khoa Nội cán bộ (Bệnh viện Quân y 7). Sau khi nghỉ hưu, bà tiếp tục tham gia Hội Nghề nghiệp y tế tư nhân. Hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7, bà Hiền lại nhiệt tình tham gia đoàn tư vấn, khám bệnh miễn phí cho các thương binh, bệnh binh, người thuộc diện gia đình chính sách, người có công với cách mạng
 
Bà cũng thường xuyên tham gia các đợt khám bệnh miễn phí do tổ thầy thuốc nhân đạo của phường Tân Bình (TP Hải Dương) tổ chức. Theo chủ trương của tổ, bà cùng với các y sĩ, bác sĩ đều không lấy tiền công của những bệnh nhân là người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với những trường hợp này, bà Hiền thường dành nhiều thời gian để tư vấn, hướng dẫn, giúp họ nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn sức khỏe. Trong khu phố, có ai đau yếu, bệnh tật nhờ đến, bà Hiền đều khám, kê hộ đơn thuốc mà không lấy thù lao.
 
 
“Những việc làm của tôi nhỏ bé lắm. Đối với tôi niềm vui đơn giản chỉ là nụ cười của người bệnh, là sức khỏe của họ được cải thiện. Khi ấy, tôi thấy trong lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Tôi không dám chắc về những dự định tiếp theo, nhưng tôi sẽ làm việc đến khi nào còn có thể”, bà Hiền tâm sự.
 
 
Với cụ Trợ, bà Hiền và nhiều y sĩ, bác sĩ khác, niềm vui tuổi già chính là được làm việc, được cống hiến, nó trở thành động lực giúp họ sống vui, sống khỏe, sống có ích. Tuy mỗi người có những cách giúp đỡ khác nhau, không mang nặng về vật chất, nhiều khi chỉ là những lời tư vấn, động viên nhưng nó đã trở thành món quà tinh thần giúp người bệnh thêm lạc quan để chống chọi với bệnh tật.
 
 
Ngày nay, khi đâu đó có những y sĩ, bác sĩ cư xử chưa đúng mực, còn gây phiền hà, sách nhiễu với người bệnh, trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến nhiều người có cái nhìn không khỏi hoài nghi mỗi khi bước chân vào bệnh viện thì những việc làm của cụ Trợ, bà Hiền khiến ta có thêm niềm tin vào y đức. Họ không quản ngại tuổi già, không màng tư lợi cá nhân, sẵn lòng giúp đỡ người bệnh với tâm niệm hạnh phúc là cho đi và nhận lại nụ cười.
Theo Hải Dương online

 

 
Ý kiến của bạn