Một người thầy mang căn bệnh viêm cột sống dính khớp, chỉ đứng mà không ngồi được, từ Quy Nhơn về thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, mở lớp dạy học miễn phí cho học sinh nghèo. Chị Nguyễn Hương Giang, trưởng nhóm Thiện nguyện Ước mơ (Quy Nhơn) đã ghi chép về hành trình thiện nguyện sau gần nửa tháng phát động cộng đồng xã hội chung tay hỗ trợ cho thầy.
1.
Tôi tình cờ biết tới thầy Lê Quốc Hưng (52 tuổi) qua một bài báo trên mạng. Mới lướt đầu đề thôi, tôi đã cảm thấy phải đọc thật nhanh bài báo này để tìm hiểu xem người thầy ấy ở đâu và mình có thể giúp gì được cho thầy và lũ trẻ nơi làng quê ấy.
Ước mơ làm bác sĩ để khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo của cậu bé học sinh giỏi Trường THPT Trưng Vương tên Hưng ngày ấy bị dang dở vì căn bệnh viêm cột sống dính khớp. Dù gia đình đã đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng các khớp xương từ chân tới ngực vẫn căng cứng, không cử động được. Mang trong mình căn bệnh gần như vô phương cứu chữa, chàng trai ấy đã rời Quy Nhơn, tới Tuy Phước. Vùng đất mới đã ấp ôm, đánh thức niềm đam mê ở người thanh niên khuyết tật là được dạy chữ, dạy tri thức cho đám học trò nghèo.
Với căn bệnh của mình, thầy giáo Lê Quốc Hưng luôn gặp khó khăn khi dạy học.
Với vốn kiến thức sẵn có thời đi học, cộng với chịu khó nghiên cứu sách vở, trau dồi thêm, thầy Hưng mở lớp dạy học miễn phí cho học sinh nghèo nơi đây. Ban đầu chỉ quanh xóm, sau đó học sinh các xã lân cận cũng tìm đến xin học. Học sinh ở nhiều lứa tuổi, học từ lớp 2 cho tới luyện thi đại học. Riêng cấp THCS và THPT, thầy dạy 4 môn: Toán, Lý, Hóa và Tiếng Anh. Thầy còn dạy trò đạo làm người, biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Hàng ngày, cứ có học sinh là thầy dạy bất kể sáng, chiều, tối. Dẫu chưa từng qua một trường lớp sư phạm nào, nhưng thầy Hưng đã truyền kiến thức, chắp cánh ước mơ để các em theo theo đuổi việc học. Từ lớp học của thầy, đã có nhiều em đậu cao đẳng, đại học, tìm được việc làm. Tính đến nay đã gần 30 năm thầy Hưng dạy chữ.
2.
Nhớ lúc mới tìm gặp thầy, thấy cái lớp học gió lộng vẻn vẹn 20m2 với chiếc bàn lớn được tận dụng từ chiếc bàn bida cũ đặt ở giữa với những chiếc ghế nhựa hầu như không còn nguyên vẹn; chiếc giá sách ọp ẹp với nhiều loại sách cũ, sờn rách, tôi cảm phục thầy biết bao.
Còn thầy lại thấy bất ngờ lắm. Thầy nói không có nhu cầu gì nhiều, vì hàng tháng được nhận hơn 300 ngàn đồngtiền trợ cấp và 300 ngàn đồng của phụ huynh nào có thì gửi. Bởi chưa từng bao giờ xài đến tiền triệu, nên khi nghe chúng tôi đặt vấn đề đóng cho thầy cái giá sách mới, thầy có vẻ “sợ”.
Từ ngày nhóm tôi đến, và rồi các nhóm thiện nguyện khác cũng đến. Người hỏi thăm, người tặng sách, CD để thầy cập nhật môn Tiếng Anh, người giúp thầy sửa lại cái phòng học gió lùa, người tặng cho thầy ít chi phí trang trải cuộc sống... Thầy ngơ ngác cứ như đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác vì không hiểu sự may mắn này đến từ đâu.
3.
Hôm nay, chúng tôi lại tới thăm thầy. Đường đến nhà thầy ngoằn ngoèo, nên dù đã tới một lần thì lần sau cũng khó mà nhớ. Thầy ra đón chúng tôi từ đầu ngõ, từ xa nở nụ cười thật hiền. Thầy nhấc từng bước chân nặng nhọc trên đôi dép không thể nào rách hơn được nữa. Buổi nói chuyện diễn ra thật thân mật, nhưng buồn vì lẽ trong khi chúng tôi ngồi, thì thầy phải đứng. Căn bệnh không cho phép thầy được ngồi mà phải đứng thẳng quanh năm suốt tháng, đến khi nằm người cũng phải thẳng đơ như khúc gỗ. Nhìn thầy, chúng tôi thật cảm phục con người đã vượt qua bao khó khăn từ bệnh tật để thực hiện ước mơ chắp cánh tri thức cho các học trò nghèo. Còn thầy lại cười khi nói về khó khăn, vì đã quen và chung sống cùng với nó từ lâu lắm rồi. Mong ước hiện giờ của thầy luôn là có thật nhiều sức khỏe để cuộc sống được êm đềm ngày qua ngày với lũ học trò nhỏ.
Hiện tại căn phòng dạy học của thầy đang được xây mới do một nhóm từ thiện tài trợ. Rồi trên nền đất ấy, một lớp học khang trang sẽ được dựng lên cùng ước mơ gieo chữ của thầy và ước mơ bay cao bay xa bằng con đường học thức để bớt vất vả như cha mẹ mình của lũ trẻ nghèo ở miền quê ấy. Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa về đây 10 bộ bàn ghế để cho thầy dạy học. Vẫn mong có nhiều sự giúp đỡ hơn nữa, mong có phép màu để giúp thầy bớt phần nào những đớn đau, những bất tiện do căn bệnh nghiệt ngã thầy đang mang trong mình.
Trên hành trình thiện nguyện của mình, tôi vẫn luôn vững niềm tin rằng yêu thương vẫn luôn đong đầy trong cuộc sống quanh ta. Và, một ngày nào đó sẽ xuất hiện phép màu để đền bù cho những người luôn nỗ lực trong cuộc sống, không chỉ giúp ích cho mình mà còn cho cả cộng đồng, như thầy giáo Lê Quốc Hưng.
Theo Bình Định Online