Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đi được chặng đường 5 năm. Diện mạo nhiều vùng nông thôn đã đổi thay với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được đầu tư, nâng cấp; khơi dậy và phát huy được nhiều nguồn lực trong xã hội…
Là một nghị quyết toàn diện nhất về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ trước tới nay, đây là chương trình khung, tổng thể phát triển nông thôn với 11 nội dung lớn, tổng hợp của 16 chương trình mục tiêu quốc gia và 14 chương trình hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai ở địa bàn nông thôn trên phạm vi cả nước. Cũng bởi tính chất bao trùm và tổng hợp này, nhiều nơi, nhiều địa phương đã hiểu chưa đầy đủ và xem chương trình như là “đại dự án đầu tư”. Theo đó, khi thực hiện chương trình, đa phần các địa phương trước tiên đều nhăm nhăm lo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà xem nhẹ đến đầu tư cho sản xuất và văn hoá.
Trong khi đó, bước đi dài hơi và vững chắc lại cần chú ý thay đổi phương thức, hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống người dân nông thôn; chăm lo xây dựng văn hoá. Đạt được những tiêu chí này sẽ làm nền tảng, động lực cho phát triển kinh tế, cơ sở cho bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản cũng là hệ lụy của việc quá tập trung đầu tư vào xây dựng cơ bản. Bởi thế, trong “cuộc đua” thiếu lượng sức mình để đạt thành tích: được công nhân nông thôn mới, sau khi những hạng mục, công trình bề thế, hoành tráng được hoàn thành, không ít địa phương lâm vào cảnh: tỉnh nợ, xã nợ. Con số báo cáo giám sát cuối năm 2016 của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội khiến dư luận không khỏi lo ngại khi có đến 40,7% số xã đang nợ đọng với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/xã; 53/63 tỉnh, thành có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng. Trong đó, một số địa phương có nợ đọng lớn như: Bắc Ninh trên 1.600 tỷ đồng, Thanh Hóa hơn 1.500 tỷ đồng, Thái Bình khoảng 1.200 tỷ đồng, Vĩnh Phúc hơn 900 tỷ đồng...
Xuất phát từ thực tế trên đồng thời khẳng định tái cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân mới là mục tiêu cốt lõi của chủ trương xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thiết kế lại khung 19 tiêu chí theo 2 nhóm cứng và mềm. Trong đó, phần cứng là thu nhập của nông dân ở nông thôn, miền núi; tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên diện rộng; môi trường; trật tự an toàn. Phần mềm là các tiêu chí như: điện, trường, đường, trạm thì căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng huy động của địa phương và giao cho người đứng đầu địa phương ban hành để phù hợp. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng trước khi bố trí vốn cho các dự án khởi công mới; xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới.
Còn người dân - chủ thể của chương trình thì mong mỏi với một chương trình có tầm chiến lược như thế này, cần có sự tính toán, lựa chọn, trên cơ sở đó có những bước đi vững chắc trong tổ chức thực hiện; nghiêm túc, chặt chẽ trong công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích. Bởi việc công nhận sẽ giảm đi ý nghĩa, giá trị và chỉ là hình thức nếu nhà cao, cửa rộng, trụ sở bề thế nhưng nợ thì chồng chất. Xây dựng nông thôn mới để mới thực sự còn là việc nuôi dưỡng, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá; trình độ, nhận thức, chất lượng đời sống nông dân được nâng lên…, chứ không phải chỉ mới ở diện mạo cơ sở hạ tầng.
Theo Đắk Lắk Online