Khởi nghiệp bằng mô hình VAC

 3491 lượt xem
Mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp VAC tại quê nhà, anh Nguyễn Văn Hảo (SN 1991), ở thôn Tân Mùi, xã Tam Dị, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã trở thành điển hình về phát triển kinh tế với mức thu nhập 500 - 600 triệu đồng/năm. 

  Anh Nguyễn Văn Hảo chăm sóc cam.

Do gia đình khó khăn nên đang học lớp 9, Hảo phải bỏ học tìm việc làm. Đã có thời gian, anh làm phụ xe kiêm bốc vác nhưng công việc vất vả, bấp bênh. Năm 2011, sau một thời gian tìm tòi, anh nhận thấy trồng cây ăn quả đang là hướng phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao. Được sự động viên, hỗ trợ từ người thân nên Hảo quyết tâm nhận thầu 10 ha đất đồi tại địa phương để đầu tư phát triển kinh tế. 
Với số tiền gần 200 triệu đồng vay mượn từ họ hàng, gia đình, Hảo quy hoạch mô hình, thuê máy móc san gạt, tạo mặt bằng để trồng cam Canh, bưởi Diễn, nhãn và mở đường để thuận tiện đi lại. Bên cạnh đó, anh cùng gia đình đào ao vừa thả cá, vừa để trữ nước tưới cho cây vào mùa khô, xung quanh xây dãy chuồng trại để nuôi lợn. 
Thời kỳ đầu, do thiếu kinh nghiệm nên cây trồng, vật nuôi phát triển chậm, thậm chí còn bị chết nên lợi nhuận thấp. Một số người thấy vậy cho rằng anh đầu tư phát triển vườn đồi là hồ đồ, không biết tính toán. Dù buồn nhưng không nản chí, Hảo tiếp tục dành thời gian đọc sách hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, con, đồng thời đi nhiều nơi tìm hiểu kinh nghiệm từ các trang trại khác. Những kiến thức, kinh nghiệm được ứng dụng ngay và phát huy hiệu quả. 
Làm từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, bền bỉ và quyết tâm, đến nay, Nguyễn Văn Hảo và gia đình đã có một trang trại quy mô lớn. Tại đây có hơn 700 cây cam Vinh, 500 cây nhãn, 300 cây cam Canh, 200 gốc bưởi Diễn, bình quân mỗi năm nuôi từ 150-200 con lợn thương phẩm. Năm 2016, trừ chi phí, gia đình anh thu hơn 600 triệu đồng, tăng hơn 100 triệu đồng so với năm trước. Sau vụ thu hoạch, anh tập trung chăm sóc để cây trồng phục hồi, phát triển tốt, cho năng suất cao trong vụ mới. Từ một người làm thuê, nay anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/ người/ tháng. 
Vừa qua, anh Hảo liên kết với nhiều hộ dân đầu tư trồng cây bí đỏ trên đất lúa tại hai xã An Bá, An Châu (Sơn Động). Ở vụ đầu tiên, diện tích liên kết hơn 3 mẫu, cho lợi nhuận 7 - 8 triệu đồng/sào, cao hơn 3 triệu đồng so với cấy lúa. Cách làm này mang lại hiệu quả cao nên đã có thêm hàng chục hộ ký kết đầu tư trồng bí đỏ cùng anh Hảo. Điều đáng trân trọng là anh không giấu kỹ năng và kinh nghiệm phát triển kinh tế của mình mà sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ những ai quan tâm tìm hiểu. Nhiều đoàn viên thanh niên ở địa phương đã được anh cung cấp cây giống, phân bón và hỗ trợ kỹ thuật để cùng phát triển kinh tế.  
Bằng cách làm sáng tạo, hiệu quả trong lao động sản xuất, Nguyễn Văn Hảo là một trong những thanh niên làm kinh tế giỏi được Tỉnh đoàn biểu dương, khen thưởng.
Theo Bắc Giang online

 

 
Ý kiến của bạn