Bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cũng như sự chung tay của cộng đồng, hàng trăm ki lô mét đường lên các bản làng đã được đầu tư xây dựng trên các xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Rút ngắn những chuyến đi
8 giờ sáng tại chợ Trung Tâm thị trấn Mù Cang Chải, chị Vàng Thị Dông đã có mặt. Cân ngô bán xong, chị dạo quanh chợ mua những vật dụng cần thiết và thức ăn rồi trở ngược về bản nhà ở Háng Chua Say, xã Chế Cu Nha. Chỉ mất hơn 3 tiếng đồng hồ là chị về tới nhà, kịp giờ nấu cơm trưa cùng gia đình.
Vẫn những hoạt động trên nhưng nếu ở thời điểm cách đây 1 năm, chị Vàng Thị Dông phải mất 2 đến 3 ngày đi lại. Bởi khi đó, mỗi buổi đi chợ, chị và người dân trong bản phải mất nửa ngày đường trèo đèo, lội khe mới xuống đến đường cái lớn để đi về chợ. Khi đó hầu như chị cũng không thể mang theo được nhiều lúa ngô hay con lợn, con gà đi bán, chỉ bước chân đi thôi cũng đủ nhọc nhằn. Và mỗi "chuyến" đi chợ như vậy, khi về chị lại phải tranh thủ mua rất nhiều thứ (chủ yếu là đồ ăn khô để dự trữ cho cả tháng) trước khi gùi gánh bắt đầu nửa hành trình còn lại để trở về nhà.
Đường từ trung tâm xã Nậm Có lên bản Làng Giàng.
Ấy vậy mà thói quen bao đời đó của người dân xã vùng cao huyện Mù Cang Chải nay đã thay đổi, khi Nhà nước đầu tư một con đường rộng 3 mét từ bản về xã Chế Cu Nha.
Có con đường, chị Vàng Thị Dông và người dân ở đây có thể đi chợ đều đặn hơn, mang hàng hóa đi bán lấy tiền mua đồ dùng và thực phẩm tươi. Đôi vai không còn ê ẩm nữa, thậm chí hàng nặng thì chở bằng xe máy, xe đạp, việc đi lại trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Thói quen sinh hoạt cũng thay đổi. Từ hai bữa cơm vào buổi sáng sớm và tối mịt khi đi làm nương về, giờ các gia đình ở đây có thêm bữa cơm thứ ba vào buổi trưa, sau khi những người phụ nữ đi chợ về.
Chị Vàng Thị Dông cho biết, "có con đường Nhà nước mở ra, người dân ở đây rất vui. Đi chợ cũng nhanh, các con về trường cũng nhanh. Nhiều người trong bản cùng nhau đi chợ, bán ngô lúa rồi mua đồ dùng, mua thức ăn, không còn đói nữa”.
Qua tìm hiểu thêm mới biết, không chỉ bản của chị Dông mà những năm qua, rất nhiều các thôn bản vùng cao trên huyện Mù Cang Chải đã được Nhà nước đầu tư mở đường. Có con đường, nhịp sống trên các bản làng có sự thay đổi lớn và bản làng cũng có diện mạo mới.
Còn nhớ cách đây một năm, các đơn vị thi công đã rất vất vả để mở 17km đường từ trung tâm xã Nậm Có lên bản Làng Giàng, vùng đất của mây và gió. Khi đó những người lính công binh của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái đảm nhận thi công đoạn đường phức tạp nhất dài gần 6km. Nhìn các anh bộ đội đào đắp, bà con cũng chẳng hiểu bao giờ mới có thể thành đường...
Vậy mà tất cả đều đúng tiến độ, một con đường rộng và đẹp đã chạy thẳng lên bản. Với con đường này, nhiều hộ dân đã mua xe máy để đi lại, nhiều cụ già chưa một lần biết phố huyện nay đã được đặt chân đến. Lúa ngô làm ra muốn bán không phải gùi nặng trên lưng nữa mà cho lên xe máy trở về chợ.
Cũng từ khi có con đường, các dự án của Nhà nước có cơ hội được triển khai ở bản Làng Giàng ngày một nhiều như: Dự án lúa lai, dự án trồng rừng, dự án chăn nuôi trâu bò, các dự án về an sinh xã hội như y tế, giáo dục. Đời sống bà con có sự đổi thay nhanh chóng, nhiều hộ đã chuyên chở được tấm lợp về dựng nhà kiên cố, mua được xe máy, ti vi…
Ông Thào A Cu, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Nậm Có phấn khởi nói: "Trước đây đời sống ở bản Làng Giàng rất là khó khăn. Từ khi có bộ đội về làm đường thì đời sống nhân dân ổn định, đời sống an ninh trật tự ổn định hơn trước rất nhiều".
Thay đổi diện mạo bản làng
Có đường về bản, không chỉ có người dân được giải phóng đôi vai, bớt đi một phần sức lực mà ngay cả những cán bộ cần mẫn về với dân cũng đỡ khó nhọc hơn. Trên các con đường này, đều đặn những cán bộ dân vận về bản để hướng dẫn cách cho bà con làm ăn, gây dựng cuộc sống mới. Những y bác sỹ lên bản khám chữa bệnh mang được nhiều thuốc và dành được nhiều thời gian cho bà con hơn. Những cán bộ nông lâm nghiệp về phổ biến kỹ thuật cũng mang được nhiều tài liệu và phương tiện hơn.
Nhưng có lẽ, những người mừng nhất vẫn là những thầy cô giáo trong hành trình mang chữ lên bản. Cô giáo Nguyễn Thị Tâm, người hơn hai chục năm nay đi gieo chữ ở khắp các bản làng ở huyện vùng cao Mù Cang Chải chia sẻ: "Nhà nước mở đường giúp chúng tôi lên bản vận động các em tới lớp đỡ vất vả hơn. Trước đây phải đi bộ cả ngày đường giờ chỉ mất một hai tiếng là lên tới bản. Trước đi bộ còn nay có thể đi xe máy lên đến tận nơi, thực sự chúng tôi thấy rất phấn khởi".
Những người lính công binh của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái đảm nhận thi công đoạn đường phức tạp nhất dài gần 6km.
Đối với chính quyền các xã, việc mở những con đường mới cũng đồng nghĩa với việc mở những con đường đến với lòng dân. Nhờ những con đường mới, chính quyền các xã cũng có điều kiện gần gũi, chia sẻ hơn với cuộc sống của bà con, từ đó đưa ra được những chính sách và chương trình nhanh hơn, thiết thực hơn.
Ông Hờ A Hừ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chế Cu Nha cho biết, trước đây việc quản lý địa bàn đã khó huống chi việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện tốt các chính sách, còn bây giờ khi tất cả 6 thôn trong xã đều đã có đường về trung tâm xã thì mọi việc trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Theo ông Hờ A Hừ, việc mở ra những tuyến đường vào các thôn bản đã tạo thuận tiện hơn rất nhiều cho các cán bộ xuống thôn, bản cũng như đi tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Mỗi năm huyện Mù Cang Chải xây dựng được từ 20 đến 30 km đường liên thôn bản. Con số này của toàn tỉnh Yên Bái là hàng trăm km. Mở đường lên bản, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân, còn có sự tham gia của các đơn vị và doanh nghiệp.
Nếu biết hơn về việc thi công các tuyến đường vùng cao gặp nhiều khó khăn, vất vả, không vì lợi nhuận thì mới càng thấm thía ý nghĩa sâu sắc của sự đầu tư, quan tâm của Nhà nước, các đơn vị và doanh nghiệp đối với đời sống bà con vùng cao.
Hiện những cung đường vùng cao thôn bản ở tỉnh Yên Bái cũng vẫn còn nhiều nơi cần phải được tiếp tục đầu tư, xây dựng. Song, hy vọng với sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương, sự chia sẻ của cộng đồng, bà con vùng cao tỉnh Yên Bái sớm được đi trên những con đường mới. Những con đường giải phóng đôi vai, giải phóng sức người, mang đến sự đổi thay trong diện mạo kinh tế -xã hội ở các bản làng vùng cao.