Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Tọa đàm về tổ chức phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” vào ngày 27/04/2017.
Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết: Phát huy truyền thống sáng tạo qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam; thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, những năm qua, các phong trào thi đua được các cấp, các ngành, đoàn thể, các địa phương tổ chức rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng để động viên và huy động mọi nguồn lực xã hội thi đua hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị của đất nước và kịp thời giải quyết những vấn đề bức thiết trong thực tiễn.
Các ngành, các giới, các lĩnh vực trong xã hội triển khai nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động. Qua các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã có hàng vạn công trình được hoàn thành; hàng vạn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn. Thông qua phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân Anh hùng, Chiến sĩ thi đua các cấp, những điển hình tiên tiến được Nhà nước và các cấp, các ngành, đoàn thể ghi nhận, khen thưởng.
Tuy nhiên, ở một số ngành, tổ chức và địa phương, việc triển khai các phong trào thi đua chưa thường xuyên, liên tục, còn hình thức, chưa thực sự phát huy sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chậm đổi mới nội dung và hình thức cũng như biện pháp tổ chức phong trào thi đua.
Các gương điển hình tiên tiến xuất hiện ngày càng nhiều, thành tích đạt được giá trị cao và mang ý nghĩa quan trọng. Song việc nuôi dưỡng nhân tố mới và nhân rộng gương điển hình tiên tiến còn nhiều hạn chế.
Các phong trào thi đua của các tổ chức chưa có sự liên kết để chia sẻ kinh nghiệm và tạo nên hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong xã hội, chưa khơi dậy được sự đoàn kết, sức sáng tạo trong cả nước và các tầng lớp nhân dân. Vai trò của khoa học công nghệ và sức sáng tạo của người Việt Nam chưa thực sự được chú trọng.
Chính sách phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh chưa có đột phá, chưa thực sự thúc đẩy sự sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động.
Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước của Chính phủ tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tham mưu phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” để trình Đoàn Chủ tịch phát động thành một phong trào rộng lớn, được triển khai trong cả nước.
Tại buổi tọa đàm, đa số đại biểu cho rằng, việc Trung ương MTTQ Việt Nam xây dựng Đề án tổ chức phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế” là rất cần thiết và quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
GS.TS Trần Ngọc Hiên, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận định: “Để phong trào đạt hiệu quả thì phải nhận rõ đặc điểm thực tiễn hiện nay có nhu cầu gì, không làm chung chung, sự sáng tạo chỉ có kết quả khi nhằm đúng vào nhu cầu của thực tiễn, nhất là khi ở nước ta nền kinh tế thị trường đang ở giai đoạn thấp, vậy làm thế nào để tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức là một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng”.
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, phát động thì phải đến nơi đến chốn và phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng truyền thông. Nếu làm tốt thì ban tổ chức phải khen thưởng kịp thời và làm không tốt thì có hình thức kiểm điểm.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà nhấn mạnh: Khi phát động cũng cần bám sát vào nhiệm vụ trọng tâm để phong trào thật dễ hiểu, dễ nhớ, đồng thời phải có giai đoạn, thời gian hoạt động cụ thể, góp phần thực hiện tốt phong trào.
Hoài Thanh