BTĐKT – Dù xuất thân từ một gia đình nhà nông người dân tộc Dao, có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn nhưng chị Bàn Thị Thành luôn cố gắng học hỏi và nuôi dưỡng ước mơ thoát nghèo. Bằng việc chủ động tìm tòi, học tập các mô hình hay, các gương điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi, chị đã gặt hái được thành công trong cuộc sống.
Từ thuở bé sinh ra chị đã sống trong cảnh nghèo khổ, gia đình không có đất ruộng, cuộc sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi nhỏ lẻ. Đến khi lập gia đình năm 1982, cuộc sống vẫn vậy. Tuy nhiên, nhìn những đứa con, khát vọng thoát nghèo trong người phụ nữ ấy trỗi lên mạnh mẽ. Thế nhưng, lúc đó trong đầu chị “rỗng tuếch” về cách làm, chẳng biết nên bắt đầu từ đâu.
Chị chia sẻ “Đúng như ông cha ta từng nói “Đói thì đầu gối phải bò”, để có được kiến thức về phát kinh tế tôi đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng vật nuôi của Hội phụ nữ xã tổ chức. Đồng thời, tự bản thân phải tìm tòi các mô hình hay, các gương điển hình làm kinh tế giỏi trên sách, báo để tham khảo và học hỏi thêm các biện pháp áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Với những kiến thức ban đầu có được đã dần giúp tôi tự tin và có kế hoạch bắt tay vào việc thực hiện phát triển kinh tế với hướng lựa chọn chăn nuôi lợn”.
Mô hình chuồng trại của gia đình chị Bàn Thị Thành ở thôn Tân Thành, xã Nông Thượng.
Nhờ sự năng động, chịu khó, sáng tạo trong công việc, chị được bầu làm chi hội trưởng phụ nữ thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn. Sự tín nhiệm của bà con như tiếp thêm cho chị sức mạnh phấn đấu trong cuộc sống cũng như trong các hoạt động phong trào của Hội.
Năm 1989, vợ chồng chị Thành quyết định vay vốn nuôi lợn phát triển kinh tế gia đình. Trong cái khó, ló cái khôn, vì thiếu thức ăn cho lợn, chị đã trồng cây chuối tây với mục đích làm thức ăn chăn nuôi lợn. May mắn, những buồng chuối trĩu quả đã giúp gia đình chị có thêm nguồn thu nhập khá. Chị nhận thấy, trồng cây chuối tây có lợi ích vừa được ăn, vừa được bán, vừa là thức ăn phục vụ trong chăn nuôi lợn nên đã quyết định trồng chuối tây để sản xuất hàng hoá.
Chị bàn bạc với chồng, con mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội thông qua tổ chức Hội phụ nữ để mua giống, phát triển kinh tế từ cây chuối với diện tích tự trồng 3 ha chuối tây trên đất rẫy của gia đình. Đồng thời, chị cũng vận động nhiều chị em khác trong chi hội cùng tham gia trồng chuối tây. Nhờ học hỏi được nhiều kinh nghiệm khi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, gia đình chị đã biết và chia sẻ với mọi người cách trồng đúng quy trình, khung thời vụ, kỹ thuật làm đất, cách bón phân và cách phòng trừ sâu bệnh; biết lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Sau hai năm thu nhập từ bán chuối, gia đình chị hoàn trả được nguồn vốn đã vay; đồng thời có thêm chút tiền để mở rộng diện tích trồng chuối tây.
Nhận thức rằng, mở rộng diện tích trồng cây cũng đồng nghĩa với việc sẽ phải mở rộng thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chị đã chủ động lặn lội đi đến các địa phương khác để kết nối đầu ra cho sản phẩm. Nhờ sự hoạt bát của mình, chị Thành đã đưa sản phẩm chuối tây của gia đình đi tiêu thụ ở thị trường Hà Nội và Thái Nguyên, sau đó là cả thị trường Trung Quốc. Năm 2000, sản phẩm chuối tây của gia đình chị đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, với sản lượng từ 2 - 4 chuyến xe tải/ tuần. Ngoài ra, để giúp các chị em khác tiêu thụ sản phẩm, chị đã thu gom chuối từ các gia đình hộ hội viên phụ nữ đưa đi tiêu thụ. Từ đó thu nhập của gia đình chị cũng tăng dần, năm sau cao hơn năm trước.
Nhờ đó, mỗi năm gia đình chị có thu nhập tăng dần từ 30 triệu đồng/năm trở lên. Sau hơn 10 năm nỗ lực, cái nghèo đã chính thức chia tay với gia đình chị: đã khai phá và mua được ruộng đất sản xuất; xây được nhà ở kiên cố, con cái chăm chỉ học hành và biết đỡ đần bố mẹ trong việc chăn nuôi và sản xuất.
Năm 2007, Hội phụ nữ xã phát động phong trào phụ nữ phát triển sản xuất, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo. Với vai trò là thủ lĩnh Hội, chị luôn mong muốn giúp chị em trong chi hội thoát nghèo và mở rộng thị trường để phát triển kinh tế. Gia đình chị đầu tư mua xe ô tô trọng tải 3,5 tấn và 70 triệu đồng mua giống cây chuối con đưa đến hỗ trợ cho nhiều chị em có gia đình khó khăn trên địa bàn để họ trồng. Bên cạnh đó, chị tiếp tục động viên và hỗ trợ nhiều hộ ở các địa bàn khác cùng trồng cây chuối tây. Song song với đó, chị tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích sản xuất cây trồng và xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi. Gia đình chị cũng đã vay thêm vốn của ngân hàng mua thêm 2 xe ô tô tải trọng tải 8 và 15 tấn để tiện cho việc vận chuyển thu mua hàng hóa của nhân dân đem đi tiêu thụ, sinh lời. Từ đó chị cũng có điều kiện hơn để hỗ trợ thêm cho chị em phụ nữ trong thôn.
Trong những năm qua, chị đã hỗ trợ cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, cho vay vốn không lãi, tạo công ăn việc làm ổn định cho 7 lao động trong thôn, trung bình hàng năm giúp được trên 20 hộ với số vốn, giống trị giá trên 100 triệu đồng. Nhiều chị em trong chi hội đã có thu nhập và ổn định cuộc sống, gia đình thoát nghèo.
Từ những nỗ lực không ngừng của bản thân và gia đình, gia đình chị tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi và dịch vụ vận tải, cho đến nay gia đình chị lúc nào cũng nuôi gần 100 con lợn nái, trên 500 con lợn thịt, mua sắm 4 xe ô tô tải chở hàng… đến cuối năm 2015 trừ chí phí gia đìnhchị thu nhập trên 1,6 tỷ đồng, trong đó: thu nhập từ chăn nuôi lợn là 720 triệu đồng; thu từ cây lâm nghiệp, trồng chuối:100 triệu đồng; thu nhập từ dịch vụ, vận tải: 800 triệu đồng.
Chị Thành chia sẻ: để có được những thành công như ngày hôm nay, ngoài yếu tố may mắn còn là nỗ lực quyết tâm của bản thân tôi và các thành viên trong gia đình. Ngoài việc hăng say lao động sản xuất kinh doanh, bản thân tôi tích cực tham gia các hoạt động của Hội, tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ thực hiện tốt phong trào phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, quyên góp, giúp đỡ những người có hoàn cảnh còn khó khăn, ủng hộ phụ nữ nghèo, người cao tuổi… và các cuộc vận động ủng hộ do địa phương, của Hội phụ nữ phát động.
Với những nỗ lực đạt được, chị Thành vinh dự được UBND tỉnh Bắc Kạn tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giai đoạn 2000 - 2004; “Hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2010 - 2015; Giấy chứng nhận đạt “Danh hiệu Phụ nữ xuất sắc toàn quốc trong phong trào thi đua phụ nữ tích cực học tập lao động, sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc, nhiệm kỳ 2002 - 2007”; nhiều năm nay gia đình chị được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi. Đặc biệt, chị Thành vinh dự được Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn lựa chọn tham dự Diễn đàn “Hoa trên thương trường” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức; là điển hình“Phụ nữ các dân tộc vùng Tây Bắc làm kinh tế giỏi” năm 2016 được Ban chỉ đạo Tây Bắc tặng Bằng khen.
Mới đây, chị Thành vinh dự là một trong những điển hình tiên tiến vinh dự được báo cáo thành tích tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017- 2022).
Hương Nguyên