Người họa sĩ huyền thoại

 2339 lượt xem
Sinh ra và lớn lên ở Tiền Giang, năm 15 tuổi, Đặng Ái Việt ra chiến trận với chiếc ba lô gồm bút vẽ, sơn màu. Ở tuổi 20, bà gặp gỡ và đem lòng yêu chàng quay phim của cơ quan điện ảnh giải phóng. Tình yêu thời chiến đơm hoa kết trái bằng lời tuyên bố tại tiền tuyến. Bạn đời của bà cũng là người đồng chí, đồng cam cộng khổ tại chiến trường vì sự hòa bình của Tổ quốc. 

 Từ khi đất nước thống nhất, hai ông bà luôn nung nấu ý định bù đắp mất mát cho những người phụ nữ đã hy sinh tình yêu thương, gia đình, mất chồng, mất con vì chiến tranh, bom đạn. Nguyện ý được bà ấp ủ từ lúc còn là giảng viên Đại học Mỹ thuật Tp.HCM, vì điều kiện công tác, mãi đến tận ngày về hưu mới có thể thực hiện

Năm 2007, sau khi chồng mất, trong lòng bà vẫn luôn mong muốn thực hiện tâm nguyện từ lâu ấp ủ. Bà và các đồng đội khi xưa đã hẹn thề với nhau: “Sau chiến tranh, ai còn sống thì phải đi hết đất nước mình”. Bất kể mưa nắng, địa lý xa xôi, chuyến hành trình rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc, từ đó, suốt từ Bắc chí Nam, không tỉnh thành nào thiếu vắng dấu chân của người phụ nữ nhỏ bé này. Chiếc xe Chaly bà mang gia cố lại, buộc phía sau chiếc thùng sắt có vài gói mì bên trong cùng dụng cụ sửa xe, thêm cái áo mưa, chiếc mái che tự chế… bà đã rong ruổi hang cùng ngõ hẻm để tìm gặp những mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), những người “đã sinh ra dáng hình đất nước hôm nay”. Cuộc chiến qua lâu rồi, thời gian vẫn trôi, nhưng nỗi đau của các bà mẹ VNAH thì như còn mãi cùng những tờ giấy báo tử và tấm chân dung trên bàn thờ. Có mẹ may mắn được con cháu phụng dưỡng, có người thầm lặng sống với cô đơn. Họa sĩ Đặng Ái Việt không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào để được gặp, được thể hiện tình yêu thương của mình, của thế hệ mình với các mẹ. Mỗi mẹ VNAH trên những nẻo đường đất nước đem lại cho họa sĩ Đặng Ái Việt một cảm xúc khác nhau. Bà nhớ rõ hoàn cảnh từng mẹ, có mẹ rất yếu, muốn nói mà chỉ mấp máy môi, phải đỡ dậy mới gượng ngồi được. Có mẹ đong tấm lòng của mình rồi gửi vào chén nước đặt trước hiên nhà. Người nghèo đi qua, mẹ mời miễn phí để dịu cơn khát. Rất nhiều lần đang vẽ mắt bà nhòe đi vì nỗi xúc động làm rưng rưng tâm trí. Bà luôn coi họ như đấng sinh thành của mình. Bà nói, khi gặp một mẹ, nghĩa là bà đã cùng mẹ bước ngược ký ức, về với những tháng ngày bi hùng mà đau thương, về với những mất mát, cô đơn khó có ai hiểu hết..Bà không bao giờ vẽ chân dung các mẹ đang rơi lệ. Theo bà, phải giữ gìn cho đời sau hình ảnh bất khuất kiên cường của những bà mẹ đã gạt nỗi đau riêng vì Tổ quốc. Mẹ VNAH trong nét vẽ của bà luôn đượm vẻ ưu tư nhưng không bi lụy, yếu mềm.

Đi đến đâu, họa sĩ Đặng Ái Việt đều tranh thủ viết nhật ký. Có những hành trình phải đội mưa băng rừng, chân loang những vệt máu vắt cắn, rồi những khi ngồi xe đến ê ẩm tấm lưng tuổi tác, mệt tới nỗi chỉ còn đủ sức để uống nước cầm hơi, bà vẫn nhất quyết viết lại năm ba dòng vì với bà mỗi trải nghiệm đều không thể gặp lại. Trong cuốn sổ nhỏ chi chít những dòng chữ ghi vội dọc đường gió bụi…

 

Họa sĩ Đặng Ái Việt

 

Đi khắp đất nước, được gặp gỡ biết bao mảnh đời, họa sĩ Đặng Ái Việt không khỏi bùi ngùi, xúc động khi chia sẻ về những người Mẹ Việt Nam anh hùng bà đã gặp: Kỷ niệm nhiều không kể xiết, Mẹ Việt Nam anh hùng hiện nay được Nhà nước quan tâm chăm sóc rất nhiều nhưng không phải tất cả đều đã hết khó khăn, nhiều mẹ của chúng ta còn khó khăn.

Gặp một mẹ ngồi bán khoai lang ở ngoài chợ là bà vẽ ngay ở chợ. Nếu mời mẹ về nhà thì gánh khoai lang đó ai bán…Có những bà mẹ bị mù, không thể đi đâu được thấy thương lắm. Nhiều mẹ không còn minh mẫn, bà xúc động không tài nào vẽ được. Công việc gấp gáp, chạy đua cùng thời gian và tuổi tác của các mẹ, họa sĩ Đặng Ái Việt không dám nghỉ ngơi giây phút nào. Lúc nào bà cũng hối hả như con thoi. Chỉ kịp ăn cùng các mẹ một bữa cơm đạm bạc, nằm cùng mẹ trong giấc ngủ trưa ngắn ngủi.

Và cái xót xa chợt dâng tràn khi họa sĩ Đặng Ái Việt nhận ra mẹ đã không còn khỏe như ngày xưa, chị bùi ngùi kể: "Đến Quảng Bình tôi được cán bộ thông báo mẹ đã yếu lắm rồi, đồng chí nói: "Nếu chị đến sớm một năm thì mẹ vẫn còn ngồi tốt" chữ nếu ấy dày vò tôi day dứt. Mẹ vẫn còn sống đó nhưng hoang tàn như vùng đất đã khai thác cạn kiệt, mẹ nằm thoi thóp khiến tôi xót xa quá". Hình ảnh xót xa ấy khiến bà như quên đi nỗi đau của mình. Như trong chuyến đi Phú Yên, một mình giữa thiên nhiên như đang giận dỗi bằng những trận mưa như trút nước, mây mù giăng phủ, gió thét rầm rì.

Lặng lẽ một mình cảm xúc như vỡ òa, giữa thời tiết như thế tôi không dám chạy nhanh vì vừa mưa, vừa gió, tay lái bà phải thật chặt sơ suất là bay xuống ruộng. Lúc này phải nhịn đói mà chạy không dừng lại được. Người ướt loi ngoi mặc dù có áo mưa nhưng chẳng ăn thua gì mưa ướt không kịp vuốt mặt. Mắc mưa từ 1h trưa đến 6h chiều, đến khi bước xuống xe hai đầu gối muốn sụn lại vì tê.

Hay lần đi đến tỉnh Hòa Bình, họa sĩ Đặng Ái Việt cũng lâm vào cảnh dở khóc, dở cười. Sau một chuyến đường vừa dốc, vừa xóc và khó đi lại xuống một con đường toàn ổ voi rất lớn, sợ quá, thấy một doanh trại quân đội đang đóng quân gần đó tấp vào xin ngủ nhờ. Nhưng không may lúc này lại không có phòng trống nên bà được dẫn đến một nhà trọ cách đó chừng 5km. Lúc đến nhà trọ đã hơn 8h tối. Đôi chân ngồi trên xe hơn một tuần lễ đã bị phù nề. Đến khi ngả lưng lên giường thì không còn biết mình là ai. Chẳng có gì ăn giữa núi rừng vào giờ ấy. Bà lấy gói cháo ăn liền ra lót dạ và ngồi viết lại nhật ký trong lúc đôi bàn chân đã tê buốt. Điều đặc biệt ở người họa sĩ này đó là suy nghĩ rất chân tình của bà, ngay từ đầu bắt đầu hành trình, bà tâm niệm sẽ không bán những bức tranh này cho ai để lấy tiền. Bắt đầu vẽ từ 19/2/2010, đến nay, “gia tài” chân dung về mẹ VNAH của nữ họa sĩ đã lên đến 1.473 bức. Những bức chân dung sau khi hoàn thành được triển lãm tại bảo tàng. Sẽ không bao giờ những bức vẽ ấy được đem ra ngã giá, sấp ngửa trong một cuộc bán mua nào. Bởi động lực sáng tạo của tác giả chỉ bằng lý lẽ thật giản đơn: “Đây không chỉ là đam mê mà còn là cách tôi tri ân đồng đội”.

Để có tiền thực hiện ước nguyện không hề giản đơn này, họa sĩ Đặng Ái Việt gom góp tiền dành dụm của bản thân và bán cuốn sách Mê Kông ký sự, không nhận bất kỳ từ nguồn tài trợ nào, người phụ nữ này lên đường với lời dặn dò con cái "Chuyến đi này nếu sau sáu tháng má không về thì các con hãy xem như má đã nằm chung với đồng đội năm xưa của má".

Hành trình ước mơ suốt bảy năm ròng đã qua và sẽ còn tiếp tục đến khi nào bà còn sức là còn đi và còn vẽ, người họa sĩ gần 70 tuổi tin rằng mình đã sống trọn vẹn một cuộc đời, làm một con người hữu ích của gia đình và xã hội. Bà được Tổ chức Kỷ lục Châu Á ghi nhận đạt kỷ lục gia vẽ nhiều tranh về mẹ Việt Nam anh hùng nhất.

An An

 

 
Ý kiến của bạn