Cô gái người Mông với ước mơ xây dựng trường học và giúp đỡ trẻ em nghèo ở quê hương

 2959 lượt xem
Tẩn Thị Su sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 chị em. Vì điều kiện khó khăn, cô chỉ được học hết lớp 5, phải ở nhà phụ giúp cha mẹ. Như bất kỳ đứa trẻ người Mông nào khác, không được học hành nhiều và nghề kiếm sống là bán những món đồ lặt vặt cho khách du lịch; dĩ nhiên là bằng cách chèo kéo, bám theo khách hàng giờ. 

 Thời gian đầu, cô bán hàng rất vất vả vì không biết tiếng Anh. Có những ngày không bán được gì, nhịn đói giữa cái rét cắt da, cắt thịt của mùa đông Sa Pa. Ban đêm, cô chỉ dám thuê gầm cầu thang để ở. Thức ăn cũng chỉ dám gọi cơm với rau, thậm chí những lúc hết tiền, cô còn phải ăn lại thức ăn thừa do khách bỏ lại. Cuộc sống cứ thế trôi qua nếu cô không gặp một nhóm du lịch người Anh. Họ đến, rất thân thiện. Họ không mua hàng, không cho kẹo, họ ngồi nói chuyện với lũ trẻ con cả ngày, dù hai bên không hiểu nhau nói gì. Họ dạy chúng nói tiếng Anh, giơ bàn tay của mình nắm lấy bàn tay nhem nhuốc của chúng. Điều đó khiến cô xúc động vô cùng. Và trong tâm trí của con bé Su 13, 14 tuổi lúc đó bắt đầu biết ước mơ. Mơ được như họ, giàu có và được đi khắp nơi.

Tiếng Kinh chỉ bập bẹ, tiếng H'Mông nói thì khách du lịch không hiểu, Tẩn Thị Su bắt đầu học lỏm những từ tiếng Anh từ khách nước ngoài. Rồi cô dành dụm từng đồng từ tiền bán hàng của mình để hằng ngày dành vài tiếng vào quán Internet – một thứ rất xa lạ với bạn bè của cô và những người Mông vào thời điểm những năm 2000 – để học tiếng Anh. Khi nói ngoại ngữ tốt hơn, Su dần từ bỏ công việc bán hàng để làm người hướng dẫn bản địa cho khách du lịch nước ngoài. Rồi nhờ công việc mới, chị được đi học bổ túc hết lớp 9, biết thêm được những ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Trung. Không còn một Tẩn Thị Su rụt rè, mặc cảm, mặt mũi lúc nào cũng nhem nhuốc, Su có thể tự tin nói chuyện với người nước ngoài, giới thiệu cho họ về văn hóa và bản sắc của dân tộc mình. Bán hàng được một thời gian, Su tham gia vào công việc hướng dẫn viên du lịch. Công việc hướng dẫn viên tuy nhẹ nhàng hơn, nhưng do cô gái không được học hành nên chỉ được trả lương rất ít, chỉ bằng khoảng 1/5 so với những người được đào tạo. Hơn nữa, chị là người dân tộc thiểu số sống khá sâu trong rừng, nên thường xuyên bị coi khinh, thậm chí là lăng mạ với những lời lẽ rất khó nghe. Chính trong những ngày gian khổ ấy đã thôi thúc cô làm một việc gì đó cho chính mình và cho cộng đồng của mình. Mong muốn chuyên nghiệp hóa du lịch tại quê nhà đã làm động lực để năm 2001 chị Su theo đuổi Sapa O’Chau - “O’châu” - tiếng Mông có nghĩa là “Cảm ơn”) chuyên kinh doanh loại hình du lịch home stay - mạng lưới giúp khách du lịch liên kết với hướng dẫn viên bản địa. Nhưng hơn 10 năm sau, công ty Sa Pa O' Châu mới chính thức ra đời. 
Năm 2013 doanh nghiệp lữ hành đầu tiên của người đồng bào dân tộc ở Sa Pa được thành lập mang tên “Sa Pa O’Châu”, với mục đích thúc đẩy giáo dục, nâng cao dân trí, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương để từ đó phát triển cộng đồng một cách bền vững do chị Tẩn Thị Su điều hành chính. Với mô hình đó, Su đã tập hợp những người thân trong gia đình và bạn bè cùng hoạt động. Tuy nhiên, trong thị trường cạnh tranh mạnh mẽ, đặc biệt ngành kinh doanh du lịch đang phát triển rất sôi động tại Sa Pa như hiện nay, tấm lòng và kinh nghiệm trong nghề là chưa đủ giúp cô gái trẻ chèo lái hoạt động kinh doanh của công ty. Nhiều lúc Sapa O’châu tưởng chừng rơi vào bế tắc do người lãnh đạo thiếu kinh nghiệm quản lý kinh doanh và không có tiền để duy trì hoạt động... nhân viên chỉ có 6 người và khó khăn nhất là không có vốn để phát triển nhưng Tẩn Thị Su không quản ngại khó khăn bằng những cuộc hành trình không mệt mỏi để tìm nguồn hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước và đã làm nên thành công, đến nay doanh nghiệp do Tẩn Thị Su điều hành tạo việc làm 50 nhân viên đều là người dân tộc thiểu số, giúp xây dựng 15 cơ sở lưu trú của người dân bản địa, lĩnh vực kinh doanh cũng được mở rộng, từ kinh doanh dịch vụ du lịch kết hợp với việc sản xuất và quảng bá các mặt hàng thổ cẩm đặc trưng của dân tộc H’Mông. Điều đặc biệt hơn là toàn bộ lợi nhuận từ việc kinh doanh của doanh nghiệp do Tẩn Thị Su điều hành đều được sử dụng hết vào việc hỗ trợ các em nhỏ dân tộc thiểu số có điều kiện khó khăn để các em yên tâm đi học.
 
Tính đến cuối năm 2015 Sa Pa O’Châu đã kết nối thành công với các cơ sở đào tạo nghề giúp 200 em học sinh theo học và nhận chứng chỉ để làm hướng dẫn viên thuyết minh viên chuyên nghiệp. Những đứa trẻ của Sapa O’Châu giờ có người đã thành hướng dẫn viên du lịch có kinh nghiệm. Rời Sapa O’Châu, có người đã đi học cao đẳng, trung cấp, có người đi làm cho công ty du lịch khác ở Sa Pa. Trong số đố có 28 em đang làm việc trực tiếp cho doanh nghiệp dưới sự dẫn dắt của Tẩn Thị Su, tiếp tục duy trì hỗ cho gần 60 em học đang theo học đại học. cao đẳng trên cả nước, trong đó có 23 em đã tốt nghiệp ra trường với bằng khá trở lên và Sa Pa O’Châu đang cung cấp chỗ ở và các chi phí sinh hoạt đầy đủ cho 35 học sinh THPT tại Sa Pa. Cô luôn nghĩ mỗi người khi sinh ra đều có cơ hội của mình. Su cũng đã có một cơ hội rất tốt, việc của Su bây giờ là chia sẻ những cơ hội đó cho người khác. Tẩn Thị Su cũng tham gia vận động rất nhiều các bậc phụ huynh để họ đồng ý cho con em mình đến trường thay vì việc ép các em ở nhà lao động và kết hôn sớm.
Trao cho những đứa trẻ nghèo cơ hội đến trường, song Tẩn Thị Su không quên giấc mơ của riêng mình. Cô cố gắng học tập không mệt mỏi. Tháng 8 năm 2016, cô tốt nghiệp THPT, tiếp tục lên Đại học Kinh tế Quốc dân, hệ đào tạo từ xa. Với cô gái đến từ Lào Cai, học là con đường dẫn đến thành công.
 
Tẩn Thị Su là cô gái người Mông đầu tiên được Forbes vinh danh
 
Thành công lớn nhất của Su là xây dựng được văn hóa riêng của dân tộc mình cho doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc và tạo niềm tin cũng như động lực để các dân tộc khác học hỏi mô hình kinh doanh vì cộng đồng, vì xã hội. Năm 2016, Tẩn Thị Su là cô gái người Mông đầu tiên được Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 30 gương mặt tiêu biểu nổi bật trong năm.
Mới chỉ nhìn ngoại hình nhỏ bé của Tẩn Thị Su, ít ai có thể tưởng tượng cô lại có nghị lực và năng lượng lớn đến mức có thể gây dựng và quản lí một doanh nghiệp như vậy. Không chỉ được biết đến là một cô gái thành công trong lĩnh vực du lịch mà cô còn có một tấm lòng cao cả. Cô như loài cây hoang dại mọc lên từ núi rừng Tây Bắc, dù mưa dập, gió vùi thế nào cũng không quật ngã được. Hy vọng rằng trong thời gian tới, doanh nghiệp Sapa O’châu của Tẩn Thị Su sẽ ngày càng phát triển, đem lại sự thịnh vượng cho cộng đồng người Mông nơi đây. 
Ngọc Anh
 
 
Ý kiến của bạn