Chuyện làm giàu của “Tỷ phú sầu riêng”

 4976 lượt xem
Không chỉ gắn bó với cây trồng, vật nuôi để vươn lên làm giàu mà nhiều nông dân còn đồng hành cùng cộng đồng góp phần xây dựng nông thôn tại địa phương. Ông Vũ Văn Bằng, nông dân thôn I, xã Hòa Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng là một trong những tấm gương điển hình như thế. 

 Cũng như bao bà con khác ở các xã trên địa bàn huyện Di Linh, trước đây, ông Vũ Văn Bằng chủ yếu chuyên canh cà phê trên diện tích 2 ha tại xã Hòa Nam. Năm 1997, ông đã đầu tư hàng tỷ đồng để mở rộng diện tích đất sản xuất ở các xã Hòa Bắc, Hòa Ninh và đến nay, gia đình ông tập trung trồng chuyên canh sầu riêng trên 10 ha đất. 

“Trên thế giới chỉ có số ít nước trồng được sầu riêng thôi nhé. Còn ở Việt Nam, sầu riêng vốn là đặc sản của Nam bộ nhưng do đất đai ngày càng thu hẹp nên tìm đường lên Tây Nguyên. Đất đỏ bazan màu mỡ, nếu không trồng loại cây “vua” này là lãng phí lớn đó”, ông Vũ Văn Bằng hào hứng nói.
 
 
Vợ chồng ông Bằng trong vườn sầu riêng
 
  Ông Vũ Văn Bằng chia sẻ: Ban đầu, ông mua vài cây sầu riêng về trồng chơi chứ chưa có ý định làm giàu từ cây sầu riêng, nhưng thấy cây sầu riêng phát triển tốt và cho năng suất cao, nên ông đã quyết tâm nuôi mộng một ngày nào đó sẽ chuyển toàn bộ diện tích cà phê sang trồng sầu riêng. 
  Năm 2007, ông đã phá bỏ một số cây cà phê đang cho kinh doanh để trồng xen sầu riêng và khi sầu riêng lên năm thứ 3, ông phá toàn bộ cây cà phê. “Muốn đột phá trong phát triển kinh tế, ngoài kiến thức, kinh nghiệm, phải có quyết tâm theo đuổi mô hình sản xuất mà mình lựa chọn và tôi chọn chuyên canh sầu riêng. Qua tìm hiểu và kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy vì đây là cây “vua”, trên thế giới chỉ có 6 nước có thể trồng được. So với cà phê thì sầu riêng thuận lợi hơn nhiều khâu, từ chi phí đầu tư, công chăm sóc và thu hoạch… nhưng nó cũng đòi hỏi phải có kiến thức, kinh nghiệm sản xuất chứ không thể chỉ áp dụng theo tài liệu được” - ông Vũ Văn Bằng nói.
  Để mô hình chuyên canh sầu riêng của gia đình được triển khai thực hiện thuận lợi, ông đã tuyển từ 10 - 20 nhân công (bao cả ăn, ở) làm việc thường xuyên và theo mùa vụ và tùy theo công việc của mỗi người đảm nhiệm nhưng bình quân thu nhập của người lao động đạt từ 36 - 48 triệu đồng/năm.  
Trong số 10 ha diện tích đất sản xuất, đến nay, gia đình ông Bằng đã trồng được 5.000 cây sầu riêng giống Thái Lan (Dona và Mongthong), trong đó đã có 3.500 cây cho thu hoạch ổn định từ 1 - 2 tạ/cây. Ông có 2 ngôi nhà và 3 vườn sầu riêng rộng tới 20ha ở các xã Hòa Bắc, Hòa Nam và Hòa Ninh (huyện Di Linh, Lâm Đồng). Không nông hộ nào ở Nam Tây Nguyên có diện tích sầu riêng lớn như ông mà tuyền là sầu riêng ghép từ các giống mới chất lượng cao của Thái Lan như Dona và Mongthong.
Ông Vũ Văn Bằng cho biết: Trong niên vụ 2014 gia đình ông thu được 100 tấn sầu riêng, năm 2015 tăng lên 200 tấn và năm 2016 thu được 300 tấn, chỉ tính ở mức bình quân năng suất đạt 80 kg/cây. Do làm ăn có uy tín, nên những năm qua, Chi nhánh Công ty Rồng Hoa Thái (Đắk Lắk) đến tận vườn nhận thu mua và chốt giá thường cao hơn so với mặt bằng chung. Riêng năm 2016, Công ty chốt giá 41.000 đồng/kg và đến thời điểm hiện tại, gia đình ông Bằng đã thu được trên 250 tấn sầu riêng với trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Cá biệt, có ngày cao điểm ông xuất bán sầu riêng thu về cả tỷ đồng. Ông Bằng dự tính, vài năm tới khi 5.000 cây sầu riêng đều cho thu hoạch ổn định thì gia đình ông sẽ thu được từ 400 - 500 tấn quả/năm.
Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm chăm sóc sầu riêng, ông Bằng vui vẻ cho biết: “Để cây sầu riêng hạn chế được sâu bệnh hại, như bệnh tuyến trùng hại rễ, nấm… cần cân đối dinh dưỡng cho cây, không được để cây thiếu dinh dưỡng. Đồng thời thực hiện tốt 4 đúng: “số lượng phân, chất lượng phân, kỹ thuật và thời điểm”. Một năm tôi bón đến 10 đợt phân, bình quân 1 đợt bón ít nhất 1,5 kg/cây. Ngoài ra, gia đình tôi cũng đã đầu tư khoảng 400 triệu đồng cho việc khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động tại các gốc cây giảm công lao động và là một trong những khâu quan trọng quyết định đến 65% thành công. Mặt khác, cần hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt một tháng trước khi thu hoạch”.
“Lúc ông Bằng phá cà phê để trồng sầu riêng ai cũng bảo dở hơi. Thế nhưng bây giờ phải thừa nhận mấy ai làm ăn giỏi như ông ấy”, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh Vũ Mạnh Thắng nói. Chủ tịch xã Hòa Ninh Vũ Thế Quyết cũng khẳng định “Nói về sầu riêng thì ông Bằng nhất tỉnh Lâm Đồng”.
 
Bây giờ, ông Vũ Văn Bằng được bà con gọi là tỷ phú sầu riêng. Bởi với trên 21 ha chuyên trồng giống sầu riêng Dona chất lượng cao, mỗi năm, gia đình ông Bằng cho thu nhập hàng tỷ đồng và riêng năm 2016 là 16 tỷ đồng. Giữa vườn sầu riêng, ông trồng xen thêm 1 ha hồ tiêu, phía dưới là hàng ngàn gốc đinh lăng đã cho thu hoạch. Hiện ông Bằng cũng đang dự tính sẽ đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng hàng rào quanh vườn vừa thuận lợi trong việc quản lý, bảo vệ vừa có điều kiện thả gà và nuôi thỏ trong thời gian tới.
Không chỉ gọi ông Bằng là tỷ phú bởi thu nhập cao mà còn gọi ông với cái tên “nhà đầu tư không tính lãi” khi cho bà con xung quanh mượn tiền không lấy lãi suốt nhiều năm qua, giúp đỡ bà con những lúc khó khăn, những khi cà phê cần bỏ phân hay con cái cần tiền học. Ông tính nhẩm, số tiền cho mượn lên con số 2 tỷ đồng. Ngoài ra, 10 lao động thường xuyên trong trang trại, là người địa phương được nhận mức lương 5 triệu/tháng và 30 lao động thời vụ cũng giúp giải quyết việc làm tại khu dân cư. 
Năm 2016, Ông Vũ Văn Bằng đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Lâm Đồng và vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn là Đại biểu tiêu biểu dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017./.
Mai Hoàng
 
 
 
 
 
Ý kiến của bạn