Xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ là một xã miền núi với diện tích tự nhiên là 4046,37 ha, dân số 7.500 người, 1.751 hộ, có 16 khu hành chính. Đồng bào sinh sống tại địa phương chủ yếu dân tộc Mường (chiếm 69%), ngoài ra còn có người Kinh, Dao, Tày, Cao Lan.
Xuất phát điểm là một xã miền núi, diện tích lớn với nhiều dân tộc sinh sống, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn thiếu nên khi bắt tay vào triển khai công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Hương Cần gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ biết huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất, sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình, đã mang lại bộ mặt mới cho nông thôn Hương Cần. Những con đường bê tông, những ngôi nhà văn hóa, những mái trường khang trang, các vùng sản xuất tập trung, các mô hình sản xuất giá trị cao... làng quê như khoác lên mình một tấm áo mới.
Xác định rõ những khó khăn, thử thách trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM, đặc biệt là có xuất phát điểm thấp, diện tích rộng, địa bàn miền núi, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Vì vậy, bước vào thực hiện xây dựng NTM, Hương Cần xác định phát triển kinh tế sẽ là nhiệm vụ trọng tâm; công tác vận động, tuyên truyền là then chốt. Xã đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng địa phương để có kế hoạch, mục tiêu hành động cụ thể. Theo đó, Ban chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cho từng thành viên là các đồng chí trong BCH Đảng ủy xã phụ trách từng khu dân cư, xác định rõ các tiêu chí đạt, chưa đạt, thống nhất nội dung, giải pháp và tiến độ để tập trung nguồn lực triển khai. Mỗi thành viên trong Ban chỉ đạo đồng thời còn là cầu nối để huy động sự đoàn kết, thống nhất các cơ sở và nhân dân, cùng tập trung ý chí, hiến kế xây dựng NTM. Cùng với đó là đồng bộ công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, mở rộng xuống tận các cơ sở thôn, bản, khu dân cư để khơi dậy nội lực trong nhân dân. Việc huy động xã hội hoá đã được Ban chỉ đạo ưu tiên tuyên truyền, hướng đến những tiện ích của các tuyến đường, công trình xã hội… Khi triển khai thực hiện, người dân trong xã đều đồng lòng hưởng ứng, kết quả vận động, xã hội hóa đã ghi nhận được sự tích cực. Nhà có đất ven đường hiến đất, hộ không có đất đóng góp bằng ngày công xây dựng đường, xây dựng các công trình công cộng như trường học, nhà văn hóa…
Đến nay, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT, 59,9% các tuyến đường liên thôn, trục thôn xóm được cứng hóa; 98% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ lưới điện Quốc gia; 95,2% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy chuẩn Quốc gia; hệ thống thủy lợi cơ bản đã đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh... 100% người dân được tham gia BHYT... Nhóm tiêu chí về giáo dục, Hương Cần đã duy trì được chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục THCS; 100% học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học lên trung học phổ thông hoặc học nghề; cơ sở vật chất nhà trường, các trang thiết bị trong các phòng học chức năng của Trường tiểu học và Trường THCS cơ bản đảm đảm bảo phục vụ cho công tác dạy - học và được công nhận là Trường chuẩn Quốc gia từ nhiều năm nay; Trường mầm non đang triển khai xây dựng thêm một nhà lớp học 8 phòng học và phấn đấu đón chuẩn Quốc gia trong năm học 2016 - 2017... Ngoài ra, nhân dân còn tích cực đóng góp xây dựng nhà văn hóa, mắc điện chiếu sáng đường làng, ngõ xóm và thành lập tổ thu gom rác thải. Các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức rộng khắp thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, nhất là các môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông bắn nỏ, diễn tấu cồng chiêng... Hàng năm, xã Hương Cần đều duy trì tổ chức lễ hội Đình Khoang đáp ứng nhu cầu hoạt động tín ngưỡng và văn hóa, văn nghệ, thể thao của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Hiện nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ VH-TT&DL; xã được công nhận là xã văn hóa cấp tỉnh từ năm 2002;14/16 khu dân cư trên địa bàn xã có nhà văn hóa được xây dựng mới, kiên cố, khang trang; hàng năm có từ 70% trở lên số hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Diện mạo nông thôn mới ở Hương Cần đổi thay còn là nhờ “cú hích” từ các chương trình phát triển sản xuất hiệu quả. Trên địa bàn xã đã và đang tiếp tục duy trì, mở rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp; trồng chè, trồng sơn, trồng chuối phấn, rau xanh, bưởi Diễn theo hướng hàng hóa. Phát huy lợi thế địa bàn miền núi, diện tích đất rừng lớn, xã khuyến khích các hộ gia đình đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng, đầu tư kinh phí trồng rừng và mở xưởng chế biến gỗ, phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi gia súc lớn... Hiện nay, diện tích đất lâm nghiệp toàn xã là 2.773,80 ha, trong đó rừng phòng hộ hơn 727 ha, rừng sản xuất hơn 2.046 ha. Trong năm 2016, xã trồng mới hơn 141 ha rừng và gần 2.800 cây phân tán, diện tích khai thác hơn 127 ha. Nghề trồng rừng phát triển góp phần tích cực thúc đẩy nghề chế biến gỗ phát triển. Toàn xã hiện có hơn 20 cơ sở thu mua, chế biến gỗ, thu hút và tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức lương bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Về chăn nuôi gia súc lớn, hiện đàn trâu của xã có trên 800 con, đàn bò gần 1.000 con, đàn dê trên 900 con, trong đó nhiều hộ gia đình có đàn trâu, bò lên tới 30 - 50 con. Trong những năm gần đây, việc nuôi ong lấy mật cũng được chú trọng phát triển. Tính riêng năm 2016, người dân trong xã đã tăng thêm 102 đàn ong, đưa tổng số đàn ong trên địa bàn xã tăng lên 715 đàn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Cùng với đó, các hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khai thác chế biến vật liệu xây dựng (đá), chế biến nông - lâm sản, thương mại - dịch vụ, vận tải... trên địa bàn ngày càng phát triển với 446 cơ sở sản xuất, kinh doanh, mỗi năm doanh thu khoảng 50 tỷ đồng. Kéo theo đó là đời sống người dân Hương Cần nâng lên đáng kể, hiện mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 19,4 triệu đồng/năm; toàn xã chỉ còn 201 hộ nghèo, chiếm 11,06%.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hương Cần đã đầu tư trồng rừng, mở xưởng chế biến gỗ
Tuy đã có những đổi thay nhưng đích đạt chuẩn xã NTM của Hương Cần còn khá xa. Đến nay, xã mới hoàn thành 8/19 tiêu chí NTM với 23/39 chỉ tiêu đã đạt. Nguyên nhân chủ yếu là do còn lúng túng trong việc xác định thế mạnh kinh tế của địa phương để định hướng cho nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chưa nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả nên không tạo được lượng hàng hóa lớn và có chất lượng cao; nguồn lực phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM thiếu; đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn lực trong dân còn nhiều hạn chế...
Hương Cần đặt quyết tâm sẽ hoàn thành xây dựng NTM đúng hạn năm 2020 và phấn đấu sẽ về đích trước hạn. Đồng chí Dương Đức Khánh - Bí thư Đảng ủy xã Hương Cần nhấn mạnh: Là địa bàn có thế mạnh về phát triển nông - lâm nghiệp, từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, đảng ủy xã đã rút kinh nghiệm, coi phát triển sản xuất là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Thời gian tới, xã sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; chuẩn hóa, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân ở tuyến cơ sở; thực hiện đồng bộ các chính sách về đầu tư cho giáo dục, văn hóa... Đặc biệt, xã sẽ tăng cường các biện pháp giữ vững và phát triển rừng tự nhiên, rừng phòng hộ hiện có, gắn với phát triển rừng sản xuất, đảm bảo môi trường sinh thái, phòng chống bão lũ và phát triển du lịch - dịch vụ. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển của các tổ chức, cá nhân. Chú trọng phát huy lợi thế trung tâm cụm xã, tiếp tục phát triển mạng lưới thương mại - dịch vụ trên các lĩnh vực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình có điều kiện đầu tư vốn phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn... Đây sẽ là những động lực mũi nhọn để kinh tế Hương Cần phát triển, hoàn thiện và giữ vững các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng NTM và từng bước xây dựng nông thôn tiên tiến./.
Mai Thanh