Lào Cai: Những nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

 4461 lượt xem
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng ở xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai trong những năm qua phát triển mạnh. Trên địa bàn xã ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế của nông dân cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đến nay toàn xã Trì Quang có 249 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, đều là những điển hình tiêu biểu cho cách làm ăn năng động, sáng tạo, có các kinh nghiệm hay, cách làm độc đáo, chấp hành đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước. 

   Trong số đó tiêu biểu như hộ ông Lê Văn Hải ở thôn Cầu Nhò, gia đình có 4 khẩu, 2 lao động, 2 con đang đi học. Ông đã chọn mô hình kinh doanh dịch vụ tổng hợp bán các vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất chăn nuôi như: Dịch vụ vận tải, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng..... Phương thức kinh doanh của ông là bán hàng trả chậm cho các hộ gặp khó khăn, thu mua các loại nông sản mà nông dân làm ra, tạo đầu ra ổn định cho các loại nông sản nơi ông sinh sống, ngoài ra gia đình ông còn chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt, hàng năm bán ra thị trường từ 8 - 10 tấn lợn hơi, với thu nhập bình quân trừ chi phí đạt từ 250 - 300 triệu đồng.

 
Một mô hình trồng cây ăn ăn quả của người dân tại xã Trì Quang.
 
Với gia đình ông Ngô Văn Hưng thôn Tân Thượng làm giàu từ mô hình  thu mua các sản phẩm nông sản, lâm nghiệp của nhân dân trong vùng như: Lúa, ngô, sắn, gỗ.... Ông trực tiếp đến các hộ gia đình thu mua và dùng xe ô tô của gia đình vận chuyển đi tiêu thụ, thu nhập bình quân hàng năm của gia đình ông trừ chi phí trên 100 triệu đồng. Có thể nói đây là hộ điển hình trong việc giúp đỡ nông dân tiêu thụ hàng hóa góp phần kích thích nông dân trong xã tích cực sản xuất.
Còn gia đình ông Lại Đình Hoa, ông Đặng Văn Mạnh ở thôn Làng Mạ, thì chọn cách phát triển kinh tế từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, luân canh tăng vụ, hai gia đình đều đã tận dụng đất đai trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cùng với kết hợp đào ao thả cá, nuôi lợn cho thu hoạch cao. Thu nhập bình quân hàng năm trừ chi phí đạt trên 80 triệu đồng.
Về chăn nuôi có hộ ông Trịnh Doãn Xá, gia đình có 5 khẩu, 4 lao động là hộ chăn nuôi giỏi của thôn Quang Lập. Ông đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đặc biệt là tiêm phòng định kỳ cho đàn lợn, biết tận dụng các sản phẩm phụ làm thức ăn cho gia súc như: Bã đậu, bỗng rượu.... Mỗi lứa ông nuôi từ 60 - 70 con lợn thịt, hàng năm ông xuất bán ra thị trường hàng chục tấn lợn hơi. Thu nhập bình quân trừ chi phí hàng năm đạt trên 70 triệu đồng.
Không phải gia đình nào cũng có tiền đề để phát triển sản xuất kinh doanh, điển hình cho hộ nghèo vượt khó là hộ anh Lâm Tiến Công, gia đình ông có 4 khẩu, 2 lao động, ở thôn Tiến Lập. Từ năm 2013 trở về trước gia đình ông thuộc diện hộ khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, đầu năm 2015 gia đình ông được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện và vốn tích lũy tự có của gia đình đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Đàn trâu, bò gia đình đã có 5 con, cùng với việc phát triển đàn đại gia súc gia đình còn chăn nuôi thêm lợn nái sinh sản và gia cầm các loại, gia đình ông còn là hộ có mô hình vườn rừng, ao, chuồng khá phát triển. Thu nhập bình quân hàng năm của gia đình ông đã trừ chi phí đạt trên 50 triệu đồng.
Phát triển mô hình mới và mạnh dạn đầu tư điển hình có hộ gia đình anh Lê Văn Quân thôn Trì Thượng 2 với mô hình tổng hợp là Vườn – Ao – Chuồng (VAC), với diện tích ao 0,3 ha gia đình đã đưa giống cá chép lai vào thả và nuôi theo hướng công nghiệp, bên cạnh nuôi thủy sản gia đình mỗi lứa nuôi 15 - 25 con lợn thương phẩm, ngoài các hình chăn nuôi trên gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng 6 ha cây chuối tiêu hồng đang trong thời gian phát triển, trong thời gian vừa qua với những hình thức sản xuất của gia đình thường xuyên tạo việc làm cho 4 – 5 lao động ở trong thôn với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng trên tháng. 
Không chỉ đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi mà Hội nông dân trong xã còn đẩy mạnh phong trào hội viên tương trợ giúp đỡ nhau về vốn, cây con giống, kinh nghiệm sản xuất để cùng nhau giảm nghèo hiệu quả ngay từ cơ sở.
Cũng từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Hội nông dân xã Trì Quang dần đã khẳng định được vai trò của nông dân trong phát triển kinh tế. Qua đó, nâng cao đời sống và giúp cho người nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả, sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất góp phần làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho quê hương.
Tuấn Minh
 
 
Ý kiến của bạn